Sáng 18-4, Công an phường 19, quận Bình Thạnh, TP.HCM đã lập ba tổ công tác đến từng nhà dân để hướng dẫn người dân thí điểm việc kê khai vào phiếu thu thập thông tin dân cư.
Công an đến từng nhà hướng dẫn người dân thí điểm việc kê khai phiếu thu thập thông tin dân cư. Ảnh: H.TÂM
Ghi nhận vào sáng cùng ngày, việc làm này đã được người dân đón nhận và ủng hộ. Theo đó, phiếu này gồm 17 mục trường thông tin. Tuy nhiên, việc thu thập thông tin gặp không ít vướng mắc ở một số trường hợp.
Đơn cử, ở trường số 3 trong phiếu thu thập thông tin có yêu cầu cung cấp về thông tin nhóm máu nhưng nhiều người dân chưa cập nhật kiến thức về nhóm máu của bản thân.
Bà Nguyễn Thị Kiệm (chung cư Phạm Viết Chánh, quận Bình Thạnh) cho biết ủng hộ việc thu thập thông tin. Ảnh: H.TÂM
Ở trường số 4, người dân điền giới tính của mình là nam hay nữ. Tuy nhiên, điều này cũng gây “khó” vì với những người thay đổi giới tính nhưng chưa đăng ký thay đổi hộ tịch theo quy định của pháp luật cũng xảy ra lúng túng khi kê khai.
Ở trường số 5 yêu cầu người khai phải điền thông tin về tình trạng hôn nhân nhưng đối với các trường hợp lớn tuổi thì các giấy tờ liên quan đến việc hôn nhân dường như không còn.
Ở trường số 6, 7 yêu cầu người khai điền thông tin nơi đăng ký khai sinh, quê quán đầy đủ địa danh hành chính ba cấp (xã, huyện, tỉnh). Tuy nhiên, về nơi đăng ký khai sinh và quê quán đối với một số người dân có giấy khai sinh ghi nơi sinh trên địa lý hành chính từ trước khi sửa đổi nên đã có sự khác biệt so với hiện nay.
Bà Nguyễn Thị Kiệm (cư dân chung cư Phạm Viết Chánh, quận Bình Thạnh) nói: “Tôi được cán bộ xuống triển khai ghi giấy khai sinh làm ba cấp nhưng tôi về đây ở nên không nhớ được một cấp, tôi không biết mình nhóm máu gì. Sau này tôi sẽ bổ sung thêm về giấy khai sinh và nhóm máu”.
Đại úy Lê Văn Tài (cán bộ Công an phường 19, quận Bình Thạnh) cho hay đối với những mục đang còn thiếu thông tin thì sẽ để trống. “Trong ngày đầu triển khai thí điểm đã gặp không ít khó khăn. Như yêu cầu giấy khai sinh để xác định nguyên quán thì giấy khai sinh cũ mà địa danh thì có thể đã thay đổi nên hiện tại cũng không biết ghi theo giấy khai sinh hay ghi theo người ta báo cáo lên mình, thậm chí có người chưa biết địa danh mới là gì nữa.
Rồi về nhóm máu, người dân cũng không biết nhóm máu, có trường hợp biết nhưng không có giấy tờ thể hiện nhóm máu nên cũng không thể ghi vào được. Chúng tôi sẽ tổng hợp những khó khăn, vướng mắc để báo cáo lại ban chỉ đạo để người ta có hướng tháo gỡ như thế nào cho hợp lý” - Đại úy Tài nói.
Đại úy Lê Văn Tài, cán bộ Công an phường 19, quận Bình Thạnh. Ảnh: H.TÂM
Theo đó, để công tác thu thập dữ liệu thuận tiện, người dân cần chủ động chuẩn bị các loại giấy tờ tùy thân như CMND (hoặc thẻ căn cước), giấy kết hôn, sổ hộ khẩu… Các thông tin thu thập được sẽ được lưu vào một hệ thống dữ liệu chung cả nước và tạo thành một kho dữ kiệu, từ đó cung cấp một mã số định danh riêng biệt cho từng công dân.
Trong tương lai, mã số định danh sẽ góp phần đơn giản hóa các thủ tục giấy tờ và rút ngắn thời gian làm việc so với hiện nay. Ngoài ra, kho dữ liệu sẽ ứng dụng trong các lĩnh vực: y tế, giáo dục, nhà ở, bảo hiểm...