Ban tổ chức Olympic Paris ví cuộc chạy đua chuẩn bị cơ sở hạ tầng đang diễn ra là cuộc đua từ marathon chuyển thể sang 100 m... rào, tức vừa nước chạy nước rút vừa vượt chướng ngại vật. Những nhà tổ chức đang đối mặt với công tác chuẩn bị trong tình hình thời tiết nắng nóng như đổ lửa lại thêm giá cả vật tư mọi thứ leo thang, nhất là năng lượng cùng dấu hiệu làn sóng dịch đang bùng phát.
Olympic Paris 2024 đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức. Ảnh: GETTY IMAGES |
Ông Tony Estanguet, cựu VĐV chèo thuyền đội tuyển Pháp từng ba lần vô địch Olympic, nay là trưởng ban tổ chức Olympic Paris, đã lên tiếng: “Thời gian chuẩn bị từ nay đến Olympic Paris 2024 khai cuộc vào ngày 26-7-2024 lẽ ra đó chỉ là cuộc chạy marathon nhưng bây giờ chúng tôi phải “vắt giò lên cổ” chạy nước rút 100 m lại phải vượt rào. Có quá nhiều “chướng ngại” mà chúng tôi phải đối mặt, nhất là giá vật liệu, năng lượng leo thang, nhân công đắt đỏ, thời tiết không ủng hộ…, đặc biệt là thách thức về công tác an ninh cho đại hội cũng phải làm mới lại”.
Sân Stade De France là sân trung tâm nơi diễn ra lễ khai mạc và bế mạc cùng nhiều môn thi đấu khác phải tiến hành đại trùng tu với ngân sách tăng lên gấp nhiều lần vì lạm phát và giá vật tư tăng mạnh.
Sau sự cố tai tiếng trận chung kết Champions League, ông Tony Estanguet càng chú trọng hơn và xem vấn đề thách thức nhất là công tác an ninh cho đại hội mà ông cho rằng mọi thứ đều phải chuẩn bị ngay từ bây giờ, vì Paris nói chung và Stade De France nói riêng vốn rất nhạy cảm.
Ông trưởng ban tổ chức Olympic Paris nhắc đi nhắc lại đến vụ Stade De France mới bị tai tiếng cực lớn về vụ vé giả và an ninh bất ổn trận chung kết Champions League giữa Liverpool và Real Madrid khiến nhà nước Pháp phải chính thức vào cuộc và chỉ đạo. Ông cho biết Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) đang soi và buộc Paris phải đưa ra các đề án hành động ngay trong việc giữ gìn an ninh, an toàn cho Olympic để IOC kiểm tra, giám sát.
Một nghịch lý mà những nhà tổ chức cho biết là ngân sách nhà nước Pháp dự kiến chi đợt đầu cho trùng tu và làm mới các cơ sở thi đấu là 400 triệu euro nay giảm xuống còn 380 triệu euro mà giá cả vật tư các thứ lại đang leo thang. Việc không tăng theo giá cả leo thang mà còn giảm khiến ban tổ chức đang đau đầu.
Nguồn thu chủ yếu là bán vé và tìm kiếm tài trợ nhưng đến nay những nhà tổ chức chưa có con số cụ thể để cân bằng ngân sách trong khi tài trợ chưa có dấu hiệu tươi sáng, chưa tìm ra những thương hiệu lớn khiến lộ trình chuẩn bị Olympic Paris càng khó.
Theo dự tính của những nhà tổ chức, tổng chi ngân sách cho Olympic Paris là 4 tỉ euro nhưng bây giờ nguồn cung cấp tài chính này từ nhà nước đang có dấu hiệu bị bóp lại.
Nếu Olympic Tokyo 2020 phải dòi sang năm 2021 và tổ chức trong giai đoạn “chạy dịch” đầy khó khăn thì Olympic Paris đang đối mặt với hàng loạt khó khăn và thách thức.•