Phiên toà đặc biệt nhiều “cái nhất”
Đã bước qua tuổi thất thập cổ lai hy nhưng với ông Nguyễn Đình Phòng, phiên toà xử Khánh trắng và đồng bọn có lẽ là phiên toà đặc biệt nhất trong suốt quá trình tham gia công tác xét xử của ông. Tiếp tôi tại căn phòng áp mái trên tầng 3 ngôi nhà với cả kho sách báo cổ, ông Phòng trầm ngâm kể về những khoảnh khắc khó quên trong suốt phiên toà phiên tòa xét xử Khánh Trắng và đồng bọn. Trước Khánh trắng, phiên toà xử Vũ Xuân Trường cùng đồng bọn từng khiến dư luận xã hội chấn động. Tuy nhiên, đến phiên toà xử Khánh trắng, lần đầu tiên, khái niệm băng đảng “xã hội đen” ngay tại thủ đô được biết đến khiến cả nước dồn mọi sự chú ý vào phiên toà đặc biệt này. Cũng chính vì sự “nổi tiếng” bất đắc dĩ của phiên toà xử ông trùm Khánh trắng khiến lực lượng chức năng phải lên kế hoạch chuẩn bị mọi phương án xấu nhất khi phiên toà diễn ra.
Quang cảnh phiên toà xử Khánh trắng
Đầu tháng 9/1997, Khánh Trắng và 23 đồng bọn chính thức phải ra đứng trước vành móng ngựa để chịu sự phán xét của pháp luật vì những tội ác của bọn chúng gây ra. Vụ án Khánh trắng làm dư luận xã hội vào thời điểm đó chấn động với “5 điểm nhất”. Một: Đông bị cáo nhất (24 bị cáo). Hai: thời gian xét xử lâu nhất (15 ngày, nhưng sau đó rút ngắn được 3 ngày). Ba: Phiên toà có nhiều nhân chứng nhất (70 người). Bốn: Xét xử nhiều tội nhất (11 tội danh của 24 bị cáo). Năm: Phiên toà có công tác bảo vệ nghiêm ngặt nhất so với các vụ trọng án khác trước đó. Nhớ lại những thời khắc trong phiên toà xét xử Khánh Trắng và đồng bọn đã khép lại gần 20 năm, nguyên Hội thẩm Nguyễn Đình Phòng nhớ lại: “Vào thời điểm đó, vụ án Khánh trắng là vụ án đầu tiên mà Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội phải xử có nhiều yếu tố phức tạp như vậy. Đặc biệt, vụ án Khánh Trắng không chỉ liên quan đến các băng nhóm giang hồ ở Hà Nội đơn thuần mà còn liên quan đến nhiều băng nhóm tội phạm của nhiều tỉnh thành trên cả nước. Bên cạnh đó, băng nhóm tội phạm của Khánh Trắng cũng là băng nhóm tội phạm hoạt động có quy mô, tổ chức khá bài bản và có thể nói là một tổ chức “xã hội đen”. Bản thân tôi lúc đó cùng những người liên quan phải nghiên cứu rất kỹ lưỡng từng bút lục của vụ án để phiên toà diễn ra chính xác, công minh nhất”. Ông Phòng cho biết, gần nửa tháng xét xử vụ án, là gần nửa tháng áp lực tinh thần căng thẳng đè nặng đối với những người có nhiệm vụ liên quan tham gia xét xử vụ án nói chung và với bản thân ông Phòng nói riêng.
Trùm giang hồ Khánh trắng thời điểm bị bắt
Điểm đặc biệt ở phiên toà xử Khánh trắng đó là Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội bắt buộc phải quan tâm đầu tư đặc biệt cho công tác an ninh tập duyệt chống bạo loạn, đột nhập tòa án, cũng như các công tác bảo vệ nhân chứng, bị cáo và những người xét xử phiên tòa khi phiên toà diễn ra vì Khánh trắng không phải một đối tượng phạm tội thông thường.
Không chỉ thế, do vụ án có tính chất phức tạp nên số lượng nhân chứng cũng không ít nên Toà án phải “đầu tư” không ít tiền để chi phí ăn ở, đi lại cho tất cả các nhân chứng ở tỉnh xa về hay ở Sài Gòn ra.
Đặc biệt hơn, ngay chính những thành viên trong Hội đồng xét xử phiên toà xử Khánh trắng cũng được chọn lọc rất kỹ và được đưa đi, đón về nghiêm ngặt để đảm bảo an toàn trong suốt nửa tháng tham gia phiên tòa.
Buổi trưa, tất cả các bị cáo, cũng như lực lượng bảo vệ, xét xử đều phải ở lại tòa án ăn trưa. Số người tham gia phiên tòa cực kỳ đông đảo. Phòng xử án phải được sắp xếp lại, để có thể bố trí một phòng cách ly riêng cho các phạm nhân. Đến lượt phạm nhân nào thì phạm nhân đó mới được gọi vào.
Bản lĩnh của “ông trùm”
Với tội trạng của Khánh trắng trước thời điểm bị tuyên án, theo ông Phòng miêu tả lại, Khánh trắng vẫn tỏ ra rất bình tĩnh vì tự tin mình không thể bị kết án tử. Bằng chứng là ngay trong suốt những ngày phiên toà diễn ra, Khánh trắng vẫn giữ một thái độ rất điềm tĩnh, không lo sợ.
“Khánh Trắng là một nhân vật khôn ngoan, xảo quyệt, và cực khôn khéo. Từ một tên tội phạm có tiền án tiền sự, sau khi mãn hạn tù trở về mang theo cái mác “hoàn lương”, rồi lại tạo cho mình được một cái mác hoàn hảo như một nhà từ thiện, một mạnh thường quân cứu giúp người nghèo, có thể nói Khánh trắng là một tên tội phạm cực kỳ nguy hiểm. Không chỉ thế, tôi cho rằng, ý đồ của Khánh trắng còn vươn xa hơn, chứ không chỉ đơn giản là tổ chức một đường dây bảo kê, bốc xếp ở chợ Đồng Xuân”, ông Phòng nhớ lại.
Trong ký ức của ông Phòng trong suốt quãng thời gian nghiên cứu hồ sơ vụ Khánh trắng, đây là một tên tội phạm khác hoàn toàn so với những tên tội phạm trước đó ông từng biết đến. Khánh trắng quá gian xảo khi tạo cho mình một vỏ bọc hoàn hảo.
Chính vì vậy, ông Phòng nhớ lại: “Với vẻ ngoài rất tự tin dù đang đứng trước vành móng ngựa, Khánh trắng vẫn không hề nhận tội hay có thái độ hoang mang lo sợ. Thậm chí, Khánh trắng còn ung dung “tuyên bố” mình “có công” tạo công ăn việc làm cho nhiều người. Khánh trắng còn liên tục biện minh bằng cách kể lể nhiều về những hoạt động từ thiện mình đã làm như một cứu cánh để nhẹ tội”.
Nhận định về sự ranh manh, quỷ quyệt của Khánh trắng, theo ông Phòng, có thể nói Khánh trắng nếu không bị phát hiện ra và xử nghiêm minh thì vô cùng nguy hiểm cho xã hội. Nguyên nhân là bởi bên cạnh việc vi phạm phạm luật, lách luật rất tinh ranh, Khánh còn có một cái đầu hơn người khi đối tượng này không chỉ có một đội ngũ đàn em rất trung thành được thu phục bằng sợi dây tình cảm mà còn biết luồn lách, tiếp xúc được với nhiều vị lãnh đạo để đảm bảo hoạt động của băng nhóm lâu dài.
Khánh trắng (dấu X) vẫn rất bình tĩnh trước phiên toà
“Một số chứng cứ còn cho thấy hắn đã tính toán khá kỹ lưỡng và có khả năng nuôi ý đồ xâm nhập vào lĩnh vực chính trị để tăng quyền lực. Lưới trời lồng lộng, thưa nhưng khó lọt. Khánh trắng quá tự tin vào tài năng và quan hệ của bản thân nên bị bắt vì chính vụ cướp nhà Kim Mã 71E – D mà hắn cho rằng an toàn. Đây có thể nói là một “sơ xuất” lớn, một sai lầm đáng tiếc trong “sự nghiệp” giang hồ của Khánh Trắng. Hắn đã có một vỏ bọc quá hoàn hảo nhưng lại có hành động gần như thách thức lực lượng chức năng”, ông Phòng nhớ lại. Về vụ án và phiên toà xử Khánh trắng, ông Phòng không quên nhấn mạnh rằng, với một tên tội phạm nguy hiểm như Khánh trắng nhưng có tới hơn 5 năm làm ăn phi pháp và đang có dấu hiệu phát triển theo chiếu hướng nguy hiểm hơn cho xã hội rõ ràng có vấn đề ở các cấp quản lý địa phương thời điểm đó. Chỉ đến khi vụ cướp nhà 71E – D Kim Mã do Khánh và đồng bọn tiến hành quá trắng trợn, mới bị lực lượng chức năng “sờ gáy”. Qua đó có thể thấy, ngay chính cơ quan chức năng cũng cần phải nhìn nhận vấn đề trách nhiệm một cách công minh khi để lọt những tên tội phạm nguy hiểm bằng những vỏ bọc tình cảm, ân nghĩa. Đặc biệt, khi xã hội càng phát triển thì các loại hình tội phạm ngày càng tinh vi hơn.
Gần 20 năm đã trôi qua sau ngày Khánh trắng bị xử mức án cao nhất cho những tội ác cùng đồng bọn gây ra nhưng đến nay, cuộc đời của “ông trùm” Khánh trắng cùng những nhân vật liên quan vẫn còn rất nhiều bí ẩn…
Theo Xuân Ngọc