Những Nghị định có hiệu lực thi hành trong tháng 9-2017

Trường học phải có đường dây nóng
Từ 5-9, các trường học phải thiết lập kênh thông tin như hộp thư góp ý, đường dây nóng và các hình thức khác để tiếp nhận, xử lý các thông tin của học sinh nhưng phải bảo mật cho người cung cấp thông tin.
Các cơ sở giáo dục phải thường xuyên trao đổi thông tin với phụ huynh trong việc bảo đảm an toàn tính mạng, thân thể, nhân phẩm, danh dự và bí mật đời sống riêng tư của học sinh.
(Nghị định 80/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định về môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường, có hiệu lực thi hành từ ngày 5-9).
Đánh giá công chức
Từ 15-9, việc đánh giá, phân loại đối với người đứng đầu, cấp phó tại cơ quan, đơn vị sẽ do người đứng đầu cơ quan, đơn vị cấp trên trực tiếp quyết định đánh giá, phân loại đối với người đứng đầu tại cơ quan, đơn vị.
Người đứng đầu cơ quan, đơn vị đánh giá, phân loại đối với cấp phó do mình bổ nhiệm. Trường hợp cấp phó không do mình bổ nhiệm thì người đứng đầu cơ quan, đơn vị nhận xét bằng văn bản và đề nghị người đứng đầu cơ quan, đơn vị cấp trên trực tiếp xem xét, quyết định việc đánh giá, phân loại đối với cấp phó của mình.
Thời điểm đánh giá, phân loại cán bộ, công chức, viên chức được tiến hành trong tháng 12 hàng năm, trước khi thực hiện việc bình xét thi đua, khen thưởng hàng năm. Đối với đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo và một số lĩnh vực khác có thời điểm kết thúc năm công tác trước tháng 12 hàng năm, thời điểm đánh giá, phân loại công chức, viên chức do người đứng đầu quyết định.
(Nghị định 88/2017/NĐ-CP của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 56/2015/NĐ-CP về đánh giá và phân loại cán bộ, công chức, viên chức có hiệu lực từ ngày 15-9).

Những Nghị định có hiệu lực thi hành trong tháng 9-2017 ảnh 1

Thu tiền khai thác nước
Từ 1-9, mức thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước được quy định theo mục đích khai thác nước, cụ thể: Khai thác nước dùng cho sản xuất thủy điện là 1%; Khai thác nước dùng cho kinh doanh dịch vụ là 2%; Khai thác nước dùng cho sản xuất phi nông nghiệp, trừ nước làm mát máy, thiết bị, tạo hơi là 1,5%;
Khai thác nước dưới đất dùng cho tưới cà phê, cao su, điều, chè, hồ tiêu và cây công nghiệp dài ngày khác là 0,2%; Khai thác nước dưới đất dùng cho nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi gia súc là 0,1%.
Căn cứ khả năng của mình, tổ chức, cá nhân được lựa chọn phương thức nộp tiền theo tháng, quý hoặc theo năm tại Kho bạc Nhà nước.
(Nghị định 82/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định về phương pháp tính, mức thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-9 quy định).

Kiểm soát thủ tục hành chính

Thay vì thực hiện kiểm soát thủ tục hành chính từ khi dự thảo quy định về thủ tục hành chính như trước đây, từ 25-9, việc kiểm soát thủ tục hành chính phải được thực hiện ngay từ khi đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và tiến hành thường xuyên, liên tục trong quá trình tổ chức thực hiện thủ tục hành chính.

Một thủ tục hành chính hoàn thành khi đáp ứng đầy đủ các bộ phận tạo thành cơ bản: Tên thủ tục hành chính; Trình tự thực hiện; Cách thức thực hiện; Thành phần, số lượng hồ sơ; Thời hạn giải quyết; Đối tượng thực hiện; Cơ quan giải quyết (Bỏ Kết quả thực hiện thủ tục hành chính như quy định cũ quy định).

(Nghị định 92/2017/NĐ-CP của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định liên quan đến kiểm soát thủ tục hành chính, có hiệu lực từ ngày 25-9 quy định).

Phát sai dự báo thiên tai bị phạt tới 50 triệu đồng
Từ 10-9, các hành vi truyền, phát sai lệch bản tin dự báo, cảnh báo thiên tai hoặc không truyền, phát bản tin dự báo, cảnh báo thiên tai sẽ bị phạt tiền từ 40 đến 50 triệu đồng. Hành vi truyền, phát bản tin dự báo, cảnh báo thiên tai khí tượng thủy văn chậm so với thời gian quy định cũng bị phạt từ 20 đến 30 triệu đồng; Truyền, phát không đầy đủ nội dung bản tin cũng bị phạt từ 10 đến 20 triệu đồng.
Ngoài ra, các hành vi trồng cây lâu năm trong hành lang kỹ thuật che chắn công trình khí tượng thủy văn cũng bị phạt đến 3 triệu đồng; Đổ rác thải, chất thải vào lòng sông, hai bên bờ sông trong hành lang kỹ thuật của công trình thuộc trạm thủy văn bị phạt đến 7 triệu đồng…
(Nghị định 84/2017/NĐ-CP của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 173/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực khí tượng thủy văn, đo đạc và bản đồ, có hiệu lực từ ngày 10-9 quy định).

Những Nghị định có hiệu lực thi hành trong tháng 9-2017 ảnh 2
Phát sai lệch bản tin dự báo, cảnh báo thiên tai bị phạt đến 50 triệu đồng

Thả rông chó nơi công cộng phạt đến 800.000 đồng
Từ ngày 15/09/2017, việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y sẽ được áp dụng theo quy định của Nghị định số 90/2017/NĐ-CP của Chính phủ.
Từ 15-9, mức phạt tiền tối đa đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính về lĩnh vực thú y là 50.000.000 đồng đối với cá nhân và 100.000.000 đồng đối với tổ chức.
Đáng chú ý, phạt từ 600.000 đồng - 800.000 đồng đối với một trong các hành vi: Không tiêm phòng vắc xin phòng bệnh Dại cho động vật bắt buộc phải tiêm phòng; Không đeo rọ mõm cho chó hoặc không xích giữ chó, không có người dắt khi đưa chó ra nơi công cộng.
(Nghị định 90/2017/NĐ-CP của Chính phủ về việc quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y, có hiệu lực thi hành từ ngày 15-9 quy định).

Bảo đảm an toàn vốn của tổ chức tín dụng

Để bảo đảm an toàn vốn, các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải mua bảo hiểm tài sản với những tài sản pháp luật quy định; Tham gia tổ chức bảo toàn, bảo hiểm tiền gửi và công khai việc tham gia đó tại trụ sở, chi nhánh; Xử lý giá trị tài sản tổn thất theo đúng quy định; Hạch toán vào chi phí hoạt động kinh doanh khoản dự phòng rủi ro…

(Nghị định 93/2017/NĐ-CP của Chính phủ về chế độ tài chính đối với tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và giám sát tài chính, đánh giá hiệu quả đầu tư vốn Nhà nước tại tổ chức tín dụng do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và tổ chức tín dụng có vốn Nhà nước, có hiệu lực từ ngày 25-9).

Còn tiếp...

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm