Học sinh (HS) Singapore từ lâu nổi tiếng với việc luôn đạt thành tích cao trong các kỳ thi quốc tế. Vào năm 2015, Singapore giành hạng nhất trong kỳ thi PISA, kỳ thi đánh giá HS quốc tế dành cho HS độ tuổi 15, do Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) tổ chức. Tuy nhiên, theo tờ South China Morning Post (SCMP), cùng với thứ hạng cao trên bảng xếp hạng thì nền giáo dục Singapore cũng đang phải trả một cái giá đắt tương đương.
Tỉ lệ tự tử tăng cao
Thành công trong học tập có vai trò quan trọng trong cuộc sống của hầu hết HS Singapore. Với cả HS và gia đình, trường học không chỉ là nơi để phát triển mà còn là nơi đảm bảo một tương lai tốt đẹp. Do đó ngay từ bậc tiểu học, trẻ em ở Singapore đã phải gặp nhiều căng thẳng vì áp lực cạnh tranh với bạn bè.
Theo Cơ quan Ngăn ngừa tự tử Samaritan của Singapore (SOS), năm 2015 đã có 27 vụ tự tử xảy ra ở trẻ em 10-19 tuổi ở nước này, tăng gấp đôi so với năm 2014 và cũng là tỉ lệ cao nhất trong hơn một thập niên qua ở đảo quốc sư tử. Theo SOS, các vấn đề về sức khỏe tinh thần, áp lực học tập, cũng như các mối quan hệ ở nhà và trường học chính là nguyên nhân gây áp lực lớn nhất với những trẻ em này.
Hồi tháng 5-2016, Singapore chấn động với vụ việc một cậu bé 11 tuổi tự sát bằng cách nhảy xuống từ tầng 17 trong chung cư của mình. Kết luận điều tra của cảnh sát cho thấy cậu bé tự sát vì đạt điểm thấp trong kỳ thi ở trường. Bà H., mẹ cậu bé, sau đó thừa nhận rằng thường đánh vào tay con trai mỗi khi con đạt ít hơn 70/100 điểm. Bà H. cũng cho biết trước khi tự giam mình vào phòng ngủ và nhảy lầu tự sát, con bà đã nói dối về kết quả học tập để làm vừa lòng cha mẹ. Tuy nhiên, trong kỳ thi vừa qua, điểm cao nhất mà em đạt được là 57,5/100 điểm môn khoa học. Điểm trung bình các môn học của em là 45,5 điểm. Đây là lần đầu tiên đứa trẻ 11 tuổi đạt điểm dưới trung bình. Thay vì phải đối mặt với sự thất vọng của cha mẹ, cậu bé đã chọn cách kết liễu cuộc đời khi còn quá nhỏ.
Học sinh Singapore phải đối mặt với nhiều áp lực ngay từ bậc tiểu học. Ảnh: SCMP
Ngập trong áp lực
Trong cuộc phỏng vấn với tờ SCMP, Howard Tan, một cựu giáo viên tiểu học tại Singapore, cho biết anh thường gặp những trường hợp cha mẹ gây áp lực quá mức cho con cái. “Thật đơn giản khi chỉ đổ lỗi cho hệ thống giáo dục. Rất nhiều áp lực thật ra xuất phát từ các bậc cha mẹ” - Tan nói và cho biết anh từng thấy nhiều cha mẹ thất vọng vì con mình ít hơn 90 điểm trong kỳ kiểm tra. “Là một giáo viên, tôi hầu như không bắt buộc các HS của mình như vậy. Những áp lực này xuất phát từ chính cha mẹ của các em” - anh chia sẻ. Howard Tan cũng cho biết những lớp gia sư mà anh dạy thường kết thúc sau 9 giờ tối: “Tôi có một HS tám tuổi đang phải học rất nhiều lớp gia sư cho nhiều môn học, tổng cộng 11 buổi một tuần. Vậy sao cô bé còn thời gian để làm gì nữa?”.
Cựu giáo viên này cũng cho biết khi anh còn dạy các lớp thể thao ở trường tiểu học trước đây, anh nhận thấy rằng một số trẻ em Singapore rất thiếu kỹ năng vận động. “Ở bậc mầm non... trẻ em cần phải giao tiếp và giải quyết xung đột với những đứa trẻ khác. Tuy nhiên, nhiều đứa trẻ tôi dạy thậm chí còn không biết làm thế nào để phản ứng lại các xung đột. Chúng sẽ la hét vì không biết phải làm gì tốt hơn” - Tan nói.
Việc xếp lớp HS theo năng lực và điểm số cũng là một trong những vấn đề gây tranh cãi lớn ở Singapore. Bắt đầu từ mẫu giáo, trẻ em Singapore đã được chuẩn bị chu đáo để có thể bước vào tiểu học một cách tốt nhất để đảm bảo rằng chúng vượt qua bạn cùng lớp trong kỳ thi xếp lớp. HS thậm chí còn phải trải qua các kỳ thi đánh giá năng lực quyết định trước khi được tốt nghiệp tiểu học.
Nhiều phụ huynh Singapore quan niệm rằng việc chia lớp theo điểm là cần thiết bởi vì mỗi trẻ em sẽ có năng lực học tập khác nhau. “Đối với những đứa trẻ học chậm, nếu giáo viên dạy với tốc độ nhanh, chúng sẽ rất khó theo kịp; trong khi với những đứa trẻ tiếp thu nhanh, chúng sẽ thấy buồn chán nếu giáo viên dạy quá chậm” - bà Maida Genato, mẹ của ba HS, cho biết. Tuy nhiên, theo Howard Tan, việc này sẽ khiến nhiều HS gặp khó khăn và áp lực phân biệt đối xử.
Cha mẹ và giáo viên đang chờ đợi kết quả kỳ thi hoàn tất tiểu học (PSLE). Ảnh: TODAYONLINE
Vấn đề văn hóa
Chính phủ Singapore vẫn đang tìm biện pháp để khắc phục những hạn chế này trong hệ thống giáo dục của mình. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia lại cho rằng việc gây áp lực cho trẻ em phải đạt điểm cao tại trường lại xuất phát từ yếu tố văn hóa. Theo SCMP, quan niệm “kiasu” (một từ gốc Hoa có nghĩa là “sợ thất bại”) của người Singapore có thể lý giải vì sao các bậc phụ huynh ở đây lại bắt con phải đi học thêm nhiều, không chỉ vì tương lai con cái mà còn vì niềm tự hào của gia đình.
Trong khi đó, bà Jamie Sisson, giảng viên của ĐH Nam Australia, nhận xét mô hình giáo dục xếp lớp HS theo năng lực cũng như các kỳ thi mang tính chất “ngã rẽ cuộc đời” ở Singapore chỉ làm tăng thêm áp lực đối với trẻ em và cha mẹ. “Các kỳ thi làm giảm cơ hội học hỏi của trẻ em và có thể ảnh hưởng đến cả cơ hội của chúng trong cuộc sống sau này. Con người là những cá thể phức tạp nên rất khó để xác định được một đứa trẻ có khả năng làm được gì trong tương lai” - bà Sisson nhận định.
Một nghiên cứu khác của học giả người Anh Sally Chan cũng nhận định rằng cách học này cũng đang tồn tại ở nhiều quốc gia Đông Nam Á khác. Áp lực học hành và thành tích khiến các HS người gốc Hoa tại Singapore không có lựa chọn nào khác ngoài cách học thuộc lòng để vượt qua các kỳ thi… Phương thức học tập này được xem là có mặt tại hầu hết trường học ở Hong Kong, Trung Quốc và Đông Nam Á” - học giả Sally Chan nhấn mạnh.
Để tìm hướng giải quyết, Bộ Giáo dục Singapore năm 2016 đã công bố một hệ thống chấm điểm mới với lộ trình có hiệu lực chính thức từ năm 2021. Các chuyên gia giáo dục khẳng định hệ thống này sẽ giúp giảm áp lực đối với HS bằng cách khuyến khích các em tập trung vào việc học của mình hơn là cạnh tranh với các bạn cùng lớp.
Học thêm chưa chắc đã tốt Mặc dù đa số HS bậc tiểu học ở Singapore đang dành một lượng lớn thời gian để làm bài tập về nhà và học thêm, tuy nhiên lợi ích mà việc học này mang lại vẫn chưa rõ ràng. “Có những bằng chứng mạnh mẽ chứng minh rằng dưới cấp trung học, bài tập về nhà không có tác động tích cực lên việc học” - bà Sisson khẳng định kèm theo dẫn chứng minh họa về phương pháp tiếp cận toàn diện trong hệ thống giáo dục của Phần Lan. Trẻ em Phần Lan không đi học cho đến khi đủ bảy tuổi và chỉ có một bài kiểm tra chuẩn, được tổ chức vào năm cuối của bậc trung học. HS Phần Lan thường có ít hoặc không có bài tập ở nhà, các kỳ nghỉ của trường dài hơn. Đất nước này cũng không có việc HS phải đi học thêm ở bất kỳ nơi nào khác. Dù trẻ em không phải học nhiều nhưng Phần Lan vẫn đạt được những thành tích đáng ngưỡng mộ. Quốc gia Bắc Âu xếp thứ sáu trong kỳ thi PISA mới nhất, trong khi hệ thống giáo dục nước này luôn cho ra đời những người trẻ biết cách nhận xét, bình luận và giải quyết vấn đề. Phần Lan cũng đứng thứ năm trong Báo cáo hạnh phúc thế giới năm 2016 của Liên Hiệp Quốc trong khi Singapore đứng thứ 26. |