TÀN SÁT CÁ, TÔM BẰNG XUNG ĐIỆN - BÀI 1

Nhộn nhịp xiệc cá sông

Tại khu vực giáp ranh giữa xã Mỹ Thạnh và xã Tân Thành, chúng tôi phát hiện một “xiệc tặc” đang chích cá dưới ruộng lúa bằng loại xiệc mang trên lưng có hộp gỗ. Trên bờ, một phụ nữ xách giỏ đựng đầy cá. Người phụ nữ này cho biết mới đi xiệc được khoảng một tiếng, chủ yếu bắt cá ăn chứ không buôn bán. Chúng tôi hỏi đi xiệc vậy có sợ bị bắt không, người này nói: “Cũng sợ nhưng ở xã có nhiều người đi xiệc. Cái này có vài trăm ngàn nên nếu bị tịch thu thì mua cái khác xiệc tiếp”.

Cách đó hơn 1 km, cũng ở xã Tân Thành hướng về thị trấn Thủ Thừa, một người đàn ông khác đi xuồng dưới kênh đang châm điện bắt cá. Dù thấy chúng tôi đang ghi hình nhưng ông ta vẫn thản nhiên tiếp tục công việc.

Theo ghi nhận của PV trong nhiều ngày, nhiều trường hợp người dân dùng xiệc điện chích cá ở các xã Long Thạnh, Long Thuận, Long Thành (huyện Thủ Thừa). Phần lớn việc tàn sát tôm, cá này diễn ra công khai giữa ban ngày.

Đầu tháng 12, trên sông Vàm Cỏ Tây, khu vực xã Tân Lập (Mộc Hóa), chúng tôi phát hiện hai người đàn ông đi trên xuồng ba lá đang dùng xiệc điện chích cá. Theo quan sát, người ngồi phía sau bơi xuồng chậm rãi để người phía trước dùng hai vợt châm vào đám lau sậy dọc mé kênh. Chỉ vài động tác, những con cá lớn, cá nhỏ bị điện giật bắn lên mặt nước và người này ung dung dùng vợt vớt cá.

Quá trình ghi nhận, PV ghi nhận được không chỉ ở Thủ Thừa, tại các huyện vùng Đồng Tháp Mười sông ngòi nhiều của Long An như huyện Thạnh Hóa, thị xã Mộc Hóa, huyện Vĩnh Hưng và huyện Tân Hưng, người dân bắt cá hủy diệt bằng xiệc cũng phổ biến không kém.

Hai người đàn ông đang tận diệt cá, tôm bằng xiệc điện ở sông Vàm Cỏ Tây, khu vực xã Tân Lập, huyện Mộc Hóa. Ảnh: HOÀNG NAM

Mua xiệc dễ như mua… rau

Người sử dụng xiệc thì nhiều, còn người bán cũng không ít. Đầu tháng 12, trong vai một người dân, chúng tôi đến một tiệm tạp hóa ở thị trấn Thủ Thừa để hỏi mua xiệc chích cá. Ông chủ tiệm nói chỗ ông chuyên bán loại đã ráp sẵn chứ không độ. Theo đó, nếu là xiệc loại hộp nhôm (của Tây Ninh) có giá 400.000 đồng/cái, còn loại hộp cây (của Long An) giá 600.000 đồng/cái. Nói xong, người đàn ông này vào trong quán, lát sau quay ra với một xiệc điện trên tay loại vỏ gỗ đưa cho chúng tôi.

PV nêu lý do loại này xiệc yếu và hỏi còn loại nào mạnh hơn không thì chủ tiệm trả lời: “Loại này chích được ở mực nước khoảng 1,5 m, còn muốn xiệc được ở độ sâu hơn thì phải đặt làm loại dành cho dân chuyên nghiệp. Nếu anh cần “độ” gấp thì tôi sẽ giới thiệu mấy đứa lính làm cho”.

Vừa lúc này, một người đàn ông cũng đến hỏi mua xiệc. Khi biết chúng tôi có “nhu cầu” chích cá ở mực nước sâu, người khách này cũng quả quyết: “Chích sâu thì phải làm loại 20 con sò (một loại linh kiện điện tử) trở lên”.

PV tiếp tục đến thị trấn Vĩnh Hưng (huyện Vĩnh Hưng) và ghé vào tiệm chuyên bán bình ắcquy địa chỉ số 5, khu phố 1. Khi chúng tôi hỏi mua xiệc, chủ quán là một phụ nữ nhanh nhẹn vào trong rồi nhanh chóng đi ra. Trên hai tay bà là hai xiệc loại hộp gỗ, giá 400.000 và 450.000 đồng/cái. Chúng tôi ra vẻ không vừa ý thì bà ta lấy tiếp một loại xiệc hộp bằng nhựa hình vuông giá 500.000 đồng.

Theo tìm hiểu từ các chủ tiệm bán xiệc, một bộ xiệc điện cỡ bình thường bao gồm xiệc giá 400-600 đồng/cái, bình ắcquy loại 25 Ah-12 V có giá trung bình khoảng 500.000 đồng/cái, cộng lại chỉ tầm giá 1 triệu đồng. Trong khi đó, nhiều “xiệc tặc” chuyên nghiệp cho chúng tôi biết nếu vào mùa cá thì chỉ cần 1-2 buổi đã lấy vốn nên dù biết là hành vi trái pháp luật, nhiều người vẫn bất chấp.

Chủ tiệm giới thiệu xiệc điện cho khách. Ảnh: HOÀNG NAM

Nhiều người “hành nghề” xiệc cá, tôm đến độ đếm không xuể. Ảnh: HOÀNG NAM

Phạt như… gãi ngứa!

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Nguyễn Hữu Lợi, Phó phòng NN&PTNT huyện Thủ Thừa, cho biết trung bình mỗi năm phòng phối hợp với công an huyện tiến hành khoảng 10 đợt kiểm tra nạn đánh bắt thủy sản trái phép, trong đó chủ yếu là đánh bắt bằng kích điện.

Từ đầu năm đến nay, huyện này mở nhiều đợt kiểm tra đã phát hiện và xử lý trên 100 vụ vi phạm, tịch thu nhiều bộ kích điện. “Hiện nay nước lũ rút, người dân bơm nước sạ lúa nên cá về sông nhiều, là thời điểm “xiệc tặc” hoạt động mạnh nhất trong năm nên chúng tôi tăng cường kiểm tra hơn. Trước đây, trên toàn huyện có khoảng 1.500-2.000 người thường xuyên “hành nghề xiệc tặc”. Gần đây do cá, tôm giảm nên nhóm này chỉ còn khoảng 200-300 người, trong đó có cả đàn ông, đàn bà và trẻ em” - ông Lợi nói.

Cũng theo ông Lợi, “xiệc tặc” chủ yếu là dân địa phương nên ở các xã họ cũng ngại xử lý và khi nào huyện mở cao điểm thì xã mới đi bắt. Ngoài ra, dân xiệc chuyên nghiệp hành nghề bằng vỏ lãi composit, máy “khủng” 13-18 mã lực nên cấp xã cũng không có phương tiện truy đuổi. Còn ở huyện kinh phí mỗi năm chi cho công tác này chỉ có 10 triệu đồng, muốn bắt hiệu quả thì phải đi bằng canô mà đi bằng canô thì không bao lâu cầm chắc… hết tiền đổ xăng.

“Thêm nữa, mấy năm gần đây ở Thủ Thừa chỉ có hai “xiệc tặc” bị xử phạt nhưng nhiều lần tái phạm nên bị xử lý hình sự, còn bình thường chỉ phạt hành chính với mức cao nhất 3 triệu đồng. Trong khi đó, các “xiệc tặc” chỉ một đêm đi xiệc là đủ lời. Mức phạt nhẹ như vậy nên họ tái phạm là dễ hiểu” - ông Lợi nhận định.

Tan nát hệ sinh thái vùng Đồng Tháp Mười

Trước đây nguồn lợi thủy sản tại vùng Đồng Tháp Mười, Long An rất dồi dào nhưng bây giờ nhắc đến nguồn lợi này thì cứ như nói chuyện… cổ tích.

Hiện chưa có khảo sát, kiểm kê cụ thể song thông qua nguồn lợi thực tế qua việc đánh bắt gần đây, rõ ràng thủy sản tại Đồng Tháp Mười đang dần cạn kiệt, giảm về sản lượng lẫn số loài. Một số loài như cá hô, cá tra dầu hiện còn rất ít.

Sông mà không có cá, tôm thì sẽ không thu hút chim về, kéo theo sự biến đổi của hệ sinh thái.

Nguyên nhân của việc cạn kiệt ngoài việc biến đổi khí hậu thì nạn đánh bắt hủy diệt, giết hàng loạt bằng xung điện là một trong các nguyên nhân. Nếu đánh bắt bằng thủ công thì cá nhỏ ít bị tận thu nhưng dùng xung điện, người dân chỉ bắt được khoảng 10%. Số còn lại thì chết hết, nếu không cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Tất nhiên, ý thức của người dân chưa cao nên mới “đánh bắt hủy diệt” nhưng phải cần lưu ý đến sự thiếu quyết liệt xử lý của các lực lượng chức năng.

TS LÊ PHÁT QUỚI, Viện TN&MT ĐH Quốc gia TP.HCM

Từ đầu năm đến nay, lực lượng chức năng đã phát hiện 26 vụ người dân dùng xiệc điện bắt cá. Xã ra quyết định xử phạt bốn người (với số tiền 8 triệu đồng) và tịch thu phương tiện. Ở đây người dân đi xiệc cá nhiều không đếm xuể, có dân chuyên nghiệp lẫn dân nghiệp dư. Tuy vậy, chúng tôi gặp nhiều khó khăn trong việc xử phạt, do khi phát hiện lực lượng chức năng, họ vứt bỏ tang vật và bỏ chạy.

Ông MAI HỮU PHƯỚC, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Thành

________________________________

Bài tiếp: Xâm nhập lò “độ” xiệc

Nhiều cửa hàng điện máy kiêm luôn việc độ xiệc quy mô, hoạt động rầm rộ và công khai kèm lời cam kết: Bao xài, không ai phạt.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm