Hơn 20 năm sau tôi đến, tình hình vẫn là “kiếm ăn trên đất mỏ”, nhưng sự “kiếm ăn” của thợ lò bây giờ không chỉ khác xưa, mà còn thú vị vô cùng.
“Mời anh đi ăn cỗ với chúng em”
Kết thúc vụ nổ mìn, chúng tôi lại bò thêm mấy trăm mét nữa thì tụt xuống gương lò. Trước mặt tôi là một công trường nhộn nhịp với ầm ào tiếng máy nổ, tiếng khoan rít vào đá, tiếng xúc than, tiếng người gào gọi nhau… “Ồn ào như cái chợ anh nhỉ?” - tôi ghé vào tai anh Thuyết. Anh cười, lời giải thích sau đó làm tôi bất ngờ: “Thì chợ chứ gì nữa, cha ông mình hay lắm, tên gọi “lò chợ” cũng do quang cảnh này mà ra”. Bỗng nghe “mọi người nghỉ tay ăn bữa lỡ”. Lời vừa dứt, lò chợ đột ngột không còn “chợ” nữa mà trở nên im ắng. Bữa lỡ được bày ra, mỗi người một ổ bánh mì kẹp thịt và một hộp sữa tươi, tất nhiên là khách không mời như chúng tôi chẳng được phần. “Thợ lò bây giờ được ăn ngày ba bữa, một bữa đầu ca, một giữa ca như thế này và một cuối ca. Giờ không những không phải tự lo chuyện ăn uống như xưa mà còn được ăn định lượng, mỗi người được ăn 93.000 đồng/ngày, trong đó chúng tôi chỉ phải nộp thêm 15.000 đồng/người/ngày, còn lại công ty tính vào giá thành sản xuất” - Ông Phạm Ngọc Công - quản đốc hầm lò, mang hàm trung tá, năm nay đã 58 tuổi, vừa nhai bánh mì, vừa nói.
Chợt nhớ hôm vừa bước lên từ một lò chợ của Cty TNHH MTV Thăng Long, thợ lò tên Quý rủ “sẵn dịp, lát nữa tắm rửa xong anh đi ăn cỗ với tụi em”. “Hôm nay cơ quan mình liên hoan vụ gì vậy em?”- tôi thắc mắc. Quý nhìn tôi cười ngặt nghẽo: “Ăn cơm cuối ca thôi anh ạ. Chỉ là bây giờ thợ lò được ăn định lượng rất ngon, nhiều món nên chúng em đùa nhau là như ăn cỗ”.
Tôi cùng cả trăm thợ lò chui vào phòng tắm rộng như sân bóng dành cho công nhân. Một công nhân già vừa cởi quần áo vừa khoe “bây giờ thợ lò tan ca được tắm gội bằng nước nóng, xà phòng, dầu gội thơm phức, quần áo thay ra là có người giặt phơi, rất sĩ quan, à còn hơn cả sĩ quan ấy chứ”. Tôi không quen cảnh cả mấy chục thằng đàn ông trần truồng như nhộng vừa kỳ cọ vừa quan sát cơ thể nhau rồi bình phẩm… nên cứ xấu hổ đứng lóng nga lóng ngóng không biết phải bắt đầu như thế nào. Vậy nên vừa bước ra khỏi phòng thì mọi người đã xúm lại cười ồ, bảo “nhà báo vậy là chưa tắm đúng kiểu thợ lò rồi”. Tôi soi gương, thấy mắt mũi, miệng… vẫn còn những viền đen đậm đặc; chà xát hai cánh tay vào sườn bỗng nghe nhầy nhầy...
Mặc kệ, tôi theo Quý xuống phòng ăn và đúng là “ăn cỗ” thật vì trưa hôm đó nhà ăn dọn ra bao nhiêu là món ngon được chế biến từ rau, thịt, hải sản. “Bữa nào cũng ăn no nê, cành cả bụng ra vẫn không hết thức ăn anh ạ” - Quý nói. Nhưng vậy vẫn chưa sang trọng bằng thợ lò của Cty TNHH MTV 35, một đơn vị khác cũng thuộc Tổng Cty Đông Bắc. Hôm nọ tôi đi theo thợ lò xuống nhà ăn và chứng kiến họ không chỉ ăn định lượng mà còn định lượng kiểu… buffet như trong khách sạn 3 sao; một bữa 7 món tự chọn nóng hổi, chưa tính cơm, canh, từ gần 2 năm nay.
Nhìn thợ lò ăn, tôi cứ nhớ đến sự so sánh đầy “mặc cảm” của đại tá Nguyễn Quang Bình - Trưởng phòng Kỹ thuật sản xuất của Tổng Cty Đông Bắc, cũng xuất thân từ thợ lò: “Thời tôi làm công nhân, ưu tiên bậc nhất thì mỗi tháng cũng chỉ được phát 24kg gạo, 3kg thịt và 2kg đường… chứ đâu có được như bây giờ…”. Đặc biệt, thợ lò của công ty này (cùng với Cty TNHH MTV 86) còn được ở trong những căn nhà chung cư xịn hơn hầu hết các chung cư thu nhập thấp của cả nước (4 công nhân một phòng, có bếp nấu để cải thiện, được trang bị máy nóng lạnh, tivi, đầu K+…), ngay giữa trung tâm thành phố Cẩm Phả (Quảng Ninh), thay vì ở tập thể ngay trong các khai trường trong núi như nhiều đơn vị khác.
Lương cao vẫn không tuyển ra người
Trở lại với chuyện ai nấy mặt mày lem luốc như nghệ sĩ tuồng tẩy trang vội vã sau vụ nổ mìn, tôi không sao nhịn được cười. Quản đốc Phạm Ngọc Công nhìn mặt tôi trêu: “Mặt nhà báo có thua gì đâu,cũng ra dáng thợ lò lắm”. Rồi ông trấn an: “Nhưng không sao đâu, lát nữa lên tắm gội xong là đâu lại vào đấy, trắng trẻo, đẹp trai như ngày nào thôi”. Nhắc chuyện tắm gội lại nhớ hôm ở phòng tắm chung với công nhân, tôi đang loay hoay kỳ cọ thì một thợ lò chỉ xuống dòng nước đen ngòm bụi than dưới chân mình, nói “hằng tháng tụi em đi về bệnh viện ở Hà Nội súc phổi bằng máy, gọi là thanh lọc cơ thể, nước từ phổi tụi em chảy ra trong xô cũng như thế này anh ạ”. Bất chợt tôi rùng mình, người cứ thừ ra, nghĩ nếu chẳng may không có cái máy đó thì thợ lò sẽ ra sao nhỉ?
Thợ lòở trong những căn nhà chung cư xịn hơn hầu hết các chung cư thu nhập thấp của cả nước |
So với cách đây 10 năm cũng như với công nhân các ngành nghề khác cùng thời điểm thì thợ lò bây giờ lương cao ngất ngưởng. Ở các đơn vị khai thác than do Tổng Cty Đông Bắc quản lý, thu nhập bình quân của thợ lò khoảng 12 -15 triệu đồng/người/tháng (mỗi tháng làm 22 ngày, mỗi ngày làm ca 8 tiếng). Có nhiều trường hợp đặc biệt, như thợ lò Nguyễn Văn Hợi, công nhân công trường 3 của Cty TNHH MTV 35, thuộc nhóm những người đạt năng suất kỷ lục nên thu nhập của anh có tháng lên đến hơn 20 triệu và bình quân hằng tháng là 18 triệu - cao hơn lương lãnh đạo.
Các thợ khác thuộc tổ anh Hợi quản lý cũng có thu nhập bình quân khoảng 15 triệu đồng/người tháng. Thợ lò có thu nhập như anh Hợi và các cộng sự, ở Tổng Cty Đông Bắc đếm không xuể! Thảo nào hôm dẫn tôi đi quanh khu vực Hoành Bồ, đại tá Nguyễn Mạnh Cường - Bí thư Đảng ủy, Phó giám đốc Cty TNHH MTV Thăng Long - nơi có nhiều thợ lò là người địa phương - bảo: “bây giờ thợ lò của chúng tôi là thành phần giàu thứ 3 ở địa phương, chỉ sau các ông trùm buôn gỗ và người buôn bán lớn”.
Anh Ngô Ngọc Thuyết - Trưởng phòng An toàn của công ty TNHH MTV 86 - nói, thợ lò bây giờ không chỉ thu nhập cao, ăn ở ưu đãi, nhận vào được cho đi đào tạo nghề miễn phí, mà công việc cũng nhẹ nhàng hơn ngày xưa rất nhiều. Gần như các phần việc nặng nhọc trong hầm lò đã có máy móc làm hết, xưa vất vả nặng nhọc 10, giờ chỉ còn 3. “Thế nhưng chúng tôi vẫn tuyển không ra người anh ạ”. Vì sao lại tuyển không ra người? - tôi ngạc nhiên.
Anh Thuyết trả lời: “Vì tâm lý chung cho rằng nghề này vẫn còn nguy hiểm và độc hại như mấy chục năm trước, trong khi thực tế không phải vậy. Tôi có mấy đứa cháu ở quê, thà ở nhà làm công nhân cho các nhà máy quanh đó với thu nhập 3-4 triệu đồng/ tháng chứ kiên quyết không ra đây. Lý lẽ của tụi hắn là thà lương thấp mà được ở nhà gần vợ con, ra đây lương cao mà ăn ở tập thể, mỗi tháng, có khi hai ba tháng mới được về với u nó một vài ngày, lại thường trực đối mặt với hiểm nguy”. Anh Thuyết bảo “bây giờ muốn tuyển được thợ lò phải đi về các tỉnh xa như Bắc Giang, Thái Nguyên, Nghệ An, Thanh Hoá… Và ở các tỉnh đó cũng phải về tận các địa phương miền núi, vùng nông thôn - những nơi thanh niên không có ngành nghề gì khác để kiếm tiền, thì mới tìm ra người. Còn ở Quảng Ninh này, thật ra thì cũng có người chịu làm thợ lò, nhưng số đó không nhiều, chủ yếu là con em ở các xã miền núi, và những gia đình từng làm than thổ phỉ nay được chúng tôi cảm hoá, nhận vào làm công nhân”.
“Tôi là người thợ lò/ Kiếm ăn trên đất mỏ…”. Tôi rất thấm thía với những câu “nhạc chế” này trong những ngày lang thang hầm lò khi đến đâu gặp công nhân, hỏi quê ai cũng bảo đến từ những nơi xa lắc lơ như Thanh Hoá, Nghệ An; gần nhất cũng tận Thái Bình, Nam Định, Hải Phòng, Hải Dương, Bắc Giang, Thái Nguyên… Tôi hỏi vậy nỗi sợ hãi lớn nhất của em khi ra đây làm thợ lò là gì? Có phải là những nguy hiểm không biết đến từ đâu luôn rình rập trong hầm lò? Và tôi ứa nước mắt khi nghe Đức, thợ lò quê ở Thanh Hoá trả lời: “Sợ nhất là nhớ vợ con anh ạ. Tất cả thợ lò như chúng em đến đây làm việc đều để lại vợ con ở quê, may lắm thì mỗi tháng vợ được thấy mặt chồng, con thấy mặt cha được một hai ngày. Có những đêm không chịu nổi, em nghĩ thôi mai mình vứt bỏ công việc này để về quê rồi sau đó tới đâu thì tới. Nhưng rồi nghĩ lại cảnh ôm vợ ôm con mà bụng đói vì ở nhà không biết làm gì ra tiền, em lại cắn răng, cứ vậy ngày này qua ngày khác…”.
Theo HOÀNG VĂN MINH (Lao Động)