Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tặng Huân chương Hữu nghị cho Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Bắc Kinh vào năm 2022.

Những điểm nhấn 15 năm quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt - Trung

(PLO)- Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ thăm chính thức Việt Nam từ ngày 12 đến 13-12, ghi dấu kỷ niệm 15 năm quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện.

Hôm nay (12-12), Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc (TQ) Tập Cận Bình và phu nhân sẽ bắt đầu thăm cấp nhà nước đến Việt Nam (VN). Chuyến thăm diễn ra từ ngày 12 đến 13-12 theo lời mời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và phu nhân, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và phu nhân.

Năm 2023, năm thứ 15 của quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, hai quốc gia “núi liền núi, sông liền sông” đang tích cực triển khai những thỏa thuận đã đạt được trong chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tới TQ vào cuối tháng 10, đầu tháng 11-2022.

Trong một năm qua, quan hệ hai nước tiếp tục duy trì sự phát triển ổn định và đạt được nhiều kết quả tích cực.

tong-bi-thu-nguyen-phu-trong-tap-can-binh
Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tặng Huân chương Hữu nghị cho Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Bắc Kinh vào năm 2022. Ảnh: TTXVN

Duy trì tiếp xúc cấp cao

Từ đầu năm 2023 đến nay, lãnh đạo cấp cao hai nước duy trì các hình thức trao đổi, tiếp xúc linh hoạt. Tổng Bí thư hai Đảng trao đổi thư chúc mừng nhân dịp Tết Quý Mão 2023. Lãnh đạo chủ chốt trao đổi điện mừng nhân kỷ niệm 73 năm thiết lập quan hệ ngoại giao hai nước (ngày 18-1), kỷ niệm 78 năm Quốc khánh VN (ngày 2-9), 74 năm Quốc khánh TQ (ngày 1-10).

Vào các dịp sinh hoạt chính trị quan trọng của hai nước, ngày 2-3, Chủ tịch TQ Tập Cận Bình đã gửi điện chúc mừng Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng nhậm chức. Ngày 10 và 12-3, các lãnh đạo cấp cao nước ta đã gửi điện mừng lãnh đạo cấp cao TQ được bầu tại kỳ họp lưỡng hội.

Ngay sau đó, ngày 27-3, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã hội đàm trực tuyến với tân Ủy viên trưởng Nhân đại toàn quốc TQ Triệu Lạc Tế.

Ngày 4-4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính điện đàm với tân Thủ tướng TQ Lý Cường.

Quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt - Trung được khẳng định qua các chuyến thăm của lãnh đạo cấp cao VN đến TQ những tháng qua. Gần đây nhất, hồi tháng 10, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng dự Diễn đàn cấp cao Hợp tác quốc tế Vành đai và con đường lần thứ ba tại Bắc Kinh.

Khi quan hệ hai nước ở “định vị mới”, “tầm mức mới” thì hợp tác song phương khả năng sẽ được thúc đẩy hơn.

Trước đó, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thăm chính thức TQ và dự Hội nghị thường niên các nhà tiên phong lần thứ 14 của Diễn đàn Kinh tế thế giới tại Thiên Tân, TQ vào cuối tháng 6; dự lễ khai mạc Hội chợ TQ - ASEAN (CAEXPO) lần thứ 20 ở Quảng Tây vào giữa tháng 9.

Ở cấp thấp hơn, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang thăm tỉnh Vân Nam, dự lễ khai mạc Hội chợ TQ - Nam Á lần thứ bảy và Hội chợ xuất nhập khẩu Côn Minh lần thứ 27 vào giữa tháng 8; dự Hội nghị cấp chủ tịch Ủy ban quốc gia Thỏa thuận hợp tác năm 1993 về phòng, chống ma túy tiểu vùng sông Mekong tại Bắc Kinh vào đầu tháng 9.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà dự lễ khai mạc Hội chợ nhập khẩu quốc tế TQ (CIIE) lần thứ sáu và Diễn đàn Kinh tế thương mại quốc tế Hồng Kiều tại TP Thượng Hải vào đầu tháng 11 vừa qua.

3 lần thăm Việt Nam của ông Tập Cận Bình

Kể từ khi đảm nhiệm các chức vụ lãnh đạo cấp cao TQ, ông Tập Cận Bình từng ba lần thăm VN.

Trên cương vị phó chủ tịch TQ, ông Tập Cận Bình đã thăm chính thức VN vào tháng 12-2011 theo lời mời của Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan.

Trên cương vị tổng bí thư, chủ tịch TQ, ông Tập Cận Bình đã thăm cấp nhà nước tới VN vào tháng 11-2015 theo lời mời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch nước Trương Tấn Sang.

Đến tháng 11-2017, ông Tập Cận Bình thăm cấp nhà nước tới VN và tham dự Hội nghị cấp cao APEC tại TP Đà Nẵng.

Điểm nhấn kinh tế, thương mại

Quan hệ kinh tế, thương mại và đầu tư, du lịch là một điểm nhấn trong quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt - Trung.

Năm năm qua, TQ luôn nằm trong nhóm năm quốc gia có lượng đầu tư lớn nhất tại VN.

Trong bối cảnh nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới gặp khó khăn, ảnh hưởng mạnh tới hoạt động ngoại thương của VN thì hàng xuất khẩu của VN vào thị trường TQ tiếp tục duy trì mức tăng trưởng khả quan, với giá trị 10 tháng qua tăng 5,1% so với cùng kỳ năm 2022, đạt gần 50 tỉ USD. Đây là một trong số ít thị trường quan trọng hàng đầu của VN vẫn duy trì được đà tăng trưởng của xuất khẩu.

Nếu tính vào năm Đại hội lần thứ XX Đảng Cộng sản TQ mà ngay sau đó là chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, kim ngạch xuất nhập khẩu Việt - Trung năm 2022 đạt 175,56 tỉ USD, trong đó xuất khẩu của VN đạt 57,7 tỉ USD, nhập khẩu đạt 117,86 tỉ USD, tăng lần lượt 5,47%, 3,18%, 6,63% so với năm trước đó.

Còn theo số liệu của TQ, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hai nước năm 2022 đạt 234,9 tỉ USD, trong đó xuất khẩu sang TQ đạt 87,9 tỉ USD, nhập khẩu từ TQ đạt 146,9 tỉ USD - biến động tương ứng so với năm 2021 là tăng 2,1%, tăng 6,8% và giảm 4,7%.

ong-tap-can-binh-don-tong-bi-thu-nguyen-phu-trong-4.jpg
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hội đàm cùng Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Bắc Kinh vào năm 2022. Ảnh: TTXVN

VN tiếp tục giữ vị trí đối tác thương mại lớn nhất của TQ trong ASEAN và đối tác thương mại lớn thứ tư của TQ tính theo quốc gia đơn lẻ, sau Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc.

Trong 10 tháng đầu năm 2023, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của VN với TQ đạt 138,9 tỉ USD, giảm 5,9% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của VN đi TQ đạt 49,6 tỉ USD, tăng 5,1% và chiếm 17% trong tổng xuất khẩu của VN.

Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu của VN từ TQ đạt 89,3 tỉ USD, giảm 11,1% so với cùng kỳ năm ngoái và chiếm 33,5% trong tổng nhập khẩu của VN.

Còn nhập siêu của VN từ TQ có giá trị 39,8 tỉ USD, giảm 25,4% so với cùng kỳ năm 2022.

Hiện TQ vẫn là nhà đầu tư FDI lớn, đứng vị trí thứ tư ở VN. Trong 10 tháng đầu năm 2023, đầu tư từ quốc gia tỉ dân này đạt hơn 2,5 tỉ USD với 555 dự án.

Lũy kế đến ngày 20-10, TQ duy trì vị trí thứ 6/143 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư FDI vào VN, với 4.105 dự án còn hiệu lực, tổng vốn đăng ký đạt hơn 26,5 tỉ USD.

Vốn FDI của TQ có mặt tại hầu hết tỉnh, thành của VN nhưng chủ yếu tập trung tại các tỉnh ven biển, các TP đông dân, có sức thu hút lao động mạnh, cơ sở hạ tầng tốt, thuận lợi cho xuất nhập khẩu hàng hóa cũng như việc đi lại giữa hai nước.

thu-tuong-toi-trung-quoc-1-6682-4993.jpeg
Thủ tướng Phạm Minh Chính trong chuyến công tác đến Trung Quốc tham dự Hội chợ Trung Quốc-ASEAN (CAEXPO) và Hội nghị Thượng đỉnh thương mại-đầu tư Trung Quốc-ASEAN (CABIS) lần thứ 20. Ảnh: VGP

Tiềm năng hợp tác

Triển vọng và tiềm năng trong hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư giữa hai nước còn rất lớn, đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế của hai nước có tính bổ sung lẫn nhau và xu thế phát triển của kinh tế thế giới đang hướng đến kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.

Để khai thác tiềm năng này, từ đầu năm đến nay, nhiều doanh nghiệp TQ, đặc biệt là các doanh nghiệp có khả năng tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu đã tăng cường khảo sát đầu tư tại các tỉnh phía Bắc VN.

Có thể nhắc đến Tập đoàn Wingtech, nhà lắp ráp điện thoại thông minh lớn nhất TQ, cam kết sẽ tiếp tục khảo sát và lựa chọn đầu tư tại tỉnh Phú Thọ. Tập đoàn Goertek TQ vừa đầu tư thêm một dự án mới với số vốn 280 triệu USD và mở rộng một dự án đang hoạt động tại tỉnh Bắc Ninh. Tập đoàn BYD, hãng xe điện lớn nhất TQ, đã đầu tư dự án linh kiện ô tô tại tỉnh Phú Thọ với tổng vốn đầu tư 269 triệu USD.

Về du lịch, TQ nhiều năm dẫn đầu về lượng du khách đến VN, trong đó năm 2019 đạt hơn 5,8 triệu lượt người, chiếm 1/3 tổng khách quốc tế đến VN.

Từ tháng 2-2020, do dịch COVID-19 bùng phát, hợp tác du lịch giữa hai nước tạm thời bị gián đoạn và sau một năm, đến ngày 15-3, TQ mới chính thức khôi phục cho phép các đoàn khách du lịch đi VN, mở lại một số tuyến bay thương mại giữa các địa phương hai nước, điều chỉnh chính sách thị thực, xuất nhập cảnh, kiểm dịch y tế đối với người nước ngoài đến TQ.

Trong 10 tháng đầu năm 2023, VN đã đón 1,3 triệu lượt khách TQ, đứng thứ hai trong các thị trường gửi khách đến VN, sau Hàn Quốc với 2,9 triệu lượt khách.

Đại sứ Hùng Ba: Trung Quốc rất chuộng đặc sản trái dừa, sầu riêng của Việt Nam

Chia sẻ thông tin trước chuyến thăm Việt Nam (VN) của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc (TQ) Tập Cận Bình ngày 12-12, ông Hùng Ba, Đại sứ TQ tại VN đã có cuộc gặp thân mật với nhiều PV báo chí.

Tại cuộc gặp này, một trong những thông điệp mà Đại sứ Hùng Ba muốn gửi tới là cơ hội hợp tác làm ăn giữa hai nước Việt - Trung, không chỉ trong 15 năm qua của quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện mà còn cả tương lai phía trước.

Đại sứ Hùng Ba nhận định Việt - Trung là đối tác quan trọng của nhau từ góc độ kinh tế, thương mại và đây chính là cơ sở quan trọng của cơ hội hợp tác làm ăn giữa người dân, doanh nghiệp hai nước.

“Hai nước chúng ta có thể hợp tác với nhau tạo thêm không gian phát triển cho nhau, tăng cường bổ sung lẫn nhau về ưu thế kinh tế, góp phần xây dựng chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất ổn định và bền vững” - ông Hùng Ba nói.

dai-su-trung-quoc-hung-ba.jpeg
Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam Hùng Ba trả lời phỏng vấn các cơ quan thông tấn, báo chí. Ảnh: TTXVN

Dẫn lại hoạt động gần đây của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng tại Bắc Kinh, ông Hùng Ba cho biết Chủ tịch TQ Tập Cận Bình đã nhiều lần khẳng định TQ tích cực ủng hộ quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của VN và doanh nghiệp TQ cũng tích cực tham gia quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của VN.

Các lĩnh vực quan trọng mà phía TQ nhìn thấy cơ hội hợp tác ở VN là kinh tế xanh, kinh tế số, chuyển đổi số. “Tôi cho rằng triển vọng hợp tác giữa hai bên trong những lĩnh vực này là rất lớn” - ông Hùng Ba nói.

Về cơ hội hợp tác làm ăn trong lĩnh vực thương mại, ông Hùng Ba lưu ý TQ là đối tác thương mại lớn nhất của VN, còn VN là đối tác thương mại lớn thứ tư của TQ.

Tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu nông sản VN vào TQ là bằng chứng cho mối quan hệ ấy.

“VN đầu năm nay đặt mục tiêu xuất khẩu 1 tỉ USD sầu riêng sang TQ. Lúc đó tôi đã nói là đến cuối năm 2023 chắc chắn sẽ vượt qua rất nhiều con số này, thậm chí là gấp hai lần. Và thực tế trong 10 tháng đầu năm đã đạt 1,95 tỉ USD”.

Đại sứ Hùng Ba nêu ví dụ và cho biết nhu cầu dừa tươi của TQ rất lớn. Vì vậy, cơ quan hữu trách đang đẩy nhanh thủ tục tham vấn về kiểm dịch để nhập khẩu mặt hàng dừa tươi, một đặc sản nổi bật của VN.

Chính sách này phản ánh nỗ lực của TQ tăng cường nhập khẩu đối với hàng nông sản, đặc biệt là trái cây VN, mà như ông Hùng Ba thông tin: “Trong ba quý đầu năm, kim ngạch nhập khẩu hàng nông sản từ VN vào TQ đã tăng 160% so với cùng kỳ năm ngoái”. PV

Đọc thêm