ÓC EO - CÒN ĐÂY DẤU TÍCH PHÙ NAM (Kỳ 2):

Những kho vàng nổi

Một mộ chum phát hiện trong đợt khai quật năm 1999 cạnh chùa Linh Sơn, thị trấn Óc Eo, Thoại Sơn (An Giang). Trong mộ chum thường có đồ tùy táng bằng vàng, đá quý… Ảnh: Đức Vịnh chụp lại
Một mộ chum phát hiện trong đợt khai quật năm 1999 cạnh chùa Linh Sơn, thị trấn Óc Eo, Thoại Sơn (An Giang). Trong mộ chum thường có đồ tùy táng bằng vàng, đá quý… Ảnh: Đức Vịnh chụp lại

Tại Óc Eo từng xảy ra hai đợt những hiện vật xưa bằng vàng bỗng nhiên... nổi lên khỏi mặt đất, để rồi ngay sau đó có những đợt khảo cổ phát hiện nền văn hóa độc đáo này. Như thể người xưa thầm mách bảo để người nay làm khơi sống lại quá khứ bị vùi lấp bí ẩn.

Vàng nổi sau lũ

Một số người già ở thị trấn Óc Eo kể lại rằng đầu những năm 1940, cứ sau mỗi mùa lũ khi làm ruộng quanh núi Ba Thê cha mẹ họ nhặt được khá nhiều đồ trang sức cổ bằng vàng. Một số hộ đi tìm vàng thường trúng đậm, thế rồi tiếng đồn... vàng nổi rộ lên, người dân ùn ùn kéo đến đây tìm kiếm báu vật dưới lòng đất.

Cái xứ khỉ ho cò gáy này ngày đó như vùng đất hứa đổi đời, dần hình thành dãy phố có khu nhà trọ, kèm theo nơi ăn chơi, cờ bạc ì xèo, có cả gánh hát cải lương thường đến phục vụ. Vì thế, theo GS Lương Ninh, dù đang lúc Chiến tranh thế giới thứ hai, vào năm 1944 Viện Viễn Đông Bác Cổ của Pháp đã vội vàng tiến hành khai quật tại đây.

Đợt lũ lớn năm 1978 nước dâng ngập tới chân núi, khi nước rút người dân lại nhặt được khá nhiều hiện vật bằng vàng. Sau mỗi trận mưa chúng bày trên mặt đất, lộ ra dưới những gốc cây to.

Ông Nguyễn Văn Tương, nay ngoài 70 tuổi, ngụ ấp Trung Sơn, kể bà Ba Hại ngụ cùng xóm đi mò ốc lượm được thỏi vàng to đem ra chợ bán ôm về mấy bao tiền. Bà mua cả trăm công ruộng, xây cất nhà cửa khang trang, rồi mướn gánh hát bội đến diễn ba ngày ba đêm cho cả làng xem. Khoái cô đào tuổi đôi mươi hát hay, bà cưới luôn cho con trai đầu là ông Hai Diêu.

Ông Út Mọi làm ruộng gần nhà ông Tương một lần đào đắp bờ gặp hầm gạch, lật tung lên gặp vàng đủ loại. Tiệm kim hoàn ngoài chợ mua mão 5 triệu đồng thấy vẫn còn hời bèn cho thêm cả bạc triệu. “Mấy năm đó đang đói kém, nhiều hộ trúng vàng như trúng độc đắc nên rộ lên phong trào lùng kiếm... của trời cho, đất ven chân núi đều bị đào bới tứ tung, bao vườn tược tan hoang”- ông Tương nhớ lại.

Những năm 1980 dân tứ xứ đổ về quanh núi Ba Thê tìm vàng. Họ che lều trại ở kín dọc bên các con lộ, bờ kênh, hằng ngày vác len, mang thau rổ lũ lượt kéo đến các giồng đất cao mạnh ai nấy đào bới. Hết chỗ trên gò thì đào lấn ra ruộng, mấy chủ ruộng quanh gò bán mỗi tầm 9m2 giá cả lượng vàng mà giành giật nhau mua.

Ông Đinh Văn Cảnh, phó chủ tịch UBND thị trấn Óc Eo, cho biết hồi còn đi học mình cũng theo người chú đi thử vận may. Mùa nước nổi xuồng chở người vào đồng đào vàng tấp nập như đi hội, đậu kín cả các gò cao.

“Chỉ riêng ở giồng Cát tập trung cả ngàn người đào bới tìm vàng. Hầu như ai cũng kiếm được vàng, không nhiều thì ít. Mỗi khi thấy bóng dáng chính quyền đến, đám đông chạy túa như... vịt đàn bị đuổi, ngăn không xuể”- ông Cảnh kể.

Ông Nguyễn Văn Hoàng, xưa làm nghề thợ bạc tại thị trấn Óc Eo, cho hay hồi ấy hằng ngày mình đều vào tận các nơi đào bới để mua vàng. Vàng tìm được thường là đồ trang sức, trang trí, các vật dụng thờ cúng với đủ hình dạng như sừng trâu, bánh cam, linh vật linga, yoni... được chế tác hết sức tinh vi. Ngoài ra còn có vàng vụn, vàng hạt như trứng cá nằm lẫn trong cát và mảnh gốm vỡ vụn.

“Hễ đào trúng hầm gạch là vô mánh. Hầm nhỏ kiếm vài lượng, hầm lớn vài chục lượng. Hầm xây gạch xung quanh gồm từng bậc, ở giữa có xây trụ gạch hình vuông hoặc tròn như ống khói lò đường, moi cát trong đó ra gặp vàng đủ loại đặt trên lớp gạch hoặc đất sét đen, dỡ mỗi cục gạch ra cũng thường có miếng vàng lá. Rồi nào là thạch anh, đá quý, pha lê”- ông Hoàng kể.

Theo Bảo tàng An Giang, hầm gạch đó là huyệt mộ có đồ tùy táng với nhiều vật dụng bằng vàng, đặc biệt có những tấm vàng lá mỏng tanh đủ hình dạng, trên ấy chạm khắc, dập nổi chữ viết, hình người, động vật, cây cối... cực kỳ tinh xảo. Cánh thợ kim hoàn lành nghề nhìn đều trầm trồ, lắc đầu thán phục.

Những hiện vật khai quật được là đồ trang trí, thờ cúng… của cư dân Phù Nam bằng vàng được chạm khắc, dập nổi hết sức tinh xảo. Ảnh: Đức Vịnh chụp lại
Những hiện vật khai quật được là đồ trang trí, thờ cúng… của cư dân Phù Nam bằng vàng được chạm khắc, dập nổi hết sức tinh xảo. Ảnh: Đức Vịnh chụp lại

Và di vật ngàn xưa

Theo Phòng Văn hóa thông tin huyện Thoại Sơn, An Giang thì tại Óc Eo còn tìm thấy vô số đồ gốm, đồ gỗ, tượng đá quý, vật dụng bằng đất nung, kim loại... Ông Tương kể mình từng lượm được chân tượng Phật, sau đó đào ở gốc cây da gặp đầu tượng nặng hơn 10kg bằng đá xanh phần dưới bị đứt xéo.

Năm 2000 khi chùa Linh Sơn đào móng làm lại cổng gặp một pho tượng bằng đá quý, mấy viên gạch, ngói, đá có hoa văn rất đẹp. Cách đây bảy năm cha con ông Nguyễn Văn Thắng, ngụ cùng ấp, đi đào mương đem về một đầu tượng màu xanh cao 5 tấc, nặng 50kg, tiếp đến ông Nguyễn Văn Hùng cũng tìm thấy đầu tượng Phật cao 6 tấc, phần cánh tay bị gãy. Mấy hiện vật đó sau này đều hiến tặng bảo tàng.

“Đáng tiếc là rất nhiều tượng bị sứt mẻ, đứt rời, mất một phần. Nhiều ý kiến cho rằng có thể ngày xưa nơi đây từng xảy ra biến cố, bị ai đó tàn phá”- TS Ngô Quang Láng, phó chủ tịch Hội Sử học An Giang, cho hay.

Từ năm 1990 cơn sốt tìm vàng lắng xuống thì giới buôn đồ cổ đổ đến săn lùng cổ vật. Ông Trần Văn Nghĩa, hiện ở ấp Tân Hiệp A, thị trấn Óc Eo, cho biết hồi ấy mình từng mua bán nhiều món rất giá trị.

Đáng kể là tượng thần Silva tay ôm trái châu và tay cầm trượng bằng đá xanh bóng, một bức tượng khác to hơn bắp tay người lớn trong suốt lấp lánh ánh sáng vàng như hào quang, chiếc nồi đất to hơn lồng chụp gà...

Người anh của ông tên Mai Phong sưu tập được hơn 120 món toàn thứ độc, đến năm 1994 thì bị bắt giam trong vụ mua bán cổ vật và toàn bộ số đồ cổ này bị tịch thu. “Mỗi món đó hiện nay giá hàng trăm triệu đồng”- ông Nghĩa tiếc nuối.

Ông Nguyễn Văn Lên, giám đốc Sở Văn hóa - thể thao và du lịch An Giang, cho biết Bảo tàng Lịch sử VN, Bảo tàng TP.HCM, An Giang hiện đang lưu giữ cả ngàn di vật văn hóa Óc Eo. Từ các di chỉ khảo cổ cùng với di vật sưu tầm, qua nghiên cứu các nhà khoa học đã xác định Phù Nam xưa có nền nông nghiệp, thương nghiệp, đặc biệt nghề luyện kim, kim hoàn, chế tác đá, làm thủy tinh, đồ gốm... rất phát triển.

Người dân giàu có nên sử dụng vàng làm trang sức, làm các sản phẩm phục vụ tín ngưỡng tôn giáo. Nhiều di vật vàng dạng khối như tượng linga, yoni trông hiện thực nhưng đầy tính mỹ thuật, những lá vàng mỏng tanh có chạm khắc, dập nổi chữ viết, các hình ảnh rất tinh tế; nhưng ấn tượng nhất là đồ trang sức với những vòng tay xoắn, dây chuyền, hoa tai, nhẫn... được làm hết sức tinh xảo, sáng tạo.

Ngoài ra việc phát hiện vô số mảnh gốm, chuỗi hạt đá, thủy tinh đủ hình dạng, màu sắc, kích thước chứng tỏ xưa kia Óc Eo từng là khu vực đông dân cư, có những khu xưởng thủ công quy mô lớn. Người Phù Nam nắm kỹ thuật nấu kim loại, đổ khuôn đúc khéo léo đã làm ra nhiều vật dụng đầy tính mỹ thuật, kỹ thuật chế tác đồ đá của họ đạt đỉnh cao về nghệ thuật, thẩm mỹ.

_____________

Kỳ tới:Núi Ba Thê - kinh đô hậu Phù Nam

Theo ĐỨC VỊNH (Tuổi Trẻ)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm