“Thay vì chờ nhân viên đến thu tiền theo hình thức truyền thống, khách hàng có thể đóng tiền thông qua các hình thức khác nhau để tiết kiệm thời gian. Bên cạnh đó, các hình thức thanh toán này còn có thể hỗ trợ cho những người dân có nhà cho thuê hoặc có thể hỗ trợ thanh toán tiền điện giùm người thân ở xa” - ông Nguyễn Phú Vĩnh, Trưởng phòng Kinh doanh Tổng Công ty Điện lực TP.HCM (EVNHCM), cho biết.
Thanh toán bằng nhiều hình thức
Sáng 28-3, EVNHCM đã tổ chức hội nghị triển khai giải pháp thanh toán tiền điện năm 2017. Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Phú Vĩnh cho biết việc triển khai giải pháp thanh toán tiền điện năm 2017 sẽ hướng đến mục tiêu thực hiện chủ trương của Chính phủ là đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử giai đoạn 2016-2020.
Để chuẩn bị cho chương trình này, trong năm 2016 EVNHCM đã triển khai hợp tác thu hộ tiền điện với 22 ngân hàng (NH) và tám đối tác với bảy hình thức thanh toán. Đến nay tổng cộng đã có 2.202 máy ATM và 4.022 điểm thu tiền điện đặt khắp nơi trên địa bàn TP. Hướng dẫn người dân thanh toán tiền điện, ông Vĩnh cho biết khách hàng có thể dễ dàng thanh toán qua bảy hình thức: Đến quầy thu NH (22 NH thu hộ), qua trang web của công ty, qua điện thoại thông minh, tin nhắn SMS, thanh toán qua ATM, dùng thẻ Auto Debit và hình thức ủy nhiệm thu-ủy nhiệm chi đối với khách hàng lớn. EVNHCM cũng chú ý đến sự phát triển của các cửa hàng tiện lợi, siêu thị, cửa hàng điện thoại..., là những nơi có thể tạo nhiều thuận lợi cho khách hàng đến giao dịch thanh toán.
Khách hàng đang đóng tiền điện tại một chi nhánh ngân hàng ACB, TP.HCM. Ảnh: HTD
Vẫn còn không ít khó khăn
Cũng tại hội nghị, ông Vĩnh cho biết công tác thu hộ tiền điện vẫn còn một số hạn chế nhất định. Cụ thể, bên cạnh việc tích cực tuyên truyền, quảng bá các hình thức thanh toán tiền điện nói trên, một số đơn vị trực thuộc EVNHCM thực hiện chưa đạt được hiệu quả cao như mong muốn. Cũng theo ông Vĩnh, vẫn còn tồn tại trường hợp nhân viên giao dịch tại một số bưu cục thực hiện thu tiền không đúng quy trình thu hộ. Một số đơn vị vẫn yêu cầu khách hàng đóng tiền điện phải xuất trình CMND. Thêm vào đó, một vài NH có triển khai hình thức trích nợ tự động nhưng khi khách hàng của EVNHCM yêu cầu thì không được đáp ứng. Một số điểm thu tiền điện của các tổ chức trung gian vẫn còn thu thêm phí khách hàng…
Cũng trong hội nghị, ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Giám đốc kinh doanh Điện lực Hóc Môn, cho biết huyện Hóc Môn là huyện có trình độ dân trí thấp hơn khu vực nội đô TP nhưng lại đạt 70% (7/12 xã) người dân sử dụng hình thức thanh toán qua NH và các hình thức khác. “Công ty đã phối hợp với trưởng ấp đến từng hộ dân để tuyên truyền, giải thích. Dự kiến đến tháng 4-2017, huyện Hóc Môn sẽ tiến đến đạt 100% khách hàng thanh toán tiền điện thông qua NH và các đối tác thu hộ” - ông Hùng nhấn mạnh.
Tuy nhiên, những nơi làm tốt như Hóc Môn chưa nhiều. Cũng trong hội nghị, đại diện các NH như ACB, VIB, An Bình, Vietcombank… đã chia sẻ những khó khăn trong công tác thu hộ tiền điện. Trong đó, các đơn vị đề nghị EVNHCM và các công ty điện lực địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến người dân để hỗ trợ các NH làm tốt hơn.
22 ngân hàng thu hộ Các NH này gồm: Agribank, Maritime Bank, Vietcombank, BIDV, VietinBank, ABBANK, Sacombank, ACB, VietAbank, DongABank, Techcombank, SHB, EximBank, LienVietPostBank, MBBank, NamABank, HDBank, VIB, SaiGonBank, OCB, VPBank, TienPhongBank. Trong năm 2017, EVNHCM đã đặt ra mục tiêu đạt tỉ lệ khách hàng thanh toán qua NH và các tổ chức thanh toán trung gian trên 75%. Trong đó, ít nhất 33% khách hàng thanh toán qua hình thức điện tử. |