Một tuần với những sự kiện nóng hổi diễn ra ở nhiều lĩnh vực. Từ đại án Ngân hàng BIDV cho đến sự cố hàng không ở sân bay Buôn Ma Thuột và cả sự việc đau lòng của ngành giáo dục tại Trường THCS Duy Ninh, huyện Quảng Ninh, Quảng Bình. Có sự việc là do rủi ro, song cũng không ít sự cố hôm nay đã có thể đoán trước cái kết từ chuỗi sai phạm trước đó.
Đừng đổ lỗi cho bệnh thành tích
Sự kiện cô giáo chủ nhiệm phạt một học sinh lớp 6 tại Quảng Bình tổng cộng 231 cái tát khiến em này nhập viện được các báo đồng loạt đưa tin. Cơ quan chức năng nhanh chóng vào cuộc và các bản tin như Đã khởi tố vụ cô giáo ra lệnh tát học trò 231 cái, Trưởng phòng GD&ĐT cũng ém nhẹm vụ 231 cái tát, Đổ cho bệnh thành tích là vô trách nhiệm…nhận được nhiều sự quan tâm của độc giả.
Đa số ý kiến phản đối quyết liệt cách đối xử với học sinh của cô giáo. Bạn Mạch Tự cho rằng: “Rất nhiều cách chỉ bảo học sinh chưa ngoan, sao cô lại dùng hình phạt phản giáo dục vậy?”.
Nhiều bạn đọc truy cứu tới trách nhiệm của người quản lý. “Có tới 11 học sinh bị phạt theo cách này, sự việc diễn ra lâu, trách nhiệm của hiệu trưởng ở đâu?” - độc giả Tú chất vấn.
Theo phân tích của chuyên gia, đổ lỗi cho bệnh thành tích gây áp lực cho trường và giáo viên là đúng nhưng chưa đủ. Các bạn đọc Bạch Vân, Phương Việt… cho rằng: “Nếu thấy không đủ bao dung và tình thương người giáo viên hoàn toàn có quyền đổi việc. Không chỉ nghề giáo mới áp lực. Áp lực không là cái cớ cho cái sai, càng không thể biện bạch cho sự tàn nhẫn”.
Việc cô giáo bị khởi tố hình sự được số đông đồng tình. Bạn Công Lý, Hoa Thiên viết: “Bộ trưởng Bộ Giáo dục phải xin lỗi. Hiệu trưởng phải nhận trách nhiệm và cô giáo hãy xem xét đến việc đổi nghề. Cô thực sự không phù hợp”.
Những bài báo thu hút sự quan tâm bình luận của bạn đọc trong tuần qua.
Sự cố máy bay không phải vì giá rẻ
Bài viết “Máy bay đi Buôn Ma Thuột gặp sự cố, sáu hành khách nhập viện” khiến nhiều người dân hoang mang. Theo thói quen, nhiều người lại đặt ra câu hỏi “hàng không giá rẻ có thực sự an toàn?”. Một số bạn vội vàng kết luận “Máy bay vé rẻ nên chất lượng không bằng các hãng khác chăng?”.
Tuy nhiên, bạn đọc Minh Quân phân tích khá hợp lý: “Thực chất hàng không giá rẻ là do cắt các tiện ích như hành lý ký gửi, suất ăn, ghế ngồi… chứ không phải cắt giảm độ an toàn. Trên máy bay còn có phi công, tiếp viên và chính chiếc máy bay - tài sản lớn của hãng, họ đâu có liều được”.
Trước lo ngại về quy trình kiểm tra an toàn trước khi bay liệu có chặt chẽ, bạn đọc Ánh Tuyết nói: “Tất cả máy bay đưa về Việt Nam khai thác đều có Cục Hàng không Việt Nam kiểm định. Máy bay nào cũng phải có một núi giấy phép mới được bay và quy trình kiểm tra của các hãng ở Việt Nam là như nhau”.
Bạn Duy Quang có góc nhìn khác: “Trường hợp này thực sự phải cám ơn phi công và tổ bay! Phải nói là phi công quá giỏi mới giữ được an toàn cho hơn 200 con người trên máy bay lúc đó”.
Mùa cuối năm, bạn Tư Cầu Muối nhắn nhủ: “Lượng người cần bay đang gia tăng. Rất mong ngành hàng không rà soát lại tất cả máy bay để người dân yên tâm đi lại”.
Đại án BIDV với nhiều câu hỏi lớn
Cuối tuần, các bài báo liên tiếp về vụ Bộ Công an bắt giam cựu chủ tịch Ngân hàng BIDV Trần Bắc Hà; Ngân hàng BIDV nói gì về việc ông Trần Bắc Hà bị bắt… khiến dư luận xôn xao.
Qua nhiều vụ đại án ngân hàng năm nay, nhiều tên tuổi lẫy lừng một thời đã lâm vòng lao lý khiến người ta không khỏi ngậm ngùi. “Theo cái nghiệp ngân hàng không sớm thì muộn cũng vướng sai phạm. Càng lên cao càng nguy hiểm. Rủi ro và cám dỗ quá nhiều, mấy ai vượt qua được” - bạn Phú Thành bình luận.
“Không còn cái gọi là hạ cánh an toàn nữa”; “Hẳn là còn nhiều vụ nữa sẽ lần lượt được mang ra ánh sáng”… là lời nhận xét của nhiều bạn đọc.
Những sai phạm của cựu lãnh đạo BIDV và nội tình vụ án khá lắt léo khiến bạn Khang Bùi cho rằng: “Đây là vụ án phức tạp, quá trình hé mở nó sẽ vô cùng hấp dẫn. Ông Hà là nhân vật cộm cán nhất trong vụ án, hãy chờ xem ông ta khai gì”.
Nhiều bạn khác lại quan tâm đến khía cạnh xử lý sau sai phạm, bạn Ngọc Minh nói: “Thu hồi tiền thất thoát là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu nhưng công đoạn đó còn khó hơn giai đoạn điều tra nữa”. “Hy vọng các cấp làm tới nơi tới chốn, bỏ tù thì dễ, sửa sai, khắc phục hậu quả mới khó” - bạn Thanh Lan nhìn nhận.
Bạn NĐK kết luận: “Đây là lời cảnh tỉnh cho những ai cố tình làm sai nguyên tắc. Khi sai phạm không ai nghĩ đến hậu quả, khi bị phanh phui mới thấy gia đình tan nát, sự nghiệp cũng lụi tàn. Ai cứu?”
Đồng tình với bản án dành cho kẻ đâm chết hai hiệp sĩ Sáng 29-11, TAND TP.HCM đã đưa hai bị cáo Nguyễn Tấn Tài, Nguyễn Hoàng Châu Phú, thủ phạm chính trong vụ sát hại hai “hiệp sĩ” Nguyễn Văn Thôi và Nguyễn Hoàng Nam ra xét xử. HĐXX đã tuyên án tử hình cho Tài và án chung thân cho Phú. Tử hình Tài “mụn”, kẻ đâm chết hai hiệp sĩ ở TP.HCM là bài viết tường thuật phiên tòa nêu trên, bản án được dư luận đồng tình. “Quá xứng đáng với kẻ thủ ác. Lúc xuống tay sao không suy nghĩ, giờ khóc có ích gì?” - Văn Tuấn. “Rất đồng tình. Xã hội đỡ được một mối lo” - Miền Tây. “Bản án thích đáng cho những kẻ không tự lao động chân chính lại còn có tâm tàn độc” - Minh Thắng. “Đúng người đúng tội và đúng trách nhiệm. Công lý đã được thực thi... Xin được biết ơn và chia buồn với gia đình các hiệp sĩ” - Hồng Nhung. |