Ngày 18-8, Chính phủ đã ban hành Nghị định 98 về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương. Như vây sau hơn một năm hoạt động của nhiệm kì mới, Bộ Công Thương mới được phê duyệt chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức.
Theo cơ cấu tổ chức mới, Bộ Công Thương sẽ có 30 đơn vị hành chính, sự nghiệp. Đáng chú ý một số tổng cục, cục, vụ đã được nhập, tách, xóa tên và nâng cấp.
Cụ thể, Vụ Tài chính và Vụ đổi mới doanh nghiệp sẽ thành Vụ Tài chính và Đổi mới doanh nghiệp; các Vụ Thị trường châu Âu và Vụ Thị trường châu Mỹ nhập thành Vụ Thị trường châu Âu- châu Mỹ; Vụ Thị trường châu Á- Thái Bình Dương, Vụ Thị trường châu Phi, Tây Á, Nam Á thành Vụ Thị trường châu Á- châu Phi.
Xóa tên Vụ Thương mại biên giới và miền núi. Tổng cục Năng lượng cũng bị xóa tên và tách thành Vụ Dầu khí và Than, Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững và Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo.
Xóa tên Vụ Phát triển nguồn nhân lực, Vụ thị đua khen thưởng và nhập về Vụ Tổ chức cán bộ; nâng cấp Cục Quản lý thị trường thành Tổng cục Quản lý thị trường. Vụ Công nghiệp, Vụ Công nghiệp Nhẹ và Vụ Công nghiệp Nặng sẽ thành Cục Công nghiệp;
Cục Quản lý Cạnh tranh sẽ tách thành Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng và Cục Phòng vệ thương mại; Cục Công nghiệp địa phương đổi tên thành Cục Công Thương địa phương; Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin đổi tên thành Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số.
Viện Nghiên cứu Thương mại và Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công nghiệp thành Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương.
Theo Bộ Công Thương, ngoài Cục Quản lý thị trường tiếp tục thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo các quy định pháp luật hiện hành cho đến khi Thủ tướng quyết định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Quản lý thị trường, các đơn vị hành chính sự nghiệp còn lại áp dụng quy định mới ngay từ ngày 18-8-2017.
Theo Nghị định 98, Bộ Công Thương là cơ quan của Chính phủ, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công nghiệp và thương mại, bao gồm các ngành và lĩnh vực điện, than, dầu khí, năng lượng mới, năng lượng tái tạo, hóa chất, vật liệu nổ công nghiệp, công nghiệp cơ khí, luyện kim, xuất nhập khẩu, thương mại biên giới; phát triển thị trường ngoài nước; quản lý thị trường; hội nhập kinh tế quốc tế; cạnh tranh, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, phòng vệ thương mại;.... |