Mới đây, Ngân hàng nhà nước (NHNN) đã ban hành Thông tư 06/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 39/2016 quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng (TCTD) đối với khách hàng. Thông tư 06 có hiệu lực thi hành từ ngày 1-9-2023.
Thông tư 06 bổ sung một số quy định khác để phù hợp với thực tiễn hoạt động cho vay của TCTD và yêu cầu quản lý nhà nước.
Nới lỏng điều kiện cho vay để trả trước hạn
Đơn cử như bổ sung quy định tạo điều kiện cho TCTD được xem xét, quyết định cho khách hàng vay để trả nợ trước hạn khoản vay tại TCTD khác phục vụ nhu cầu đời sống, thay vì chỉ quy định đối với khoản vay phục vụ sản xuất kinh doanh như tại Thông tư 39 hiện hành.
Điều này tạo điều kiện cho khách hàng tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng, có thêm cơ hội lựa chọn dịch vụ và tiện ích tốt hơn tại các TCTD khác (nếu có).
Đồng thời, bổ sung quy định TCTD được xem xét, quyết định cho khách hàng vay để trả khoản vay nước ngoài dưới hình thức mua bán hàng hóa trả chậm. Đây là hoạt động mua bán hàng hóa quốc tế thông thường, do đó Thông tư 06 bổ sung quy định nêu trên để tạo điều kiện cho khách hàng vay vốn phục vụ nhu cầu này.
Thông tư 06/2023 sửa đổi, bổ sung Thông tư số 39/2016 quy định về hoạt động cho vay của TCTD đối với khách hàng, trong đó chặn đứng nhiều rủi ro về sở hữu chéo. |
Cấm cho vay để gửi tiền, góp vốn của công ty chưa niêm yết
Để góp phần đảm bảo an toàn, hiệu quả, hạn chế rủi ro phát sinh trong hoạt động cho vay của TCTD đối với khách hàng, Thông tư 06 bổ sung quy định về một số nhu cầu vốn TCTD không được cho vay để gửi tiền.
NHNN cho biết qua công tác thanh tra, giám sát, NHNN nhận thấy phát sinh trường hợp TCTD đã thực hiện cho vay để chứng minh khả năng tài chính của khách hàng vay khi đi lao động, học tập ở nước ngoài dưới hình thức vay tiền để gửi tiết kiệm hoặc khách hàng thế chấp sổ tiết kiệm ngoại tệ vay tiền đồng để gửi tiết kiệm.
Bản chất của tiền gửi tiết kiệm và giao dịch chứng minh tài chính của khách hàng phải hình thành từ chính nguồn tiền của khách hàng, không phải là tiền đi vay từ TCTD.
"Do đó, Thông tư 06 bổ sung quy định TCTD không được cho vay vốn để gửi tiền nhằm đảm bảo kiểm soát sử dụng vốn vay đúng mục đích và kiểm soát rủi ro khoản vay cũng như đảm bảo phù hợp với bản chất của tiền gửi tiết kiệm, bản chất giao dịch chứng minh tài chính"- NHNN cho biết.
Một điểm mới khác của Thông tư 06 là các TCTD không được cho vay để thanh toán tiền góp vốn, mua, nhận chuyển nhượng phần vốn góp của công ty TNHH, công ty hợp danh; góp vốn, mua, nhận chuyển nhượng cổ phần của công ty cổ phần chưa niêm yết hoặc chưa đăng ký giao dịch trên sàn Upcom.
Theo NHNN, phần vốn góp tại công ty TNHH, công ty hợp danh là vốn điều lệ của công ty trên báo cáo tài chính. Do vậy, nếu hình thành từ vốn vay sẽ phản ánh không chính xác năng lực tài chính của công ty. Đồng thời, thực tiễn thời gian qua cho thấy việc TCTD cho vay đối với nhu cầu vốn này trong nhiều trường hợp tiềm ẩn rủi ro.
"Bởi đây là nhu cầu vốn khó kiểm soát mục đích sử dụng tiền vay do TCTD không kiểm soát được việc sử dụng vốn của bên nhận góp vốn, không có cơ sở để đánh giá thường xuyên đối với tình hình tài chính, tình hình hoạt động, khả năng trả nợ của bên nhận vốn góp. Đồng thời, đây là một trong những hình thức mà khách hàng có thể sử dụng để che giấu hình thức sở hữu lẫn nhau”- NHNN nhấn mạnh.
Ngoài ra, Thông tư 06 cũng quy định các TCTD cũng không được phép cho vay để thanh toán tiền góp vốn theo hợp đồng góp vốn, hợp đồng hợp tác đầu tư hoặc hợp đồng hợp tác kinh doanh để thực hiện dự án đầu tư không đủ điều kiện kinh doanh theo quy định của pháp luật tại thời điểm TCTD quyết định cho vay, để bù đắp tài chính.