Nỗi lòng điều dưỡng

(PLO)- Nhiều điều dưỡng nghỉ việc hoặc chuyển công tác sang khu vực tư là vì thu nhập hiện tại còn quá thấp so với rủi ro, áp lực và lượng công việc họ đảm nhiệm.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), nhiều khả năng đến năm 2030 Việt Nam sẽ thiếu hơn 50.000 điều dưỡng.

Tại thời điểm hiện tại, nhiều bệnh viện đã “than trời” vì đội ngũ chăm sóc bệnh nhân đang thiếu hụt trầm trọng, nhất là sau làn sóng dịch COVID-19 kéo dài suốt năm 2021 và đang có xu hướng quay trở lại trong năm 2022.

Nhiều bác sĩ chia sẻ thẳng thắn: Tầm quan trọng của điều dưỡng cũng không hề thua kém so với các y bác sĩ. Nếu như bác sĩ là người chẩn đoán, đưa ra các phác đồ điều trị để đảm bảo sức khỏe của bệnh nhân được điều trị đúng hướng thì các điều dưỡng có vai trò đồng hành cùng bệnh nhân trong việc theo đúng phác đồ của bác sĩ đưa ra.

Điều dưỡng là người trực tiếp chăm sóc, động viên, nhắc nhở, hỗ trợ và bên cạnh bệnh nhân trong suốt quá trình họ điều trị tại bệnh viện (BV).

Ở góc độ bệnh nhân, những vui buồn, khó khăn, tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của họ đều có thể dễ dàng chia sẻ với điều dưỡng. Việc này ảnh hưởng lớn đến tâm lý của bệnh nhân cũng như hiệu quả của quá trình điều trị. Thậm chí, tại đại dịch COVID-19 hồi năm ngoái, có những bệnh nhân neo đơn, quá trình chữa trị không có thân nhân bên cạnh thì những điều dưỡng được xem là “con cháu trong nhà” và có những trường hợp chính các điều dưỡng là người bên cạnh các bệnh nhân xấu số đến thời khắc cuối cùng.

Đại dịch COVID-19 đã bào mòn sức khỏe của nhiều điều dưỡng. Nhiều người chia sẻ họ đã mất nhiều tháng trời để tìm kiếm sự cân bằng, vượt lên những nỗi ám ảnh và đau đớn do đại dịch để lại. Nhưng tiếc rằng làm nghề chữa lành bệnh tật, ốm đau cho trăm ngàn người khác nhưng rất nhiều điều dưỡng vẫn chưa thể tự chữa lành cho chính mình sau những cú sốc “chưa từng có tiền lệ” và cũng có thể là duy nhất trong cuộc đời họ.

Khi cả nước bước vào giai đoạn thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, các điều dưỡng tiếp tục bắt tay vào chống chọi trước những nguy cơ đại dịch khác mà gần nhất là sốt xuất huyết. Hàng triệu bệnh nhân mắc bệnh mạn tính, bệnh hiểm nghèo cũng quay lại BV để khám chữa bệnh sau thời gian dài “né” dịch cũng tạo nên áp lực ngày càng lớn cho các BV. Tình trạng thiếu thuốc và vật tư, trang thiết bị y tế do vướng mắc các vấn đề về mua sắm công càng khiến công tác chữa bệnh trở nên khó khăn hơn, gian nan hơn; gánh nặng về việc hoàn thành nhiệm vụ càng trở nên to lớn.

Rất nhiều điều dưỡng xin nghỉ việc hoặc chuyển công tác từ khu vực công sang khu vực tư nhân hoặc chuyển hẳn sang nghề khác. Có thể nói chưa lúc nào các nhân viên y tế nói chung và những người làm điều dưỡng nói riêng đang chịu những áp lực to lớn như khoảng thời gian suốt một năm qua và hiện tại (thậm chí kéo dài đến tương lai).

Chính phủ, Bộ Y tế và các chính quyền địa phương dù đã có những chủ trương để vực dậy lực lượng điều dưỡng nhưng “lửa gần” thì buộc lòng phải “có nước ngay”.

Thứ nhất, các cơ chế khuyến khích đào tạo ngành điều dưỡng cần được các ngành chức năng, các trường đại học đề ra sớm và áp dụng để người trẻ có động lực tham gia học tập ngành này. Ở một số quốc gia, ngành điều dưỡng rất được ưu tiên, ví dụ đào tạo miễn phí, vừa học vừa làm và được hưởng lương, thưởng, chế độ. Khi dân số Việt Nam ngày càng già đi, số lượng người cần sử dụng dịch vụ chữa bệnh tăng thì việc chủ động đào tạo nguồn nhân lực từ bây giờ là điều quan trọng, có tính chiến lược dài hạn.

Cạnh đó, rất nhiều điều dưỡng nghỉ việc hoặc chuyển công tác sang khu vực tư là vì thu nhập hiện tại còn quá thấp so với rủi ro, áp lực và lượng công việc họ đảm nhiệm. Cải cách tiền lương cho ngành y tế (nhất là các nhân viên điều dưỡng, vốn khó có thể làm thêm hay có nguồn thu tăng thêm) sẽ là một trọng tâm mang tính cấp bách. Với cơ chế hiện nay, rất cần thiết sự quyết tâm, dám làm, thậm chí dám “xé rào” để mang lại những chuyển biến tích cực trong thu hút nguồn nhân lực y tế, trong đó có điều dưỡng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm