Ngày 20-1 sắp tới, tỉ phú Donald Trump sẽ chính thức trở thành tổng thống thứ 45 của nước Mỹ. Với mức độ hoành tráng của buổi lễ, các quan chức cấp cao trong ban tổ chức đều cho rằng việc đảm bảo an ninh cho sự kiện này sẽ là thách thức lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ hiện đại.
Chi phí cao nhất trong lịch sử nước Mỹ
Theo tờ Washington Post, buổi lễ này dự kiến sẽ tiêu tốn từ 175 đến 200 triệu USD. Đây được xem là mức chi phí cao nhất trong lịch sử nhậm chức tổng thống Mỹ. Chi phí cho các buổi lễ nhậm chức trước đó của Tổng thống Obama vào năm 2013 là 170 triệu USD, Tổng thống George W. Bush năm 2005 là 42 triệu USD, Tổng thống Bill Clinton vào năm 1993 là 33 triệu USD…
Nhóm bạn gồm 20 tỉ phú của ông Trump dự kiến sẽ đóng góp khoảng 75 triệu USD, số còn lại do Ủy ban Nhậm chức Tổng thống và chính quyền liên bang chi trả. Tỉ phú Tom Barrack, người sáng lập và chủ tịch điều hành của tập đoàn đầu tư toàn cầu Colony Capital, cũng là một đồng minh tin cậy của ông Trump về vấn đề kinh tế và an ninh quốc gia được ông Trump bổ nhiệm làm chủ tịch Ủy ban Nhậm chức Tổng thống. Ông Barrack từng mô tả ông Trump là một trong những người bạn thân nhất của mình trong 40 năm qua. Trong số 19 tỉ phú còn lại, có bốn người nằm trong danh sách 400 người Mỹ giàu nhất do Forbes bình chọn, gồm các tỉ phú Sheldon Adelson, Diane Hendricks, Phil Ruffin và Steve Wynn…
Khoản chi phí hoành tráng cho buổi lễ ngày 20-1 sẽ được sử dụng cho các hoạt động như lễ tuyên thệ chính thức tại trụ sở Quốc hội, các buổi tiệc và bữa tối chính thức của tổng thống và phó tổng thống, sự kiện biểu diễn âm nhạc, lễ diễu hành trên đại lộ Pennsylvania vào buổi chiều, tiệc khiêu vũ và chi phí an ninh, hậu cần. Trong đó, riêng chi phí đảm bảo an ninh được cho là đã tiêu tốn hết 100 triệu USD. Mặc dù chi phí cao nhưng theo các chuyên gia, buổi lễ nhậm chức tổng thống của ông Trump ước tính sẽ mang lại cho thủ đô Washington, D.C. lợi nhuận hàng trăm triệu USD.
Lễ nhậm chức của ông Trump được cho là sẽ tốn kém nhất trong lịch sử nhậm chức của các tổng thống Mỹ. Ảnh: REUTERS
Ông Charles Brotman, xướng ngôn viên trong các lễ nhậm chức của 11 đời tổng thống Mỹ vừa bị ông Trump thay thế. Ảnh: AP
Nữ ca sĩ 16 tuổi Jackie Evancho sẽ biểu diễn trong buổi lễ nhậm chức của ông Trump. Ảnh: LCI
Điều chỉnh nhân sự
Hồi cuối tuần trước, nhóm chuyển giao quyền lực của ông Trump bất ngờ tuyên bố sa thải ông Charles Brotman, người xướng ngôn quen thuộc trong lễ nhậm chức của 11 đời tổng thống Mỹ tiền nhiệm.
Ông Charles Brotman, 89 tuổi, làm công việc xướng ngôn trong các lễ nhậm chức tổng thống Mỹ từ thời Tổng thống Dwight D. Eisenhower năm 1957. Ông đang chuẩn bị để tiếp tục làm việc này vào ngày 20-1 tới, tuy nhiên thông tin bị sa thải hôm 5-1 đã khiến ông cảm thấy “đau khổ” và “gục ngã”. “Tôi đã làm công việc này suốt 60 năm qua. Tôi không bao giờ nghĩ mình sẽ không được làm nữa” - ông Brotman nói. “Tôi cảm thấy thất vọng. Tôi biết tôi có thể làm công việc này. Những lễ nhậm chức trước họ đều tìm tôi và đó là một vinh dự” - ông Charles Brotman nói.
Người được chọn thay thế ông Brotman là ông Steve Ray, 58 tuổi, một bình luận viên tự do và là kỹ sư âm thanh làm việc tại Washington. Theo New York Daily News, Ray là một tình nguyện viên trong chiến dịch tranh cử của ông Trump. Trả lời báo chí, ông Ray bày tỏ: “Tôi không thay thế Brotman hay cướp việc của ông ấy. Tôi chỉ là người làm tiếp những gì ông ấy đã làm. Brotman là huyền thoại và không ai có thể thay thế được”.
Trong một tuyên bố, người phát ngôn Ủy ban Nhậm chức Tổng thống của ông Trump cho biết ông Brotman sẽ được vinh danh là người xướng ngôn danh dự. Hiện ông Brotman chưa xác nhận có tham dự lễ nhậm chức của ông Trump vào ngày 20-1 hay không. Tuy nhiên, ông Brotman cũng chia sẻ rằng ông chúc người kế nhiệm mình sẽ hoàn thành tốt công việc.
Ngoài việc thay đổi người xướng ngôn, ông Trump cũng đã yêu cầu các đại sứ Mỹ được Tổng thống Obama bổ nhiệm chính trị phải rời nhiệm sở trước ngày 20-1, không có ngoại lệ. Theo tờ New York Times (NYT), các đại sứ Mỹ ở nước ngoài có hai dạng: Được tổng thống, phó tổng thống hay người đứng đầu các cơ quan ban ngành bổ nhiệm chính trị hoặc là các nhà ngoại giao chuyên nghiệp thăng tiến trong Bộ Ngoại giao Mỹ.
Một quan chức cấp cao trong nhóm chuyển giao quyền lực của ông Trump cho biết động thái trên là để đảm bảo việc các đại sứ được ông Obama bổ nhiệm rời khỏi chính phủ tuân theo đúng quy trình. Theo NYT, lệnh trên có nguy cơ khiến Mỹ không có đại sứ trong nhiều tháng ở các quốc gia quan trọng như Đức, Canada, Anh…
Vắng bóng sao hạng A
Chương trình biểu diễn nghệ thuật với sự tham gia của các ngôi sao nổi tiếng là một phần đặc sắc trong các buổi lễ nhậm chức tổng thống Mỹ. Tuy nhiên, buổi lễ nhậm chức vào ngày 20-1 tới đây của Tổng thống đắc cử Donald Trump được cho là sẽ vắng bóng các ngôi sao hạng A trong ngành công nghiệp âm nhạc Mỹ. Theo BBC, nhiều ngôi sao âm nhạc nổi tiếng, trong đó có Bruno Mars, Justin Timberlake, Elton John và Celine Dion… đã từ chối biểu diễn trong buổi lễ nhậm chức của ông Trump.
Báo The Guardian dẫn lời ông Steven J. Horowitz, một chuyên gia trong ngành công nghiệp âm nhạc Mỹ, cho rằng việc các ngôi sao từ chối biểu diễn tại lễ nhậm chức của ông Trump không phải là vấn đề đáng ngạc nhiên, bởi nếu nhìn vào sự hỗ trợ của các nghệ sĩ dành cho bà Clinton trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng 2016 có thể thấy bà Clinton nhận được sự yêu thích áp đảo. Theo ông Horowitz, nếu các nghệ sĩ này nhận lời biểu diễn cho ông Trump sẽ cho thấy sự xung đột trong quan điểm và hành động của họ, mà người hâm mộ thì không dễ chấp nhận điều này.
Trên mạng xã hội, ông Trump từng có những bài viết công kích các ngôi sao hạng A và hướng về tầng lớp người dân bình thường ở nước Mỹ. “Những người nổi tiếng mà được gọi là sao hạng A, họ cũng muốn tấm vé tới buổi nhậm chức đấy nhưng nhìn xem họ đã làm gì giúp cho bà Hillary kìa, chẳng có gì cả! Tôi muốn những người dân thường” - ông Trump viết trên mạng xã hội.
Mặc dù vắng bóng nhiều ngôi sao hạng A, Ủy ban Nhậm chức Tổng thống của ông Trump vẫn mời được những nghệ sĩ được đánh giá có sức hút lớn đối với dư luận Mỹ, như giọng ca Jackie Evancho của chương trình America’s Got Talent. Nữ ca sĩ 16 tuổi này đã có năm album nằm trong số 20 album bán chạy nhất nước Mỹ gần đây.
Ngoài ra, nhóm nhảy nữ The Radio City Rockettes, nổi tiếng với điệu nhảy tung chân theo phong cách Pháp và dàn hợp ca The Mormon Tabernacle 360 người, từng biểu diễn trong lễ nhậm chức của các tổng thống Lyndon B. Johnson, Richard Nixon, Ronald Reagan và hai tổng thống Bush cũng xác nhận tham dự.
Trước lễ Giáng sinh, tổng thống đắc cử Mỹ cũng đã kêu gọi những người ủng hộ mình tập trung thật đông tại Washington vào ngày nhậm chức nhằm thiết lập một kỷ lục mới trong lịch sử.
Sẽ có biểu tình hàng loạt? Khoảng 900.000 người dự kiến sẽ biểu tình ở thủ đô Washington trong và sau ngày 20-1 khi ông Donald Trump chính thức trở thành tổng thống Mỹ, hãng tin Reuters cho biết. Trong đó, cuộc tuần hành của phụ nữ là cuộc biểu tình lớn nhất, dự kiến thu hút hơn 200.000 người, diễn ra một ngày sau lễ nhậm chức của ông Trump, nhằm gửi đi những thông điệp về quyền phụ nữ. Cục Công viên Quốc gia Mỹ sau nhiều làn sóng phản đối đã bắt đầu cấp giấy phép cho các nhóm đăng ký biểu tình trong ngày ông Trump nhậm chức. Các nhóm được cấp phép sẽ được chia thời gian và vị trí biểu tình cụ thể. Một trong số các nội dung được đăng ký biểu tình là phản đối các kế hoạch xây tường ngăn biên giới với Mexico và tăng trục xuất người nhập cư trái phép của ông Trump. Ủy ban Nhậm chức Tổng thống của ông Trump ước tính sẽ có khoảng 2-3 triệu người tham dự buổi lễ ngày 20-1, cả những người ủng hộ lẫn không ủng hộ ông Trump. Cơ quan này hiện đang lo lắng về khả năng đối đầu giữa hai nhóm người này. Tờ NYT dẫn lời các quan chức cấp cao liên quan đến buổi lễ này cho biết đảm bảo an ninh cho sự kiện này sẽ là thách thức lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ hiện đại. Theo NYT, hơn 3.000 cảnh sát, 8.000 vệ binh quốc gia và hơn 5.000 binh sĩ sẽ được triển khai làm nhiệm vụ đảm bảo an ninh trật tự và kiểm soát giao thông ở Washington. |