Đại diện cộng đồng doanh nhân, TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, hứa điều này với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại buổi lễ trang trọng kỷ niệm ngày Doanh nhân Việt Nam (13-10).
Lời hứa này hẳn nhiên là quan trọng đối với cộng đồng doanh nhân, nhất là khi hội nhập đã ùa đến với những chuẩn mực văn minh, nhân bản của thế giới tiến bộ, liên kết và sáng tạo không ngừng. Ở góc độ cải cách thể chế, khi mà minh bạch và công khai được Chính phủ đề cao thì việc cộng đồng doanh nhân khó có thể sử dụng những mối quan hệ thân hữu để kinh doanh là điều tất yếu. Bởi lẽ cải cách thể chế, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng chính là tạo điều kiện để đạo đức kinh doanh được nảy nở và trở thành yếu tố tất yếu cho phát triển bền vững.
Không ai phủ nhận được rằng trong nhiều hoàn cảnh khác nhau, đội ngũ doanh nhân Việt Nam, bằng cách này hay cách khác, đã đi tiên phong trong nỗ lực sản xuất ra của cải, vật chất cho xã hội, tạo ra việc làm cho người lao động, góp phần không nhỏ vào kiến tạo thịnh vượng quốc gia. Trong khó khăn, khi mà thể chế chưa được cải cách, cởi mở, quan điểm về kinh doanh còn chưa được hiểu đúng thì đội ngũ doanh nhân vẫn thể hiện sự sáng tạo của mình, dù đôi khi sự sáng tạo ấy chưa được đền đáp xứng đáng.
Hiện nay, ngoài áp lực của hội nhập thì áp lực của cuộc cách mạng công nghệ lần thứ tư đang đặt cộng đồng doanh nhân Việt Nam trước những yêu cầu rất cao của thời đại. Những chuẩn mực nhân văn như không thỏa hiệp với tham nhũng, không tàn hại môi trường… đang là đòi hỏi của chuỗi giá trị toàn cầu. Nói như ông Vũ Tiến Lộc, doanh nhân không chỉ trưởng thành dựa vào kinh nghiệm lăn lộn thương trường mà còn phải biết học hỏi, trau dồi kiến thức và thấm nhuần những chuẩn mực văn minh ấy nếu không muốn mình là “trọc phú”.
Lý tưởng phụng sự nhân dân, kiến tạo thịnh vượng cho quốc gia không phải là cao vời. Nó được thể hiện qua việc tạo ra nhiều việc làm bằng trí tuệ và chiến lược của doanh nhân. Lợi nhuận chắc chắn là một trong những mục tiêu không chỉ của doanh nhân nhưng kinh doanh trước tiên phải nhắm đến những mục tiêu nhân bản. Ông Lộc đã lấy ví dụ về nhà sáng lập Facebook và cho rằng khi lập ra mạng xã hội này, mục tiêu đầu tiên của Mark Zuckerberg là liên kết mọi người. Giờ Mark là tỉ phú nổi tiếng thế giới và Facebook trở thành một phương tiện thiết yếu giữ mỗi liên kết không chỉ giữa con người với con người.
Tổng hòa lợi ích nhiều người được thụ hưởng nhờ sự sáng tạo, chiến lược và tầm nhìn của một doanh nhân, chắc chắn cũng là lợi ích của chính doanh nhân đó. Điều này cũng có nghĩa là những đường hướng kinh doanh bất minh, không vì người lao động chắc chắn không có chỗ đứng trong hội nhập, trong những nỗ lực kiến tạo một chính phủ liêm chính, kiến tạo và phục vụ.
Công nghệ hay thể chế, đó sẽ là những điều kiện thuận lợi cho những doanh nhân biết nắm bắt. Nhưng trên hết, sức mạnh và sự bền vững của một doanh nhân sẽ đến từ những hoạt động kinh doanh phù hợp nhân bản, hiện đại và liêm chính.