Trò chuyện với Báo Pháp Luật TP.HCM, một bạn trẻ đã nói rằng: "Thay vì dành thời gian để ngủ và lướt facebook, tôi đã học thêm một số kỹ năng chuyên ngành và đầu tư cho sở thích của bản thân mà trước nay chưa thể thực hiện được".
Học tập và nâng cao sức khỏe
Từ đầu mùa dịch, Võ Văn Quang (22 tuổi, TP Thủ Đức) đã đăng ký khóa học lập trình web qua mạng. Mỗi tuần, Quang dành 4 ngày để học, mỗi ngày 2 buổi từ 2 - 3 tiếng. Hiện tại, Quang đã học xong phần lý thuyết và đang thực hành.
"Ngoài thời gian ôn thi và thi học kỳ theo chương trình đại học, tôi còn khá nhiều thời gian rảnh. Vì vậy, tôi nghĩ rằng học thêm một kỹ năng mình hứng thú, có liên quan đến chuyên ngành đang học trên trường cũng là một cách để không lãng phí khoảng thời gian này. Nó cũng giúp tôi có cơ hội tìm việc làm sau khi ra trường" - Quang chia sẻ.
Trước đây, khi thành phố chưa thực hiện giãn cách, Quang thường chạy bộ cùng bạn bè. Trong thời gian nghỉ dịch, không thể ra ngoài nên Quang tập thể dục và hít đất trong phòng để rèn luyện sức khỏe. Dù tập luyện trong không gian nhỏ và bí bách nhưng Quang giữ thói quen này đều đặn trong 4 tháng. Anh cười: "Tập thể dục vừa có thể rèn luyện thể chất, vừa giúp tôi giảm bớt căng thẳng bởi ôn thi và những thông tin về dịch bệnh".
Quang học về lập trình web trong thời gian giãn cách. Ảnh: NVCC
Giống như Quang, Nguyễn Kim Thảo (24 tuổi, quận 1) cũng dành thời gian này để học nấu ăn và tiếng Anh. Thảo làm việc online 2 tiếng vào mỗi buổi sáng, chiều. "Bình thường, tôi đi làm cả ngày, không rảnh để nấu ăn. Nhưng bây giờ có nhiều thời gian nghỉ ngơi hơn, tôi tập nấu những món ăn mình thích, học thêm nhiều thứ mới mẻ, tập thể dục, chăm gọi điện cho ba mẹ và hỏi thăm bạn bè hơn. Tôi nghĩ đây là một cách tích cực để vượt qua mùa dịch" - cô nói.
Một số món ăn do Kim Thảo nấu. Ảnh: NVCC
Dành thời gian cho gia đình và sở thích cá nhân
Về quê trước khi dịch bùng phát, Kha Trần Khả Ái (22 tuổi, Sóc Trăng) cho rằng đây là lúc mình dành nhiều thời gian cho gia đình và đầu tư cho sở thích của bản thân.
Ngay từ lúc Sóc Trăng ghi nhận những ca nhiễm đầu tiên, bố mẹ của Ái đã nấu ăn hỗ trợ tuyến đầu chống dịch. Bếp ăn hỗ trợ các chốt trực và khu cách ly trong huyện Long Phú (tỉnh Sóc Trăng) do Hội Phụ nữ huyện và quân đội phụ trách.
Ái nhận trách nhiệm chăm sóc nhà cửa, làm những đồ uống dinh dưỡng để tiếp năng lượng cho bố mẹ. Cô còn giúp mẹ viết bài về những tấm gương trong mùa dịch của địa phương đăng trên diễn đàn Hội Phụ nữ của huyện. Nhờ đó, mạnh thường quân biết đến những việc làm ý nghĩa của Hội, đóng góp tiền, hiện vật hỗ trợ bếp ăn.
"Đối với mọi người, phụ giúp bố mẹ làm việc nhà là điều rất bình thường. Nhưng với những sinh viên học xa nhà như tôi lại là điều gì đó rất đặc biệt. Tôi có thể dành trọn vẹn thời gian để chăm sóc những người thân yêu của mình, trước khi quay trở lại thành phố bắt đầu công việc, lễ, tết mới có thể về nhà" - Khả Ái tâm sự.
Thời gian này, Ái còn tận dụng nhiều chai nhựa trong nhà để tái chế thành những chậu cây nhỏ xinh. Trong nhà Ái có đủ chậu cây thủy sinh do cô trồng trong mùa dịch này: từ khoai lang tím, bơ đến hành lá, tỏi. Đây vừa là cây cảnh, vừa là món ăn của gia đình.
Khả Ái làm xanh không gian nhà mình bằng những chậu cây thủy sinh. Ảnh: NVCC
Khả Ái kể lại: "Nhiều cô chú, bạn bè sau khi thấy tôi đăng hình ảnh những bé cây này lên mạng cũng đã trồng theo. Lan tỏa lối sống xanh thực sự là một điều thú vị. Trồng cây làm cho không gian ngôi nhà và chính mình thêm "xanh". Mỗi một ngày thức dậy, tôi có thêm những điều để trông chờ, để hi vọng. Tôi trở nên lạc quan hơn, đây chính là "vitamin" rất cần trong thời gian chống dịch này".