Những độc chiêu này cũng mang tới nhiều tình huống dở khóc, dở cười cho người mua hàng.
Một kiểu đánh lừa thị giác phổ biến ở TP.HCM
Hoa mắt từ những con số
Để tăng thêm hiệu quả, tiểu thương cố tình viết thật to số 1, phần còn lại ghi lí nhí, phải lại thật gần mới nhìn rõ. Có nơi còn tung chiêu “3.000 nửa ½ kg”, tức là 12.000/kg. Đánh giá công bằng, đây là cách làm rất hiệu quả, đánh trúng vào tâm lí muốn mua đồ rẻ của người tiêu dùng.
Phương Anh, nhà ở Thủ Đức kể: “Có lần đi trên đường gặp bảng sầu riêng để 10.000 đồng, thấy rẻ nên dừng xe lại mua. Quả sầu riêng 2,5kg, bà chủ lấy em 50.000 đồng. Lúc này mới nhìn lại bảng, hóa ra 10.000 nửa ký, nhưng con số 2 quá nhỏ nên em không để ý. “Tiền trao, cháo múc” rồi làm sao trả lại được nữa”.
Đối với đấng mày râu, nếu nhìn bảng giá từ xa và “trót” phóng lại thì bị đẩy vào “sự đã rồi”. Không thể kiện cáo, đành ôm cục tức cùng “chiến lợi phẩm” ra về. Nhiều người chép miệng: “Trông xa cứ tưởng Thúy Kiều, lại gần mới biết người yêu Chí Phèo”.
Chị Thanh Trang cũng kể: "Nhìn thấy xe xoài keo để bảng giá với số 5000/kg thật to, tôi tấp xe vào, nghĩ xoài vào mùa sao mà rẻ quá. Tôi lựa tới 3 kg, hiên ngang đưa cho người bán cân. Anh ta hô 45.000 đồng, tôi chưng hửng. Anh ta bảo 15.000kg. Tôi nhìn lại bảng xốp mới thấy con số 1 nhỏ xíu nằm kế bên số 5.000. Như bị lừa, tôi bực tức trả lại, chạy xe đi. Nhưng có người đã lỡ mua nên trả tiền rồi chạy xe đi mà miệng còn lầm bầm ra vẻ khó chịu".
Chớ ham đồ siêu rẻ
Một hình thức “giật giá” phổ biến khác là đề bảng siêu rẻ, siêu khuyến mãi, đồng giá, tuy nhiên đến khi lại thì người mua được chỉ vào đồ bị loại ra, thay vào đó là câu mời chào ngon ngọt: “Em mua đồ loại 3 giá mới rẻ nhưng không ngon (không bền), mua loại 1 mắc hơn xíu nhưng yên tâm”.
Chiêu thức khuyến mãi “xuyên thời gian”
Trên thị trường hiện nay, các trung tâm mua bán chuyên nghiệp áp dụng các quảng cáo giá đầy thông minh. Để gây sự chú ý, họ thường tung các con số lẻ như : 990.000, 1.999.000, 2.890.000, 15.499.000… chỉ giảm một phần rất nhỏ, giá cả đã được “mềm hóa”, khéo léo “xoa dịu” tâm lí, tăng hiệu quả thuyết phục để khách hàng quyết định sản phẩm.
Dù chưa là thời điểm gần cuối năm, song nhiều người vẫn thấy hàng loạt tấm bảng đề “cuối năm xả hàng, giá rẻ” hoặc vào các ngày lễ để lấy lí do tung khuyến mãi “ nhân dịp khai trương năm học, nhân dịp 2/9, nhân dịp 20/10, nhân dịp 30/4...giảm giá 30…50%” (mặc dù ngày lễ còn cách khá lâu). Thực chất, những sản phẩm giảm giá chỉ chiếm một phần rất nhỏ trong số hàng hóa được bày bán. Có nơi treo biển khuyến mãi để câu khách song khi được hỏi, ngang nhiên trả lời : “Chương trình khuyến mãi đã kết thúc”. Bên cạnh đó, những phát ngôn “gây sốc”: “Ở đâu rẻ hơn trả lại tiền, giá rẻ chấp cả TP.HCM…”, cũng đặc biệt gây sự chú ý tới khách hàng.
Sự cạnh tranh khốc liệt đòi hỏi những người kinh doanh sỉ hay lẻ đều phải nghĩ ra “trăm phương nghìn kế” để đứng vững trên thị trường.
Dù có mánh khóe hay mập mờ trong chiêu kéo khách song phải thừa nhận những độc chiêu kể trên thực sự là những "sáng tạo" trong nghệ thuật bán hàng.