Nhìn thấy hoa tuyết nở, biết mùa xuân đã tới

Cảm giác se lạnh, dìu dịu, pha những hạt mưa bụi vương trên tóc, thấm trên vai từ lâu đã chẳng còn khi tôi sang Đức định cư. Thiếu vắng hẳn thân sắc của những cành đào, cành mai tươi tắn được cắm trong bình sứ, đặt ngay ngắn trên bàn thờ tổ tiên. Rồi từng tờ lịch trên tường hối hả kéo thời gian lại gần với tết cũng chẳng làm các con trẻ ở đây có cảm giác háo hức đợi chờ như chúng tôi ngày trước.

Lặng lẽ ngày xuân

Người Việt Nam có câu “nhập gia tùy tục, đáo giang tùy khúc”. Một khi chúng tôi đã tự nguyện hội nhập vào đời sống xã hội Đức thì chúng tôi cũng phải theo cái “tục” của người Đức. Nghĩa là học tập, làm việc và nghỉ ngơi theo lịch Đức. Buồn một nỗi là những ngày tết cổ truyền của ta thường lại không rơi vào những ngày cuối tuần. Vì thế tết thì vẫn tết, còn chúng tôi vẫn phải nhọc nhằn kiếm kế mưu sinh.

Đa số các gia đình Việt Nam ở Đức chỉ làm cơm vào những ngày hăm ba, ba mươi và mùng một. Tuy các nhà có tổ chức tết khác nhau nhưng vẫn có một mẫu số chung là: Chiều tối sau khi đi làm về mới bắt đầu làm cỗ. Thời gian này, khi các gia đình người Đức bắt đầu mở tivi để xem chương trình thời sự thì cũng là lúc chúng tôi xin lộc các cụ để lời cầu nguyện của mình sớm trở thành hiện thực.

Không có màu sắc vạn hoa của chợ xuân, không có không khí hồi hộp đợi chờ thời khắc giao thừa của trời đất, không có rượu nồng, pháo nổ…Chúng tôi lặng lẽ chúc nhau sức khỏe để ngày mai chớ có gục ngã trên tuyết lạnh xứ người. Tuy phải tranh thủ thời gian để làm cỗ tết nhưng trên bàn thờ của mỗi nhà vẫn có đủ các thức, món truyền thống để hiến dâng trời - đất, tổ tiên - cụ kị, ông bà - cha mẹ: Nào mâm ngũ quả, mứt ngũ vị; nào bánh chưng xanh cùng miến măng, giò chả… và không bao giờ chúng tôi quên được lọ dưa hành truyền thống. Sau khi đã lên hương đèn và mở cửa để đón các cụ, vợ con tôi đứng phía sau và theo tôi chắp tay kính lạy.

Trong bữa ăn ngày tết, chúng tôi nói chuyện về quê nhà. Tôi cố gắng giảng giải cho bọn trẻ biết ý nghĩa của ngày tết và phong tục tập quán Việt Nam. Bữa cơm tết cũng phải nhanh chóng kết thúc để sáng mai đúng 6 giờ cả nhà phải dậy để chuẩn bị cho một ngày học tập và làm việc mới. Theo thông lệ của bố mẹ tôi ngày xưa, mùng bốn tết chúng tôi hóa vàng. Sợ người Đức tò mò khó hiểu rồi gọi cứu hỏa, tôi không dám hóa dưới sân chung; sợ hàng xóm tầng trên kêu ca vì khói, tôi không dám hóa ở ngoài ban công; cuối cùng tôi phải để vàng mã vào trong một cái chảo và hóa ở bếp trong nhà.

Chúng tôi đón tết như vậy. Không hoa đào, pháo nổ; không có không khí ầm ào, râm ran chúc tụng của người thân hay bè bạn. Chỉ lặng lẽ, âm thầm, lòng chúng tôi nhớ người thân và quê hương quay quắt.

Người dân Đức mua chocolate nhân dịp năm mới đến. Ảnh: ĐT

Nỗ lực kéo tết về gần với kẻ tha hương

Lần theo tháng năm, nhớ lại những ngày mới thống nhất nước Đức, nhà máy đóng cửa, đám “thợ khách” chúng tôi lâm vào cảnh thất nghiệp. Lúc ấy, mỗi người phải tự tạo lập cho mình một cuộc sống mới từ hai bàn tay trắng. Giai đoạn này chúng tôi không có tết. Nhà ở không có, nhiều người phải tá túc nhờ nơi bạn bè. Có khi vài ba người phải ở chung trong một căn phòng nhỏ. Nếu may mắn gặp người bạn Đức tốt, họ bí mật cho ở nhờ trong nhà vườn. Ở đây mùa đông không có lò sưởi. Trong cảnh tạm bợ đắp đổi đó, chúng tôi không thể lập bàn thờ để dâng hương ba ngày tết. Tối giao thừa, anh em hẹn nhau ở một phòng nào đấy, nâng ly rượu suông, cùng nhau hướng về quê cha đất tổ.

Vào đầu những năm 1990, khi nước Đức vừa thống nhất, các nhóm đầu trọc phân biệt chủng tộc bắt đầu nổi lên như nấm độc sau cơn mưa. Ban ngày chúng săn tìm những người nước ngoài ở ngoài phố; ban đêm chúng ném gạch đá và chai xăng vào nhà. Năm 1992, tối ngày mùng một, ngôi nhà mà mấy anh em chúng tôi hẹn nhau tới đón tết đã bị bọn đầu trọc tưới xăng đốt. Những ngày đen tối ấy, máu và nước mắt của những người “thợ khách” đã phải đổ xuống trên mảnh đất phì nhiêu này.

Nhưng hôm nay đã khác. Sau khi vượt qua sóng to gió cả, vị thế của những người “thợ khách” năm xưa ngày càng được khẳng định và nâng cao trên đất Đức. Dù trời Tây không có tết Nguyên đán, những năm gần đây chúng tôi đang cố gắng kéo tết về với bà con người Việt ở đây. Người Việt đã tổ chức được nhiều hội, đoàn, câu lạc bộ, thậm chí một số nơi đã xây được chùa. Do đó, đời sống văn hóa tinh thần trong cộng đồng được cải thiện rất nhiều.

Khác với thế hệ thứ nhất ở Đức - thế hệ của lớp “thợ khách” nhọc nhằn, bươn trải trong mưu sinh - thế hệ thứ hai, thứ ba của chúng tôi đang vươn mình trỗi dậy. Họ đẹp như hoa nở báo hiệu thời khắc của mùa xuân trên đất Đức. Ở nhà mình, các cháu biết chắp tay trước bàn thờ gia tiên. Ngoài xã hội và trong trường học, các cháu đã mang lại những giá trị đích thực và danh dự sáng ngời cho cộng đồng người Việt.

Những năm tháng sống ở châu Âu, chúng tôi thường phải hứng chịu những mùa đông khắc nghiệt. Từng lớp tuyết thay nhau phủ dày trên mặt đất, rồi nén lại thành băng đá. Nằm bên dưới lớp băng lạnh cóng ấy vẫn có một mầm sống với nhựa sống mãnh liệt tuôn trào. Nó ở đâu đó ngay trong lòng đất, từng giờ, từng phút kiên nhẫn đợi ánh sáng xuân của mặt trời. Đó chính là mầm hoa “Schneegloeckchen” - tôi gọi nó là hoa tuyết - một loài hoa được coi là thấp bé nhất, yếu đuối nhất trong tất cả các loài hoa.

Ấy vậy mà khi lớp băng cuối cùng chưa kịp tan chảy, hoa tuyết lại là thứ hoa đầu tiên nở sớm nhất, cứng cáp vươn mình trỗi dậy, khoe thắm sắc màu. Hoa tuyết cũng như người Việt Nam chúng ta vậy - dù ở bất cứ nơi đâu, hoàn cảnh khắc nghiệt thế nào, vẫn luôn mang trong mình một dòng máu Lạc Hồng với sức sống mãnh liệt diệu kỳ.

Nhìn thấy hoa tuyết rộ nở biết rằng mùa xuân đã tới.

_____________________________

* Nguyễn Công Tiến là tác giả của tập truyện Đất khách. Đây là tuyển tập những câu chuyện được tác giả kể lại trong những ngày tháng tác giả sinh sống và làm việc ở nước Đức, từ những ngày nước Đức còn phân chia hai miền Đông, Tây

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm