Ngày 15-6, TP.HCM chính thức triển khai thí điểm cấp trích lục bản sao một số loại giấy tờ hộ tịch mà không cần phụ thuộc vào nơi cư trú của người dân.
Theo đó, phòng tư pháp tại các quận, huyện; UBND phường, xã sẽ khai thác, sử dụng dữ liệu số hóa sổ hộ tịch với bốn loại giấy tờ gồm giấy đăng ký kết hôn, khai sinh, khai tử và đăng ký nhận cha, mẹ, con từ dữ liệu số hóa tại kho dữ liệu dùng chung của TP.
Cán bộ Tư pháp - Hộ tịch phường 22, Bình Thạnh tra cứu thông tin hộ tịch. Ảnh: HUỲNH THƠ |
Theo ghi nhận của PV tại nhiều UBND phường, trong sáng ngày đầu tiên triển khai thí điểm, việc tra cứu và cấp bản trích lục được thực hiện trên phần mền hộ tịch điện tử còn gặp khó khăn do chậm tải thông tin.
Tuy nhiên, lượng người dân đến trích lục bốn loại giấy tờ trên không nhiều nên cán bộ tư pháp - hộ tịch tại các phường vẫn đủ sức giải quyết được các thủ tục.
Ông Trương Công Dũng (công chức tư pháp UBND phường Bình Hưng Hòa A) cho biết trường hợp người dân đăng ký hộ tịch tại phường nhưng phần mền tra cứu chưa hiển thị các thông tin thì cán bộ hộ tịch sẽ sử dụng sổ hộ tịch để kiểm tra thông tin và cấp trích lục. Nếu người yêu cầu trích lục giấy tờ hộ tịch đã đăng ký tại phường khác thì sẽ có chút khó khăn do phải liên hệ với nơi đã đăng ký để xác nhận thông tin.
Tương tự, ông Ngô Xuân Bình (Chủ tịch UBND phường 3, quận Gò Vấp) cũng chia sẻ việc tra cứu thông tin hộ tịch trên phần mềm đang gặp khó khăn do phần mềm quá tải dù UBND phường 3 đã hoàn thành 100% công tác chuyển thông tin hộ tịch vào kho dữ liệu dùng chung của TP.
"Hiện nay, về cơ bản, dữ liệu và máy móc đã hoàn thiện. Khó khăn là lỗi phần mềm thường xuyên bị nghẽn mạng, có thể do các dữ liệu đơn vị còn đang nhập về hệ thống. Vấn đề này đề nghị Sở Tư pháp, Bộ Tư pháp cùng nghiên cứu, khắc phục để tạo điều kiện các cơ sở thực hiện tốt hơn nhiệm vụ trích lục hộ tịch trong thời gian sắp tới" - ông Bình nói.
Về thủ tục trích lục, người dân đến trích lục bản sao giấy tờ hộ tịch điền các thông tin theo vào tờ khai trích lục hộ tịch theo mẫu, xuất trình CMND hoặc CCCD hoặc giấy tờ khác có dán ảnh và thông tin cá nhân do cơ quan có thẩm quyền cấp để chứng minh về nhân thân. Người yêu cầu cung cấp thông tin về nơi đã đăng ký hộ tịch cho cán bộ hộ tich hoặc xuất trình giấy tờ hộ tịch nếu có.
Theo Công văn 2683 của Sở Tư pháp TP.HCM hướng dẫn thí điểm khai thác, sử dựng dữ liệu số hóa sổ hộ tịch, tính đến 17 giờ ngày 13-6, Sở Tư pháp, phòng Tư pháp, công chức tư pháp – hộ tịch đã hàng thành việc chuyển 7.316.607 dữ liệu số hóa sổ hộ tích, đạt 66% khối lượng dữ liệu phải chuyển.
Sở Tư pháp đề nghị UBND quận, huyện, TP Thủ Đức chỉ đạo, hỗ trợ tăng cường năng lực cho Phòng Tư pháp, công chức tư pháp – hộ tịch phường xã, sớm nhanh chóng hoàn thành tiến độ chuyển dữ liệu.
Tại công văn, Sở Tư pháp hướng dẫn việc tra cứu và cấp bản trích lục được thực hiện trên phần mền hộ tịch điện tử. Trường hợp tra cứu không tìm thấy dữ liệu hộ tịch, nơi tiếp nhận yêu cầu cần chủ động phối hợp kiểm tra thông tin tại nơi lưu giữ hộ tịch hoặc nơi đăng ký để xác nhận thông tin đăng ký hộ tịch.
Trường hợp nơi lưu giữ sổ hộ tịch, nơi đăng ký ban đầu xác nhận có thông tin đăng ký hộ tịch thì phải chuyển ngay dữ liệu số hóa hộ tịch lên cơ sở dữ liệu hộ tịch để nơi tiếp nhận cấp theo yêu cầu của người dân.
Trường hợp nơi lưu giữ sổ hộ tịch, nơi đăng ký ban đầu không có thông tin thì nơi tiếp nhận hướng dẫn người dân đến nơi lưu giữ sổ hộ tịch/nơi đăng ký ban đầu để được xác nhận không có việc đăng ký hộ tịch hoặc không còn lưu giữ sổ hộ tịch.