Thị trường trái phiếu đang là kênh gọi vốn hấp dẫn. Không đứng ngoài cuộc, nhiều tỉ phú USD của Việt Nam (VN) quyết định tham gia phát hành trái phiếu để có nguồn lực đầu tư vào các lĩnh vực kinh doanh màu mỡ. Trong đó có những cuộc phát hành trái phiếu hàng ngàn tỉ đồng, thậm chí lên đến 10.000 tỉ đồng.
Chơi lớn
Nữ tỉ phú USD duy nhất của VN là bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Tổng giám đốc hãng hàng không giá rẻ VietJet, được xem là người mát tay bán trái phiếu. Ngân hàng HDBank, nơi bà làm phó chủ tịch HĐQT, tính từ đầu năm 2019 đến nay đã bán thành công hơn 7.500 tỉ đồng trái phiếu.
Đáng chú ý, hai tỉ phú USD VN mới nổi trong thời gian ngắn gần đây cũng tung ra gói vay cả chục ngàn tỉ đồng thông qua phát hành trái phiếu. Cụ thể, Tập đoàn Masan do ông Nguyễn Đăng Quang làm chủ tịch HĐQT vừa công bố kết quả phát hành 1.500 tỉ đồng trái phiếu. Toàn bộ số trái phiếu đã được phát hành cho năm tổ chức. Đây là loại trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, không được bảo đảm bằng tài sản với kỳ hạn ba năm.
Đặc biệt hơn, ông Hồ Hùng Anh, Chủ tịch HĐQT Techcombank, đưa ra mức vay lên đến con số 10.000 tỉ đồng thông qua phát hành trái phiếu. Techcombank cho hay mục đích của đợt phát hành trái phiếu nhằm tăng quy mô vốn, đảm bảo tỉ lệ an toàn.
Vì sao các tỉ phú thi nhau phát hành trái phiếu để vay tiền? Trả lời câu hỏi này, TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng, phân tích: Vay ngân hàng đòi hỏi đáp ứng các điều kiện tín dụng khắt khe hơn so với phát hành trái phiếu. Hơn nữa, nếu phát hành cổ phiếu sẽ đánh đổi pha loãng giá trị và quyền sở hữu.
“Với hai lý do này, cộng với đây là thời điểm mà cả thị trường đang hấp thu tốt trái phiếu doanh nghiệp (DN) nên họ chọn phát hành trái phiếu để dễ dàng có ngay vốn đầu tư, kinh doanh, phát triển sản xuất” - ông Hiếu lý giải.
Một chuyên gia kinh tế khác nhận định việc phát hành trái phiếu giúp hình thành kênh cung vốn trung, dài hạn cho DN. Từ đó hỗ trợ DN thuộc mọi lĩnh vực huy động vốn cho sản xuất, kinh doanh mà không phải phụ thuộc quá lớn vào ngân hàng.
Sức hấp dẫn của thị trường trái phiếu đã thu hút cả nhà phát hành lẫn người mua trong thời gian gần đây.
Rủi ro thuộc về nhà đầu tư
Theo Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), trái phiếu DN VN mới chỉ đạt gần 1,45% GDP, trong khi con số này ở Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Singapore lần lượt đạt 20,80%, 2,87%, 33,77% và 46,34% GDP mỗi nước. Điều này cho thấy thị trường trái phiếu DN tại VN vẫn nhiều tiềm năng phát triển.
Tuy nhiên, dù là các tỉ phú USD bán trái phiếu nhưng rủi ro cho người mua trái phiếu vẫn có khả năng xảy ra. Chuyên gia Kinh tế trưởng của ADB Yasuyuki Sawada phân tích: “Đầu tư nước ngoài tại khu vực Đông Á mới nổi (bao gồm Trung Quốc, Hong Kong, Indonesia, Hàn Quốc, Malaysia Philippines, Singapore, Thái Lan và VN) vẫn ổn định, song có những rủi ro tiềm tàng đáng kể. Sự ổn định tài chính trong khu vực có thể bị xói mòn nếu các nhà đầu tư toàn cầu thay đổi quan điểm về những thị trường mới nổi. Do vậy, các chính phủ trong khu vực sẽ cần nỗ lực để tiếp tục làm sâu sắc thêm các thị trường trái phiếu bằng đồng nội tệ để chúng có thể đóng vai trò là nguồn vốn trong nước đáng tin cậy”.
Đồng quan điểm, chuyên gia tài chính Trần Đình Phương cho rằng việc các tỉ phú thi nhau phát hành trái phiếu có thể do các đơn vị này đang kinh doanh tốt, mang lại lợi nhuận và đủ khả năng trả nợ. Tuy nhiên, thị trường vốn khó nói, có những biến động tiêu cực có thể làm tiêu tan một DN lớn. Trong trường hợp không có khả năng trả nợ, nhà đầu tư trái phiếu vẫn có nguy cơ mất trắng số tiền vay.
“Đơn cử, ngân hàng phát hành trái phiếu nếu rơi vào trường hợp mất thanh khoản thì Nhà nước sẽ ưu tiên cứu đầu tiên là những người gửi tiền tiết kiệm chứ không phải người cho vay bằng hình thức trái phiếu. Những người mua trái phiếu là người thu nợ sau cùng sau khi ngân hàng giải quyết hết các vấn đề tài chính ưu tiêu theo quy định pháp luật, mà có khi đến lượt người mua trái phiếu thì không còn bao nhiêu” - ông Phương nói.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ mới đây đánh giá trái phiếu giúp hình thành kênh cung vốn trung, dài hạn cho DN. Tuy vậy, phó thủ tướng lưu ý nếu không kiểm soát tốt việc phát hành trái phiếu DN sẽ có rủi ro, ảnh hưởng tới thị trường tín dụng và cân đối vĩ mô. Bởi tổ chức phát hành trái phiếu DN hầu như chưa được xếp hạng tín nhiệm nên tiềm ẩn rủi ro cho nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư cá nhân không đủ thông tin phân tích rủi ro.
“70% DN phát hành trái phiếu sử dụng tài sản và tài sản hình thành từ nguồn hình thành trái phiếu nhưng chưa được định giá bởi tổ chức định giá độc lập và khó xác minh các tranh chấp pháp lý” - phó thủ tướng cho hay.
Hết sức cẩn trọng khi mua trái phiếu doanh nghiệp Ông Nguyễn Hoàng Dương, Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính, Bộ Tài chính, lưu ý khi tham gia mua trái phiếu DN riêng lẻ phải hết sức cẩn trọng. Theo đó, phải yêu cầu tổ chức môi giới, tổ chức phát hành cung cấp chi tiết các thông tin như trái phiếu do DN nào phát hành, phát hành cho mục đích gì; trái phiếu có/không có tài sản đảm bảo; các cam kết của DN phát hành đối với chủ sở hữu trái phiếu; kỳ hạn trái phiếu, phương thức trả nợ gốc, lãi và tình hình tài chính của DN phát hành. Theo Công ty Chứng khoán SSI, trong tám tháng đầu năm nay, ước tính tổng lượng chào bán trái phiếu DN đạt 129.016 tỉ đồng và lượng phát hành là 117.142 tỉ đồng. Tỉ lệ phát hành thành công toàn thị trường là 90,8%. |