Luật Thuế thu nhập cá nhân (TNCN) quy định các khoản phụ cấp, trợ cấp cũng phải chịu thuế, “trừ các khoản phụ cấp, trợ cấp theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công; phụ cấp quốc phòng, an ninh; phụ cấp độc hại, nguy hiểm đối với ngành, nghề...”. Vừa qua, Tổng cục Thuế vừa ban hành danh mục gần 70 loại phụ cấp, trợ cấp không chịu thuế TNCN.
Gần 50 loại phụ cấp đặc thù
Nghị định 65/2013 và Thông tư 111/2013 hướng dẫn về thuế TNCN chỉ ghi ngắn gọn là “phụ cấp đặc thù ngành, nghề” thì được trừ khỏi thu nhập chịu thuế. Qua rà soát, Tổng cục Thuế liệt kê đến 50 loại phụ cấp đặc thù.
Ví dụ, người làm trong ngành GTVT được hưởng phụ cấp thợ lặn, phụ cấp đi biển (công nhân làm việc trên giàn khoan, hoa tiêu dẫn tàu...) mức 232.000 đồng/ngày.
Ngành VH-TT&DL có chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với lao động biểu diễn nghệ thuật (diễn viên) gồm hai mức 20% và 15% tính trên lương; còn có chế độ bồi dưỡng tập luyện, bồi dưỡng biểu diễn trả theo ngày luyện tập và ngày biểu diễn thực tế.
Khoản phụ cấp cho nhà giáo; khoản tiền hỗ trợ cán bộ, công chức làm công tác về chủ quyền biển, đảo không tính thuế TNCN. Trong ảnh: Thầy Phạm Trung Việt và các học trò nhỏ Trường Tiểu học Thị trấn Trường Sa Lớn trong buổi học ngày 21-4. Ảnh: NGUYỄN BÌNH
Trong ngành y tế, người lao động trong cơ sở y tế công lập được hưởng phụ cấp đặc thù theo ca trực và theo từng khoa, cụ thể: Phụ cấp chống dịch 75.000-150.000 đồng/người/ngày; phụ cấp phẫu thuật 15.000-280.000 đồng/ca tùy công việc và tính chất của loại phẫu thuật; phụ cấp trực 25.000-115.000 đồng (tính theo giờ) tùy trạm xá đến bệnh viện hạng đặc biệt. Cán bộ, viên chức BV Hữu Nghị, Thống Nhất, C Đà Nẵng... còn được hưởng phụ cấp đặc thù 1-3 lần lương tối thiểu chung.
Nhà giáo đang trực tiếp giảng dạy ở trường công được hưởng phụ cấp ưu đãi 25%-50% tính trên lương.
Trong ngành tư pháp, kiểm sát viên, điều tra viên, thẩm phán, thư ký tòa... hưởng phụ cấp trách nhiệm 15%-30% trên lương.
Công nhân, nhân viên nhà máy điện, nhà máy khí hóa lỏng, lọc dầu; thành viên tổ lái máy bay, tiếp viên hàng không; nhân viên sở giao dịch chứng khoán... được hưởng chế độ thưởng an toàn với mức 15%-20% tính trên lương, cũng không tính vào thu nhập chịu thuế.
Các loại trợ cấp của công đoàn cho người lao động, phụ cấp kiêm nhiệm và phụ cấp trách nhiệm cán bộ công đoàn cơ sở... cũng được xem là đặc thù và không chịu thuế.
Tiền bồi dưỡng không tính thuế
Mặc dù Luật Thuế TNCN, Nghị định 65/2013 và Thông tư 111/2013 quy định phụ cấp, trợ cấp nhưng khi thống kê làm danh mục, Tổng cục Thuế cũng ghi nhận một số khoản bồi dưỡng, khoản tiền cũng không tính vào thu nhập chịu thuế.
Ví dụ, trong quy định về độc hại, nguy hiểm có phụ cấp độc hại, nguy hiểm đối với những ngành, nghề hoặc công việc ở nơi làm việc có yếu tố độc hại, nguy hiểm như tiếp xúc chất độc, khí độc, môi trường dễ lây nhiễm. Loại phụ cấp này có bốn hệ số 0,1, 0,2, 0,3, 0,4 được tính trên lương tối thiểu chung và thời gian thực tế làm việc tại nơi nguy hiểm, độc hại. Ngoài phụ cấp thì còn có chế độ bồi dưỡng đối với công chức, viên chức, người lao động, học sinh, sinh viên thực tập làm việc trong điều kiện độc hại ở doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, hợp tác xã... cũng được trừ khỏi thu nhập chịu thuế TNCN. Từ tháng 12-2013, tiền bồi dưỡng này được tính theo định suất hằng ngày và có giá trị bằng tiền tương ứng theo bốn mức 10.000 đồng, 15.000 đồng, 20.000 đồng, 25.000 đồng.
Một số khoản tiền như tiền nhận theo chế độ sử dụng phương tiện đi lại trong cơ quan nhà nước, tiền nhận theo chế độ nhà ở công vụ, tiền nhận được do tham gia, phục vụ hoạt động Đảng, Đoàn Quốc hội hoặc xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước cũng được trừ.
Cán bộ, công chức làm công tác về chủ quyền biển, đảo được hỗ trợ khoản tiền một lần theo chế độ quy định.
Có nhiều loại phụ cấp thu hút, ví dụ phụ cấp thu hút đối với cán bộ, công chức, viên chức làm việc ở vùng kinh tế mới, cơ sở kinh tế và đảo xa có điều kiện sinh hoạt đặc biệt khó khăn. Loại phụ cấp này gồm bốn mức 20%, 30%, 50%, 70% theo mức lương hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo và phụ cấp thâm niên vượt khung. Có loại phụ cấp thu hút giáo viên đối với nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục công tác ở vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn, trả bằng 70% mức lương.
Các loại phụ cấp thường gặp như phụ cấp thai sản, chế độ bồi thường và trợ cấp đối với người lao động bị tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp, các loại phụ cấp thâm niên, phụ cấp trách nhiệm cũng được trừ khỏi thu nhập chịu thuế.
QUỲNH NHƯ
Làm danh mục để hạn chế vướng mắc phát sinh Trong quá trình thực hiện Luật thuế TNCN, Tổng cục Thuế nhận được nhiều ý kiến phản ánh về việc cần xác định chi tiết, cụ thể các khoản phụ cấp, trợ cấp được trừ khỏi thu nhập chịu thuế TNCN. Danh mục mà Tổng cục Thuế lập ra chỉ tính đến tháng 3-2014, nếu có phát sinh sẽ bổ sung. Gần 70 loại phụ cấp, trợ cấp trên được quy định trong năm luật, pháp lệnh, khoảng 45 nghị định, quyết định; 34 thông tư, thông tư liên tịch và một số hướng dẫn khác. Mặc dù đã thống kê khá chi tiết về tên gọi và nguồn văn bản quy định nhưng danh mục này cũng bó tay trước một số khoản tiền không rõ được văn bản quy định, ví dụ tiền nhận được do tham gia xây dựng văn bản pháp luật của Nhà nước thì “theo các văn bản của cơ quan nhà nước”. Khoản tiền nhận theo chế độ nhà ở công vụ thì “theo các văn bản của Thủ tướng Chính phủ quy định chế độ, chính sách từng đối tượng”... |