Những đứa trẻ thèm một bữa cơm ngon

Trong chưa đầy hai năm 2013-2014, gia đình ông Cao Văn Dụng (bản Ón) có sáu người thì đột ngột ngã bệnh mất gần hết, chỉ còn sót lại hai đứa con thơ dại là Cao Văn Sỹ và Cao Thị Toàn. Hai con chim mồ côi tựa vào bản làng để sinh sống.

Em mong được có vách nhà đỡ lạnh

Trưởng bản Trần Xuân Tư kể: “Bình thường mùa hè hai anh em đi chăn bò thuê hoặc chặt bạch đàn thuê cho người dân trong bản mua gạo ăn qua ngày”. Trong căn nhà nhỏ, côi cút nhưng hai anh em sống sạch sẽ, vật dụng chẳng có gì ngoài cái giường và nồi nấu cơm cùng chiếc niêu nấu canh. Hỏi mãi Sỹ với Toàn mới cất lời. Sỹ rất thương em, bỏ học để có thời gian làm thuê nuôi em. Trên tường, tờ giấy khen học sinh tiên tiến mới tinh vừa dán lên sau khi Toàn kết thúc năm học lớp 7. Hỏi Toàn có muốn học nữa không, em nhút nhát nói ưng mà sợ không theo được vì cha mẹ mất rồi. Mắt em nhìn xa xăm ngấn lệ. Ở Rục, ai cũng khó khăn, lo miếng ăn đã bở hơi tai, Nhà nước lo cho cái chữ miễn phí nhưng các em phải lo cho cái bụng làm sao no mới đến trường được.

Cao Xuân Dũng ở bản Ón trong một căn nhà không thể gọi là nhà. Người trong bản nhớ em khoảng 14 hay 15 tuổi gì đó. Mắt em mờ, đi không thấy đường, nghe tiếng người lạ Dũng định bụng bỏ trốn đâu đó trong góc nhà, khi trưởng bản Trần Xuân Tư động viên, Dũng mới rón rén đi ra giữa căn nhà trống hoác. Dũng có cha mẹ nhưng mẹ đã mất 10 năm khi Dũng còn rất nhỏ. Người cha thì già rồi, suốt ngày ở miết dưới vùng Ma Ma Cà Chắp nói là đi trong rẫy nhưng kiếm không được nhiều sắn, sức lực yếu đi nên ít khi về chăm con. Dũng có người chị cũng mù lòa, chết khi mới mười mấy tuổi sau trận bão của năm 2013. Dũng không biết chữ, may người trong bản có con nhỏ dại, Dũng bồng bế, trông giữ để kiếm cơm qua ngày.

Trong căn nhà trống hoác, giường không có, đáng giá nhất là chiếc hòm đóng sẵn. Mấy năm trước có hai chiếc hòm xóm làng đóng rồi cất xó. Năm trước chị của Dũng mất đã dùng một. Còn cái này, họ nói cất lại cho Dũng. Nó hay đến bên cái hòm sờ xem có vừa thân nó hay không. Vách nhà Dũng ở thông thống tứ bề, ván mục nát, trâu bò có ngang qua cũng chui tọt vào lục lọi. Hỏi em giờ ưng chi, Dũng nói thích một bữa cơm ngon. Ưng cái vách nhà không bị thủng để mùa mưa, mùa gió bão, mùa đông giá không lạnh rét. Hỏi bữa cơm ngon là như thế nào, Dũng nói thích cơm có chút cá hay nước mắm là nhất rồi.

Em Sỹ mỗi ngày làm thuê kiếm gạo nuôi bản thân và em theo đuổi con chữ. Ảnh: M.QUÊ

Em Dũng trong căn nhà mồ côi trống hoác. Ảnh: M.QUÊ

Thấy người lạ, các em bỏ trốn

Trên bản Mò O Ồ Ồ, bà Cao Thị Hoa đang nuôi bốn đứa trẻ mồ côi gọi bà bằng bác ruột. Năm 2012, cha mẹ chúng đột ngột qua đời, để lại bốn đứa con nhỏ xíu cho bà. Hôm chúng tôi ghé thăm, cả mấy đứa trẻ mồ côi ù té chạy ra khỏi nhà trốn như sợ ma. Bà Hoa kể: “Cứ thấy cán bộ ở xã vào thăm hỏi là chúng bỏ trốn biệt tích cả ngày. Cán bộ dưới xuôi lên thăm chúng cũng sợ, trốn luôn tìm không ra”. Vượt vô vàn tủi khổ, bà Hoa nuôi bốn đứa cháu, đứa nào hiện cũng theo học tại trường học địa phương. Bà kể: “Con Giang học lớp 8, con Thanh học lớp 5, con Thương học lớp 7, thằng Thiện học lớp 4 rồi”. Nhà các cháu ở cạnh nhà bà Hoa nhưng từ khi cha mẹ mất, các cháu không dám ở nhà mình vì sợ. Thế nên giờ bà cứ lo chúng lớn lên sẽ chật chội. Bà mong làm sao ai thương cất cho bà liếp nhà nhỏ để các cháu trú chân ấm cúng vì nhà của bà xập xệ lắm rồi.

Dưới bản Yên Hợp, căn nhà của em Cao Xuân Ninh đang theo đuổi cái chữ lớp 8 cũng trống lạnh. Xó giường còn chút gạo. Cha mẹ Ninh mất cách đây tám năm, cũng đột ngột như mấy gia đình trên, để lại năm chị em quăng quật kiếm ăn trên rừng qua ngày. Em có chị lấy chồng xa, có chị làm mướn khắp nơi, cũng khó nghèo cả nên quanh năm suốt tháng về thăm thì món quà chả có gì ngoài mấy lon gạo cho em Ninh ấm bụng. Mặc dù dân bản cưu mang nhau nhưng đôi lúc Ninh cũng hết gạo phải nhịn đói cả ngày. Nhiều lần như thế, ông chú Cao Ngọc Hà ở kề cạnh chạy qua bưng cho Ninh bất cứ cái gì ăn được. Xứ Rục ai cũng nghèo nên giúp nhau là bát cơm trước mắt, khó để có cái ăn đủ đầy trong thăm thẳm khó khăn.

Chủ tịch UBND xã Thượng Hóa Đinh Thanh Văn cho biết với các cháu mồ côi ở ba bản Ón, Yên Hợp, Mò O Ồ Ồ…, địa phương và Đồn biên phòng Cà Xèng cũng quan tâm giúp đỡ nhiều cách. Khi các cháu ốm đau hoặc lễ, tết, cán bộ biên phòng cũng thăm hỏi, động viên, phía xã, huyện cũng giúp đỡ cách này cách khác nhưng nguồn lực có hạn nên rất mong muốn các nhà hảo tâm giúp đỡ để các cháu vượt qua khó khăn mà sống, mà học tập.

____________________________________

Trưởng bản Trần Xuân Tư cho biết trung tâm nuôi dạy trẻ mồ côi của tỉnh cũng từng lên thuyết phục đưa các cháu mồ côi về để chăm sóc. Thế nhưng các cháu không bỏ được bản quán thân yêu của mình, thấy người lạ cứ chạy trốn nên mọi việc bất thành. Theo ông Tư, các cháu rất siêng năng, vùng này lại có nhiều cỏ, nếu được nhà hảo tâm tặng bò giống để chăn nuôi thì cuộc sống của các cháu đỡ vất vả hơn.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới