Thế nhưng năm nay đổi mới thi cử, ở đâu thi ở đó nên nhà cô không phải bận rộn đón tiếp thí sinh nữa.
Nhà trọ của cô Oanh (948/43/4 Lê Đức Thọ, phường 15, quận Gò Vấp) đón tiếp mỗi năm 400-500 thí sinh đến ăn ở miễn phí cho đến năm 2015 đã là 10 năm. Lần giở những trang lưu bút cũ đã úa màu mà các sĩ tử dành tặng, cô Oanh nhớ da diết lũ học trò ngô nghê, lần đầu xa nhà đầy bỡ ngỡ. Chúng gọi cô bằng từ “má” thân thương.
“Má biết không, trước lúc lên Sài Gòn để chuẩn bị cho kỳ thi, con không thể nào ngủ được. Con cứ lo lắng, bồn chồn không biết đến rồi mình sẽ ra sao, không biết có nhà trọ để ở không, vì nghe đồn nhà trọ thì 200.000 đồng một ngày, cơm thì 20.000 đồng một dĩa, ôi khủng khiếp quá má ơi...”. Những dòng tâm sự của một bạn nữ gần 10 năm trước viết làm cô Oanh thầm bật cười.
Cô Oanh nhớ mãi trường hợp hai cha con người dân tộc Châu Mạ sống ở Bảo Lộc (Lâm Đồng) phải bán non la ghim (các loại rau, củ quả), nuôi heo đất cả năm trời và vay mượn mới đủ tiền cho con đi thi. Lỡ vét cạn số tiền cho con thi đợt một ở Buôn Ma Thuột, người cha dẫn con xuống Sài Gòn với cầu mong tìm được chỗ trọ và chỗ ăn giá rẻ. Khi được các bạn sinh viên Tiếp sức mùa thi dẫn đến chỗ trọ ăn ở miễn phí, hai cha con nửa mừng nửa lo. “Trưa đó, chờ mọi người ăn xong phần cơm miễn phí và không thấy hỏi chuyện tiền nong gì họ mới dám tin là chỗ mình tốt thật và mới dám ăn cơm. Sau đó, người cha gọi điện thoại về cho vợ khoe tìm được chỗ ở như thiên đường, cái bếp còn đẹp hơn cái nhà của mình...” - cô Oanh bồi hồi nhớ lại.
SV Nguyễn Văn Quân hiện đang ở trọ nhà cô Oanh kể từng là thí sinh được cô Oanh tiếp sức khi cùng với cha lặn lội từ Thanh Hóa vào thành phố xa lạ. Hằng năm cứ đến mùa thi Quân cùng các bạn cùng ở chung nhà trọ dồn vào một phòng để lấy chỗ cho các bạn sĩ tử. Quân chia sẻ: “Cô Oanh lo cho mình và các bạn thí sinh giống như con. Trước khi bước vào kỳ thi, cô đều bắt tay chúc mỗi bạn thi tốt làm mình càng vững tin hơn. Mọi năm, giờ này là mình đang sắp xếp chỗ ăn ở, làm giấy tờ tạm trú, phụ cô Oanh chở cơm nước được hỗ trợ từ các nơi tiếp sức cho các bạn sĩ tử. Năm nay không còn tiếp sức nữa, thấy buồn buồn thiêu thiếu”. Nghe Quân kể, cô Oanh cũng ậm ừ: “Buồn gì đâu!”.