PGS-TS Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế nói về các trường hợp người nổi tiếng quảng cáo hàng online quá công dụng như trên tại hội nghị phổ biến tuyên truyền về công tác đảm bảo an toàn thực phẩm diễn ra tại TP.HCM ngày 9-11.
Lý giải các vi phạm này, ông Phong cho rằng: “Người của công chúng có sự thu hút rất lớn của cộng đồng. Các sản phẩm họ quảng cáo có thể họ chưa sử dụng hoặc sử dụng rồi nhưng hiệu quả không đến mức như họ nói. Trong khi, quy định quảng cáo sản phẩm phải đúng như nội dung quảng cáo đã đăng ký và thẩm định. Có thể vì mục đích khác hoặc do vô tình, chưa hiểu quy định pháp luật nên họ đã vi phạm”.
Ngoài ra, qua thanh kiểm tra, các cơ quan chức năng cũng phát hiện nhiều tổ chức, cá nhân bán sản phẩm trên các trang web, mạng xã hội chưa được phép lưu hành, quảng cáo thực phẩm chức năng như thuốc chữa bệnh, thần dược. Ngoài xử phạt vi phạm hành chính, Cục An toàn thực phẩm cũng tiến hành công khai các sản phẩm và cơ sở vi phạm này trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Một sản phẩm vi phạm Luật Quảng cáo được công khai trên website Cục An toàn thực phẩm. Ảnh: HL
Tuy nhiên, theo ông Phong, có thực tế mở trang web quá dễ, bất kỳ cá nhân nào cũng có thể mở, đặc biệt là bán hàng online. Việc xử lý các sản phẩm quảng cáo online gặp khó nhiều khó khăn khi làm việc với doanh nghiệp có sản phẩm vì họ không thừa nhận trang web đó của doanh nghiệp mà chỉ do một cá nhân đứng tên.
Đối với những trường hợp này, ông Phong cho biết đã mời Bộ TT&TT phối hợp làm việc và chuyển Cục Phát thanh truyền hình và thông tin điện tử xử lý. Trong lúc chờ xử lý, Cục An toàn thực phẩm cũng tạm dừng lưu thông sản phẩm và công khai sản phẩm trên các phương tiện thông tin đại chúng. Ông Phong cho biết sắp tới Cục sẽ quyết liệt xử lý tình trạng này.
Chín tháng đầu năm xử phạt hơn 2,5 tỉ đồng hành vi vi phạm quảng cáo Tại hội nghị, Cục An toàn thực phẩm cho biết trong chín tháng đầu năm, Cục đã xử phạt 71 cơ sở với 105 hành vi vi phạm về quảng cáo, ghi nhãn, chất lượng và điều kiện sản xuất với tổng số tiền phạt hơn 4 tỉ đồng. Trong đó, có 67 số hành vi vi phạm về quảng cáo, tổng số tiền phạt hơn 2,5 tỉ đồng. Đồng thời, Cục An toàn thực phẩm đã tạm dừng lưu thông 26 lô sản phẩm vi phạm, thu hồi 24 giấy xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm, bốn giấy xác nhận nội dung quảng cáo và bảy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm. Chuyển cơ quan điều tra bảy vụ việc có dấu hiệu sản xuất, kinh doanh hàng giả, chuyển Cục Phát thanh truyền hình và thông tin điện tử 23 trường hợp. |