Ngày 7-8, Nhật hoàng Akihito đã có bài phát biểu trên truyền hình quốc gia, xác nhận về tình hình sức khỏe ngày một suy yếu và gánh nặng của các nghĩa vụ hoàng gia mà ông đang thực hiện. Với bài phát biểu này, vị Nhật hoàng 82 tuổi đã châm ngòi cho một cuộc tranh luận về vai trò của hoàng gia đối với nước Nhật hiện đại và cả tương lai của đất nước.
Chấn động cả nước Nhật
Theo học giả Nicholas Szechenyi, chuyên gia về Nhật Bản tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), luật lệ hoàng gia hiện nay buộc ông Akihito phải giữ ngôi hoàng đế đến hết đời. Thế nhưng bài phát biểu của ông dường như đang hàm ý ông muốn thoái vị và truyền ngôi khi vẫn còn sống. Hiến pháp sau thế chiến của Nhật Bản quy định Nhật hoàng mang ý nghĩa biểu tượng của quốc gia, không có quyền tác động lên chính phủ và không được có phát biểu mang tính chính trị. Chính vì thế mà Nhật hoàng Akihito đã phải tránh nói trực tiếp đến vấn đề thoái vị.
Thủ tướng Shinzo Abe và các lãnh đạo chính trị của Nhật Bản đều khẳng định đất nước cần nghiêm túc cân nhắc về bài phát biểu của vị hoàng đế. “Trước các nghĩa vụ của hoàng đế cũng như tuổi tác và gánh nặng công việc của ngài, chúng ta cần nghiêm túc xem xét những điều cần phải làm trong thời điểm này” - tờ Straits Times dẫn lời ông Shinzo Abe. Theo Szechenyi, các phát biểu này báo hiệu nước Nhật sắp mở ra một chương mới của đất nước, mở đường cho các thảo luận cải cách những truyền thống của hoàng gia và hoàng đế Nhật Bản.
Bài diễn văn của Nhật hoàng Akihito khiến giới chính khách Nhật Bản buộc phải bàn luận về các phương án nếu như ông không đủ sức thực hiện các nghĩa vụ của mình. Bản thân Nhật hoàng cũng gợi ý cần chỉ định một người đại diện thực hiện các nghĩa vụ của một hoàng đế trong trường hợp ông không đủ khả năng. Akihito cũng bày tỏ lo ngại về gánh nặng lễ nghi đối với “con dân” nước Nhật khi ông mất đi và mong muốn nước Nhật có thể tránh được tình cảnh này. Những điều này làm tăng các suy luận vị Nhật hoàng mong muốn sớm thoái vị và đưa con mình là thái tử Naruhito lên làm chủ nhân mới của “Chiếc ngai hoa cúc”.
Các thành viên hoàng gia Nhật Bản (từ trái sang phải) với Nhật hoàng Akihito (hàng đầu, thứ ba) và thái tử Naruhito (hàng đầu, thứ hai). Ảnh: REUTERS
Chân dung người kế vị
Thái tử Naruhito là người được hứa hẹn sẽ nối bước trở thành chủ nhân của “Chiếc ngai hoa cúc” - ngai vàng của hoàng gia Nhật Bản. Thế nhưng theo tờ Straits Times, vị thái tử này lại là người có quan điểm chỉ trích gay gắt nhất đối với thể chế quân chủ cha truyền con nối của “Đất nước mặt trời mọc”.
Thái tử Naruhito hiện đã 56 tuổi. Ông thường xuyên tham dự các hội thảo về chính sách quản lý và bảo tồn nguồn nước quốc tế, đồng thời là một người đam mê thể thao và âm nhạc.
Từng theo học tại ĐH Oxford, Naruhito có cá tính khá độc lập, khác với lối sống gò bó của các thành viên hoàng gia Nhật Bản. Vị thái tử cũng là người thứ hai trong hoàng tộc Nhật Bản gạt qua những truyền thống cổ xưa, quyết định kết hôn với một người không có dòng dõi quyền quý. Bà Masako từng là một nữ quan chức ngoại giao trước khi kết hôn với Naruhito vào năm 1993. Người đầu tiên trong dòng dõi vua chúa Nhật Bản kết hôn cùng thứ dân sau 2.500 năm lịch sử chính là cha ông, Nhật hoàng Akihito.
Naruhito từng chỉ trích những người chăm lo cho hoàng gia đã khiến vợ ông là công chúa Masako lâm trọng bệnh do quá căng thẳng. Vào năm 2004, ông công khai bày tỏ thái độ không bằng lòng khi Cơ quan Nội chính hoàng gia ngăn không cho ông và phu nhân du lịch ra nước ngoài. Cơ quan này cũng giữ quan điểm cho rằng nghĩa vụ của thái tử là sinh ra người kế thừa ngôi báu. Thế nhưng khi công chúa Masako hạ sinh con đầu lòng vào năm 2002 thì đó lại là một em bé gái - công chúa Aiko. Luật Nội chính hoàng gia Nhật Bản chỉ cho phép nam kế thừa “Ngai vàng hoa cúc”. Thái tử Naruhito khi đó đã lên tiếng xin lỗi vì đôi vợ chồng hạ sinh con gái nhưng cũng lên tiếng kêu gọi cần đưa ra các “nghĩa vụ hoàng gia mới” phù hợp hơn với thế kỷ 21.
Tương tự cha mình, thái tử Naruhito cũng kêu gọi nước Nhật cần rút ra bài học từ quá khứ chiến tranh đau thương của mình. Trong bài diễn văn kỷ niệm 70 năm chấm dứt Thế chiến thứ II, ông từng tuyên bố: “Ta nhận thấy đất nước cần thiết phải nhìn lại quá khứ bằng một sự khiêm nhường, truyền tải chính xác những ký ức đau thương và con đường lịch sử mà Nhật Bản từng lựa chọn để các thế hệ sau hiểu được thế nào là chiến tranh”. Bài diễn văn của thái tử Naruhito được xem là cách khéo léo bày tỏ thái độ không vừa ý của hoàng gia trước những nỗ lực của chính quyền ông Shinzo Abe nhằm tăng cường năng lực quân sự Nhật Bản.
Nhật hoàng Akihito trong lần sinh nhật thứ 81 của mình vào năm 2014. Ảnh: AP
Nhật hoàng Akihito thời còn trẻ. Ảnh: Cơ quan Nội chính hoàng gia Nhật Bản
Nước Nhật sẽ thay đổi ra sao?
Hoàng gia Nhật Bản là thể chế phong kiến cha truyền con nối lâu đời nhất thế giới hiện nay, hãng CNN cho biết. Huyết thống hoàng tộc đã không bị phá vỡ trong suốt 14 thế kỷ qua. Akihito là Nhật hoàng thứ 125 trong gia phả hoàng gia, khởi đầu với Nhật hoàng Jimmu vào năm 660 trước Công nguyên. Suốt 200 năm qua, kể từ sau Nhật hoàng Kokuku năm 1817, chưa có một vị hoàng đế Nhật nào.
Luật Nội chính hoàng gia của Nhật Bản buộc các Nhật hoàng phải giữ ngôi vị đến khi qua đời. Nếu muốn mong ước của Nhật hoàng Akihito thành hiện thực, nghị viện Nhật Bản phải thay đổi hiến pháp và thông qua một đạo luật mới để cho phép điều chỉnh. Một khi các thảo luận về điều chỉnh luật lệ truyền ngôi Nhật hoàng, nhiều khả năng công chúng nước Nhật cũng sẽ tạo sức ép để các nhà làm luật cho phép phụ nữ được truyền ngôi nữ hoàng. Hiện nay thái tử Naruhito chỉ có duy nhất người con gái là công chúa Aiko. Theo luật lệ, người xếp sau vị thái tử trong hàng thừa kế ngôi vị là em trai ông - hoàng tử Akishino.
Nhật hoàng Akihito dù chỉ mang ý nghĩa lễ nghi và biểu tượng quốc gia, người dân Nhật Bản vẫn vô cùng tôn kính ông. Một khảo sát mới đây tại Nhật cho thấy người dân hoàn toàn ủng hộ việc điều chỉnh luật để ông được thỏa mong ước thoái vị. Truyền thông Nhật Bản cho rằng ông Shinzo Abe sẽ sớm lập một ủy ban gồm các chuyên gia để xem xét vấn đề này. Nhiều khả năng nghị viện Nhật Bản cũng sẽ bàn thảo về vấn đề này trong tháng 9 tới.
Muốn thoái vị để giữ hòa bình? Theo Nicholas Szechenyi, vấn đề sức khỏe đương nhiên sẽ là nguyên nhân chính khiến vị hoàng đế ẩn ý mong muốn thoái vị. Tuy nhiên, một số chuyên gia cũng phỏng đoán rằng quyết định lên tiếng cũng thể hiện sự không bằng lòng của Nhật hoàng Akihito trước các chính sách tăng cường sức mạnh quân sự của chính quyền Shinzo Abe. Cuối năm 2015, chính phủ Tokyo đã thông qua đạo luật cho phép hàng loạt cải cách về chính sách quốc phòng, cho phép tăng vị thế và vai trò của Nhật Bản trong các vấn đề an ninh khu vực và quốc tế. Các cải cách này còn cho phép Nhật Bản thực hiện quyền phòng vệ tập thể hoặc triển khai lực lượng phòng vệ Nhật Bản ra ngoài lãnh thổ để bảo vệ một đồng minh bị nước khác tấn công. Chính quyền ông Abe khẳng định những cải cách này là cần thiết để thích ứng với một môi trường an ninh Đông Á đang thay đổi nhanh chóng. Tuy nhiên, những chính khách bất đồng với vị thủ tướng lại cho rằng các quyết sách của ông đang đẩy nước Nhật rời xa các tôn chỉ hòa bình trong hiến pháp nước này. Trong khi đó, vị Nhật hoàng Akihito là người luôn ngợi ca hòa bình. |