Ông Q. bị ung thư thời kỳ cuối, việc đi lại với ông đầy khó nhọc nhưng tòa mời lần nào ông cũng có mặt. Có lúc đang nằm xạ trị trong bệnh viện, ông vẫn cố để hôm sau đến tòa. Do đó, lần nào đến tòa với những hơi thở mệt nhọc cuối đời, ông cũng chỉ mong tòa sớm có phán quyết để lòng mình thanh thản.
Tôi còn nhớ, sau phiên tòa sơ thẩm hồi giữa tháng 6-2013, ông Q. và người em gái, đều đã ở tuổi thất thập, ôm chầm lấy nhau mừng mừng tủi tủi. Sau gần bảy năm đeo đuổi kiện tụng, anh em ông đã thắng kiện sơ thẩm. Nhưng đến nay mọi việc vẫn chưa kết thúc do người cháu, cũng là bị đơn, dùng mọi cách để “câu giờ”.
Ông Q. không lập gia đình riêng. Dành dụm tích cóp, năm 2000 ông mua được một căn nhà ở quận 11 (TP.HCM). Tin tưởng lời người cháu (con trai người chị đầu) hứa là sẽ chăm sóc ông khi đau ốm, năm 2003 ông Q. làm di chúc (có công chứng) cho người cháu căn nhà.
Có nhà, người cháu không chăm sóc ông nữa. Phải tự thân vận động, ông Q. ngỏ ý muốn lấy lại căn nhà bán để chữa trị thì bị chửi thậm tệ. Uất ức, ông ra phòng công chứng hủy tờ di chúc. Nhưng chuyện không hề đơn giản. Người cháu cương quyết không trả nhà, dọn đi. Vì vậy, năm 2007, ông Q. đã khởi kiện ra TAND quận 11 để đòi lại nhà. Sau đó, vụ kiện được chuyển lên TAND TP giải quyết theo thẩm quyền vì người cháu liệt kê hàng loạt người em đang cư trú ở nước ngoài, cho rằng có liên quan trong vụ án.
Căn bệnh ung thư hành hạ khiến ông Q. rất vất vả khi đeo đuổi vụ kiện. Thời gian này em gái ông đã phải bán nhà riêng lấy tiền chữa bệnh cho ông và nuôi mẹ. Thương em, ông lập hợp đồng tặng cho em căn nhà. Với tư cách là chủ mới, em gái ông nộp đơn khởi kiện đòi nhà. Lúc này, người cháu phản tố đòi 23 lượng vàng chi phí sửa nhà và đòi anh em ông Q. phải trả 40 lượng vàng gọi là “chi phí mai táng” cho cha ông Q. (cũng chính là ông ngoại của người cháu).
Xử sơ thẩm, TAND TP.HCM nhận định em gái ông Q. là chủ hợp pháp của căn nhà nên tuyên buộc người cháu phải trả lại. Tòa chỉ chấp nhận khoản chi phí sửa chữa nhà hơn 130 triệu đồng theo kết luận giám định. Đặc biệt, tòa bác yêu cầu đòi “mai táng phí 40 lượng vàng” vì không hợp đạo lý và cũng không có chứng từ gì chứng minh.
Người cháu kháng cáo. Năm lần tòa phúc thẩm mở phiên xử thì đều phải hoãn vì người cháu và những người liên quan thay nhau vắng mặt. Trong phiên xử thứ năm, người cháu đưa ra lý do mới: Người này cho rằng mình chỉ sống ở căn nhà từ năm 2005 đến hết năm 2010 nên không phải là bị đơn. HĐXX phải tạm hoãn phiên tòa, cho một thời hạn để người cháu cung cấp chứng cứ.
Vị thẩm phán chủ tọa ngao ngán thốt lên với tôi: “Hơn ai hết, HĐXX mong muốn nhanh chóng giải quyết vụ việc để hai bên ổn định cuộc sống, tinh thần. Dù vậy, phía người cháu không hợp tác, gây khó khăn cho công tác xét xử”. Sau khi hoãn xử, vị chủ tọa đã nán lại động viên anh em ông Q. thông cảm cho kết quả không ai mong muốn này.
“Gần đất xa trời rồi, chẳng ai muốn tranh giành gì để mất con mất cháu nhưng cháu tôi nó bạc bẽo quá” - ông Q. buồn bã. Ông mong rằng tại phiên xử mà tòa dự kiến mở lại trong tháng 6, vụ kiện sẽ được giải quyết dứt điểm để trả lại sự công bằng cho anh em ông.