Khái quát lên có thể bảo đằng sau việc cầu cúng là nỗi thèm khát những ân huệ ngẫu nhiên và luôn luôn cầu cúng để đạt tới những gì mà hằng ngày mình không đạt tới được bằng con đường lương thiện. Nói cách khác, con người luôn luôn tin vào những điều may rủi, tin vào những gì người khác ban phát cho mình chứ không phải do bàn tay mình làm ra.
Cứ nhìn quảng cáo bán hàng của các hãng nước ngoài thì biết, chưa chi người ta nói đến chuyện treo thưởng và người ta lấy ngay phần tiền mình nộp cho người ta để làm phần thưởng cho mình. Thế mà mọi người vẫn cảm thấy hí hửng xem như mình vừa được ai cho một cái gì đó.
Một, hai tết gần đây, người ta hay nói tới chuyện dân dùng tiền lẻ để đặt vào chân tượng và các điểm thờ cúng. Đây là cả một xu thế mà hình như không ai bảo ai, nhiều người thích làm theo và không có một cách gì có thể làm người ta thay đổi.
Chỉ có thể hiểu được điều này dựa vào mấy điểm:
1. Cách tin của người Việt Nam là vừa tin vừa không tin. Họ không cầu cúng riêng ở một, hai điểm nào cả mà họ muốn rải lòng tin ra ở nhiều điểm khác nhau, càng nhiều điểm càng tốt.
2. Trong niềm tin của người Việt, thần thánh cũng có những thói xấu y như con người, nghĩa là vừa tham vừa dại dột và rất dễ bị lừa. Thần nhận được 100 tờ giấy 500 đồng thì vẫn sướng hơn là nhận được một tờ giấy 500.000 đồng.
3. Mặc dù nghèo nhưng người mình lại rất thích chứng tỏ mình không nghèo tí nào. Cũng số tiền cúng chùa mà đưa ra bằng tiền lẻ thì trông nó vẫn dày dặn hơn, đồ sộ hơn, oai hơn chỉ có một tờ tiền chẵn.
Có cảm tưởng những gì xảy ra hôm qua 2014 thì hôm nay 2015 cũng đúng. Có bổ sung thì chỉ bổ sung về chi tiết. Ví dụ, mở đầu một cái tin tôi đọc ngày 23-2, tác giả kể: Trong dòng người du xuân mới ở thủ đô Hà Nội, người ta thấy cảnh một số không ít người dân nhét tiền công đức vào tay tượng Phật, ném xuống hồ nước rêu xanh. Năm nay chẳng khác năm trước. Hoặc có lẽ chỉ khác là những cái dở càng dở thêm, hoặc vừa tử tế hơn ở chỗ này đã hư hỏng hơn chỗ khác.