Theo đó, Đà Nẵng tiếp tục dừng hoạt động các tuyến vận tải hành khách cố định có tuyến đi và đến các bến xe khách trên địa bàn TP. Taxi, xe hợp đồng, xe du lịch, xe điện thí điểm trên địa bàn TP Đà Nẵng cũng tiếp tục dừng hoạt động...
Sở GTVT TP Đà Nẵng cũng yêu cầu các đơn vị vận tải có phương tiện vận chuyển đưa đón công nhân phải gửi thông báo hợp đồng vận chuyển về Sở GTVT TP theo quy định. Đồng thời, các đơn vị phải đảm bảo số lượng hành khách trên một chuyến xe không quá 50% số ghế trên xe và không quá 20 người.
Trong khi đó, chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi đã yêu cầu tiếp tục dừng các hoạt động hội họp, sự kiện tập trung trên 20 người trong một phòng, không tụ tập quá 10 người ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện. Đối với các nhà máy, cơ sở sản xuất, công trình, cơ sở kinh doanh dịch vụ hàng hóa thiết yếu hoạt động bình thường và người đứng đầu phải chịu trách nhiệm áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch nghiêm ngặt.
Các tỉnh cũng khuyến cáo các cửa hàng ăn uống chỉ bán hàng mang đi, đặt hàng và bán online, giao nhận tận nơi cho khách. Cửa hàng ăn uống chỉ được phục vụ tại chỗ tối đa 10 người và đảm bảo khoảng cách quy định. Người dân thực hiện nghiêm việc đeo khẩu trang, giữ đúng khoảng cách tối thiểu 2 m khi giao tiếp, hạn chế ra đường khi không cần thiết…
Ngoài ra, UBND các tỉnh, thành như Cần Thơ, Bình Thuận, An Giang, Đồng Tháp, Trà Vinh, Vĩnh Long... cũng ra thông báo đề nghị tiếp tục thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng cho đến khi có thông báo mới.
Cùng ngày, TP Hải Phòng cũng có một số điều chỉnh trong hoạt động kiểm soát phòng, chống dịch bệnh COVID-19, trong đó dừng hoạt động toàn bộ chốt kiểm soát trong TP. Ngoài ra, người ngoại tỉnh về Hải Phòng hoặc người Hải Phòng đi các tỉnh, thành khác mà không thuộc 12 tỉnh, thành phải tiếp tục duy trì cách ly xã hội thì không phải thực hiện cách ly y tế nhưng phải có xác nhận của chính quyền địa phương nơi đi và đến. TP cho phép các hãng taxi được hoạt động trở lại trong địa bàn TP nhưng không quá 50% lượng xe hoạt động, chỉ được chở dưới 50% số ghế của xe… Các bến phà, bến đò kết nối với Thái Bình, Hải Dương được phép hoạt động theo khung giờ.
Còn tại Cà Mau, chủ tịch UBND tỉnh cũng ký Chỉ thị 04 cho phép một số hoạt động được phép hoạt động nhưng phải thực hiện các biện pháp bắt buộc chung về phòng, chống dịch COVID-19, gồm các cơ sở kinh doanh, buôn bán các mặt hàng phục vụ trực tiếp nhu cầu thiết yếu của người dân, các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống... Riêng các hàng quán vỉa hè, hàng rong chỉ được bán mang về.
Chỉ thị cũng yêu cầu tất cả người và phương tiện ra vào địa bàn tỉnh phải thực hiện việc khai báo y tế, lịch trình.
Trong khi đó, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Hồ Quốc Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, cho hay tỉnh cho hoạt động trở lại một số lĩnh vực như các hoạt động rèn luyện thân thể, tập thể dục thể thao ngoài trời của nhân dân như tắm biển, đi bộ, thể dục thể thao… nhưng phải thực hiện đảm bảo các yêu cầu phòng, chống dịch bệnh của Bộ Y tế. UBND tỉnh sẽ xem xét, xử lý trách nhiệm, kỷ luật nghiêm khắc đối với người đứng đầu chính quyền địa phương để xảy ra tụ tập đông người.
Còn ông Phan Đình Phùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, cũng khẳng định tỉnh tiếp tục tạm đình chỉ hoạt động các cơ sở kinh doanh các loại hàng hóa, dịch vụ trên địa bàn, trừ các cơ sở kinh doanh các loại hàng hóa, dịch vụ thiết yếu dù được xếp ở nhóm nguy cơ thấp.