Mỗi giờ bơi đều đặn tiêu thụ khoảng 800 Kcal, do đó nếu bơi khoảng 30-60 phút/ngày trong 3-4 tuần có thể giảm nguy cơ đột quỵ, tim mạch, tiểu đường, tăng cholesterol máu và tăng huyết áp.
Theo BS Trần Văn Nam, BV Nhi đồng 2 (TP.HCM), trẻ được tiếp xúc sớm và thường xuyên với môn bơi lội có rất nhiều tác dụng. Tuy nhiên, cha mẹ cần lưu ý một số vấn đề trước khi cho trẻ đi bơi.
Trước hết, nên đi khám bác sĩ xem có những bệnh mạn tính, đặc biệt về hô hấp, tai mũi họng hoặc những bệnh có nguy cơ lây nhiễm khi đi bơi không. Nên chọn hồ bơi không quá đông người, đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh, sau khi bơi xong không có những phản ứng lạ trên da.
Tiếp đó, nếu trẻ còn nhỏ, nên có thầy hướng dẫn bơi cho trẻ bài bản ngay từ đầu để tránh những thói quen sai cũng như có hiệu quả về mặt sức khỏe. Không nên ngâm nước lâu quá dưới 30 phút cho trẻ dưới 5 tuổi và dưới 60 phút cho trẻ trên 5 tuổi.
Bên cạnh đó, nên có cha mẹ hoặc người hướng dẫn giám sát trẻ thường xuyên khi trẻ bơi nhằm phát hiện sớm tai nạn xảy ra.
Khi đi bơi, trẻ cũng hay mắc một số bệnh thường gặp như da liễu, viêm tai, mũi, họng, bệnh về mắt… Để tránh cho trẻ mắc những bệnh này, BS Nam khuyến cáo cha mẹ nên cho trẻ bơi ở những hồ bơi không quá đông, vào thời điểm nhiệt độ ngoài trời không quá cao, thoa kem chống nắng và đeo kính nón bơi để hạn chế lây nhiễm bệnh.
“Tốt nhất chỉ cho trẻ bơi trong thời gian vừa sức, uống nước đầy đủ. Khi lên bờ tắm rửa sạch sẽ ngay với xà bông, rửa mắt, mũi, tai với nước muối sinh lý vô trùng. Cùng với đó là lau khô tai, súc miệng nước muối… Khi phát hiện dấu hiệu gì nên đến khám bác sĩ” - BS Nam nhấn mạnh.