Lão ngư Nguyễn Thị Quán (80 tuổi) từng là thành viên của Đội đánh cá nữ Minh Khai nổi tiếng một thời.
Những lão ngư say nghề
Bắt đầu từ sáng tinh mơ, những thuyền câu nhỏ neo bên bờ sông Nhật Lệ bắt đầu “bơi” ra giữa dòng. Chủ nhân của những chiếc thuyền câu ấy không ai khác chính là các ông già, bà lão đã ở tuổi “xưa nay hiếm”...
Ngồi trên chiếc thuyền câu, nữ lão ngư Nguyễn Thị Thòa (68 tuổi) cười rộn ràng, kể: “Mạ tui đẻ tui ngoài biển. Lớn lên 12 tuổi thì bắt đầu đi biển cho đến 3 năm lại đây, tui mới vô đi câu ở sông. Làm nghề chi say nghề, o à! Nhiều hôm, kéo câu lên, được cá, “đã” cái tay lắm! Ngồi mãi chẳng muốn về nhà”.
Nói xong, bà Thòa tạm biệt tôi rồi cùng chồng là lão ngư Nguyễn Thẻo (75 tuổi) chèo ngược ra phía cửa biển. Ngược gió, con nước đang lên, nhiều lúc họ phải gồng mình để chống chọi với những con sóng lớn. Đến một khúc sông, họ buông chèo và bắt đầu thả câu. Làm được một lúc lại chèo thuyền qua khúc sông khác. Cứ thế xoay vòng từ Phú Hải ra đến cửa biển.
Trưa, thuyền câu của vợ chồng lão ngư Phạm Kình (78 tuổi) và Nguyễn Kiên (74 tuổi) cập bến chợ Đồng Hới. Cụ bà Nguyễn Kiên bưng rổ cá sông tươi rói, lấp lánh ánh bạc, nhiều chú cá vẫn còn nhảy lóc chóc trong rổ. Cụ bảo: “Cá vừa câu lên mang ra chợ bán ngay, không có hóa chất chi cả. Giờ họ ưng ăn cá ni nên có giá lắm!”
Từ sáng sớm, các cụ bà đã chen chân đi mua mồi câu. “Cái nghề ni cũng đòi hỏi khắt khe lắm! Mồi câu là con tôm nhỏ, chỉ nhỉnh hơn tăm xe máy và phải đang còn sống, cá mới chịu ăn. Mồi đến 20 nghìn/lạng, mà mua có dễ mô o”, lão ngư Nguyễn Thị Diễu (82 tuổi) cho biết. “Câu ống chỉ cần 1 người, nhưng câu bủa, câu chặng phải có 2 người mới làm nổi: người chèo thuyền, người bủa câu. Ngày “gặp” cá, có hôm làm được vài ba đến năm trăm nghìn, nhưng khi nước “ương” thì chỉ được dăm ba chục nghìn thôi”. Vì thế, người sống bằng nghề chài lưới, câu kéo phải hiểu quy luật của con nước để tận dụng tăng năng suất, hiệu quả.
“Những khi nước lên, nước xuống, cá rất hay ăn. Con nước sinh trong vòng 14 ngày. Mỗi tháng có 2 con nước, riêng tháng 2 và tháng 8 (âm lịch) thì có 3 con nước. Ba ngày đầu khi con nước mới sinh, nước xuống sớm. Từ đó đến khi mãn con nước thì chuyển sang trưa, chiều, tối... và cứ thế quay vòng sang con nước khác”, rất rành rẽ, lão ngư Hoàng Ngọc Lành (68 tuổi) chia sẻ với tôi.
Ông Lành hiện là Chi hội trưởng Chi hội Người cao tuổi của thôn Đồng Dương, xã Bảo Ninh (TP. Đồng Hới). Ông bảo: “Riêng thôn ông, có 15 cụ còn tham gia sản xuất trên biển, trên sông. Ở thôn Mỹ Cảnh, số này còn nhiều nữa”.
Cô con dâu cả của cụ Nguyễn Thị Cẩm (78 tuổi) kể: “Ông bà say nghề lắm, ngày nào cũng đi làm. Gần 80 tuổi rồi nhưng chưa một lần ngả tay xin tiền con, thậm chí lúc con cái làm nhà, ông bà còn cho tiền nữa. Nói thật, ông bà đi như vậy bọn tôi cũng lo lắm, nhưng bảo nghỉ ông bà không chịu, ốm cũng đòi đi cho được”. Cụ Cẩm cười, vội phân bua: “Tính hay làm quen rồi, không đi chịu không nổi. Đi làm cũng là để rèn luyện sức khỏe, ngồi ở nhà buồn, lại không vận động nữa dễ ốm lắm!”.
Và ký ức hào hùng
Những ngày trời hửng nắng, người ta lại thấy một cụ bà với mái tóc trắng như cước, miệng bỏm bẻm nhai trầu và khoan thai đứng câu cá trên cầu Nhật Lệ. Cụ tên là Nguyễn Thị Quán, ở thôn Mỹ Cảnh (xã Bảo Ninh), năm nay đã 80 tuổi. Mỗi dịp đi qua, tôi ghé lại chuyện trò. Đứa con duy nhất của cụ đi xuất khẩu lao động đã lâu chưa về. Khi nào nhớ con, cụ lại xách cần ra đây cho khuây khỏa...
Vừa câu cá vừa hàn huyên tuổi già.
Người làng kể, thời chiến tranh, cụ Quán từng đi phục vụ trong đội thuyền chở vũ khí, lương thực từ Nghệ An vào Hà Tĩnh. Năm 1967, trong một chuyến ra biển, bị thương nặng, cụ phải về dưỡng thương trong 2 năm. Sức khỏe vừa ổn định, cụ lại tham gia vào Đội đánh cá nữ Minh Khai do Anh hùng Nguyễn Thị Khíu làm đội trưởng.
Những năm đó, giặc Mỹ đánh phá ác liệt, không kể hiểm nguy, đội đánh cá nữ vẫn sánh vai cùng nam giới bám biển sản xuất, đánh bắt hải sản, cung cấp sản phẩm cho xã hội và bộ đội. Cụ Quán bảo: “Ai con nhà nghề biển thì đi biển, ai không biết đi biển thì đi làm lò vôi, dệt vải... Nào là mệ Diễu, ông Khương, mệ Bạch, ông Kình, mệ Kiên, mệ Cẩm, mệ Thòa,... thời đó, ai cũng hăng hái vậy cả chứ riêng chi tui.”
Cùng là thành viên của Đội đánh cá Minh Khai, cụ Nguyễn Thị Bạch (77 tuổi) ở thôn Đồng Dương kể: Sáng, cứ 3h là chèo thuyền ra biển, thu hoạch xong, chiều chèo về nhập cho HTX. Phụ nữ lúc đó, khi con nhỏ phải ở nhà, chứ con lớn là tham gia hết. Còn trẻ thì đi gác biển. Đàn ông thì khẩu súng gác trên vai chuyên môn (thường xuyên- PV), vừa sản xuất vừa chiến đấu.
“Trước ra khơi, vô lộng, giờ già yếu phải ở nhà buồn lắm”- cụ Bạch chép miệng. Cụ mới chịu nghỉ ngơi được 2 năm nay do con cái nhất quyết không cho đi câu nữa.Vào những năm 90, đội tàu của vợ chồng lão ngư Nguyễn Khương-Nguyễn Thị Bạch đã nổi tiếng xã Bảo Ninh vì lúc nào cũng trúng lớn. Có tháng, đội tàu của ông bà đạt sản lượng 20 tấn...
Trên dòng Nhật Lệ, những chiếc thuyền nhỏ lướt qua cả dãy tàu lớn, trong ánh mắt ngưỡng mộ của những chàng trai miền biển. Họ biết: những cụ ông, cụ bà ấy từng là những kình ngư một thời lừng lẫy trên vùng biển quê hương. Và giờ đây, dù tuổi đã cao, họ vẫn còn dẻo dai, tinh anh lắm! Nói về họ, những thế hệ sau chỉ một giọng trầm trồ, thán phục.
Bên chân cầu Nhật Lệ, các du khách nước ngoài say sưa chụp ảnh những lão ngư với sự phấn khích thấy rõ. Anh Pierrot, một du khách Hà Lan chia sẻ: “Hình ảnh các cụ ông, cụ bà tóc bạc phơ đi đánh cá trên sông khiến tôi rất thích thú, ngưỡng mộ. Quả là một bức tranh tuyệt đẹp về tình yêu lao động”. Còn với riêng tôi, lại như thấy thấp thoáng đâu đó bóng hình mẹ Suốt, mẹ Khíu qua dáng chèo đò của những lão ngư trên dòng Nhật Lệ...