Bộ Nội vụ vừa trình Chính phủ dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 138/2020 về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức.
Công chức luân chuyển phải còn ít nhất 10 năm công tác
Điểm đáng chú ý là dự thảo đã sửa đổi quy định về tiêu chuẩn, điều kiện luân chuyển công chức lãnh đạo, quản lý.
Theo đó, công chức luân chuyển phải có lập trường, tư tưởng chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức tốt; có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị, năng lực công tác và triển vọng phát triển; đáp ứng tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định của chức vụ đảm nhiệm khi luân chuyển.
Còn ít nhất 10 năm công tác tính từ thời điểm luân chuyển; trường hợp đặc biệt do cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định…
Đặc biệt, đối với công chức lãnh đạo, quản lý được luân chuyển để thực hiện quy định không được bố trí người địa phương và để thực hiện quy định không được giữ một chức vụ lãnh đạo, quản lý quá thời hạn của hai lần bổ nhiệm liên tiếp ở một địa phương, cơ quan, tổ chức, đơn vị thì phải còn đủ thời gian công tác theo thời hạn bổ nhiệm. Đây là điểm mới bởi theo quy định hiện hành yêu cầu phải còn đủ thời gian công tác ít nhất một nhiệm kỳ.
Một điểm mới nữa là cán bộ cấp xã được luân chuyển làm công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý tại cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện thì không yêu cầu phải có đủ thời gian công tác tối thiểu năm năm trở lên (Nghị định 138/2020 không quy định).
Khi nào không còn được coi là công chức luân chuyển?
Về quy trình luân chuyển, dự thảo vẫn đề xuất năm bước như quy định tại Nghị định 138 (gồm đề xuất chủ trương; đề xuất, chuẩn bị nhân sự; trao đổi với các cơ quan liên quan, công chức được dự kiến luân chuyển; và thực hiện luân chuyển), tuy nhiên có sửa đổi, bổ sung đối với bước chuẩn bị nhân sự và tổ chức thực hiện luân chuyển.
Cụ thể ở bước chuẩn bị nhân sự luân chuyển, dự thảo nêu rõ cơ quan tham mưu về tổ chức, cán bộ tổng hợp đề xuất của các địa phương, cơ quan, tổ chức, đơn vị; tiến hành rà soát tiêu chuẩn, tiêu chí và dự kiến địa bàn, chức danh và nhân sự luân chuyển.
Cơ quan tham mưu về tổ chức, cán bộ hoặc cấp có thẩm quyền gửi văn bản lấy ý kiến nhận xét, đánh giá đối với nhân sự dự kiến luân chuyển của cấp uỷ, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo, người đứng đầu cơ quan quản lý và cơ quan, tổ chức, đơn vị sử dụng công chức luân chuyển về phẩm chất đạo đức, lối sống, năng lực công tác, uy tín; quá trình công tác và ưu, khuyết điểm của người được đề xuất luân chuyển; có kết luận về tiêu chuẩn chính trị theo quy định của Đảng, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định luân chuyển cán bộ.
Ở bước thực hiện, cơ quan tham mưu về tổ chức, cán bộ trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định luân chuyển. Sau đó, cấp có thẩm quyền lãnh đạo, chỉ đạo việc tổ chức thực hiện quyết định luân chuyển.
Điểm mới là cơ quan có thẩm quyền phối hợp với các cơ quan có liên quan tổ chức kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm, quản lý, đánh giá, nhận xét công chức luân chuyển trong thời gian luân chuyển. Đồng thời, cơ quan nơi đi phối hợp với các cơ quan có liên quan phân công, bố trí và thực hiện chính sách đối với công chức sau khi luân chuyển, trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Việc xem xét bố trí, phân công công chức sau luân chuyển phải căn cứ yêu cầu công tác cán bộ, yêu cầu nhiệm vụ, tình hình thực tế, kết quả công tác, năng lực, sở trường của công chức luân chuyển gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, cơ quan, tổ chức, đơn vị và kết quả nhận xét, đánh giá của cấp có thẩm quyền.
“Trường hợp công chức luân chuyển được cấp có thẩm quyền quyết định tiếp tục bố trí ổn định công tác ở địa phương, cơ quan nơi đến thì không còn xem là công chức luân chuyển theo quy định” – dự thảo của Bộ Nội vụ đề xuất.
Xem xét, quyết định kết thúc hay gia hạn biệt phái
Dự thảo cũng sửa đổi, bổ sung một số nội dung liên quan biệt phái công chức. Cụ thể, các trường hợp biệt phái gồm theo nhiệm vụ đột xuất, cấp bách; hoặc để thực hiện công việc cần giải quyết trong một thời gian nhất định.
Thời gian biệt phái công chức không quá ba năm, trừ trường hợp thực hiện theo quy định của pháp luật chuyên ngành.
Tuy nhiên điểm mới so với quy định hiện hành là khi hết thời gian biệt phái thì cơ quan, đơn vị nơi cử công chức đi biệt phái phải xem xét, quyết định việc kết thúc hoặc gia hạn thời gian biệt phái đối với công chức.
“Việc biệt phái công chức phải căn cứ vào yêu cầu công tác, phẩm chất, năng lực, sở trường và khả năng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của công chức” – dự thảo nêu rõ và yêu cầu việc này phải được Ban thường vụ cấp ủy cùng cấp hoặc cấp ủy cùng cấp của cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi cử đi biệt phái xem xét, cho ý kiến trước khi quyết định.
Người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền quản lý hoặc người đứng đầu cơ quan được phân cấp thẩm quyền tuyển dụng công chức quyết định việc biệt phái công chức thuộc thẩm quyền quản lý…