Ông bí thư của nông dân

Hà Tĩnh có hàng ngàn hecta đất cát bạc màu dọc theo bờ biển, từ bao đời nay gần như là một vùng đất “chết”, khi nhiệt độ cao điểm mùa nắng có thể lên tới 58 độ C. Tuy nhiên, từ năm 2013 đến nay, vùng cát trắng hoang hóa, bạc màu này đang được hồi sinh mạnh mẽ bởi những cánh đồng xanh mướt với đủ thứ rau sạch như củ cải, cà chua, măng tây, hành lá, cà rốt, dưa chuột… Mỗi hecta rau thu về được hàng trăm triệu đồng, giải quyết việc làm, tăng thêm thu nhập cho hàng trăm lao động địa phương. Lần đầu tiên, người dân Hà Tĩnh được nhìn thấy củ cải nặng “khủng” đến 1,5 kg/củ. Người dân Hà Tĩnh đã gắn củ cải này với “thương hiệu” “củ cải ông Cự” - ông Võ Kim Cự, Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh.

Mô hình “trồng rau của ông Cự”

Ông Phan Hoàng Trung ở xã Cẩm Hòa, huyện Cẩm Xuyên hiện có 8/12 ha áp dụng mô hình “trồng rau của ông Cự”, dịp tết Ất Mùi đã thu một vụ 300 triệu đồng/4 ha. Sau khi trừ chi phí và nhân công thì lãi ròng đạt khoảng 100 triệu đồng trong hai tháng.

Ông Trung cho biết ban đầu gia đình ông sống dựa vào nghề làm lò ấp trứng gà, thu nhập không ổn định. Khi có chính sách kích cầu mạnh của tỉnh, ông bỏ ra 1,5 tỉ đồng xin 12 ha đất cát bạc màu để trồng rau theo mô hình nêu trên. Tỉnh hỗ trợ ông 3,5 tỉ đồng tiền san lấp mặt bằng, miễn phí 100% giống, phân bón, hỗ trợ kỹ thuật và bao tiêu luôn đầu ra của sản phẩm. Không những thu nhập cao mà ông còn tạo công ăn việc làm cho 13 công nhân với lương mỗi tháng 4,5 triệu đồng. “Khi biết tôi làm mô hình này, bác Cự xuống động viên, thăm hỏi 4-5 lần, có khi dành cả giờ đồng hồ để xem xét và trao đổi. Là lãnh đạo tỉnh nhưng rất giản dị chứ không quan cách chi cả. Bác nói được, làm được chứ không phải nói chơi” - ông Trung hào hứng nói về vị lãnh đạo của tỉnh mình.

Ông Phan Xuân Phong (xã Cẩm Dương, huyện Cẩm Xuyên) là một trong ba hộ có mô hình nuôi 500 con heo thịt, mỗi năm thu nhập khoảng 300 triệu đồng. Nhờ thu nhập này mà ông có thể chu cấp cho con một người con đang du học tự túc ở Nhật (chi phí mỗi tháng 27 triệu đồng), điều gần như quá xa vời với người dân nghèo ven biển.

Nói về người bí thư tỉnh mình, ông say sưa: “Làm với bác Cự thì “ngon”. Bác chỉ đạo rất chắc chắn, nói là làm chứ không nói suông nên dân rất yên tâm. Tất cả những gì có lợi cho dân là chỉ đạo các ban ngành làm liền, hỗ trợ đến nơi đến chốn. Dù lãnh đạo cấp cao nhưng bác thường xuyên xuống thăm chuồng trại, hỏi trực tiếp từng hộ dân làm thế này có được hỗ trợ gì không, thủ tục có gì khó khăn không, có ai gây khó dễ gì không, cấm người dân tuyệt đối không bỏ phong bì đưa cho cán bộ”.

Ông Cự đến tận nhà chị Ngô Thị Phước ở xã Phúc Trạch, huyện Hương Khê hướng dẫn cho chị cách làm giàu từ cây bưởi. Gặp dân xong ông mới về làm việc với lãnh đạo huyện.  Ảnh: VIỆT HOA

Lãnh đạo làm trước

Ông Võ Kim Cự từng lăn lộn với vùng đất ven biển hàng chục năm trước khi ông về làm lãnh đạo tỉnh. Nhận thấy không thể để hàng ngàn hecta đất bỏ hoang hóa trong khi nông dân thiếu đất sản xuất, đích thân ông cùng các sở, ngành đã đến nhiều nước trên thế giới có mô hình trồng rau trên cát như New Zealand, Isreal, Nhật, Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc, Thái Lan… để tìm hiểu. Sau đó đã chọn mô hình của vùng Đông Shan (Phúc Kiến, Trung Quốc), áp dụng công nghệ tưới của Israel và tiến hành làm dự án xây dựng mô hình rau củ quả trên đất hoang hóa bạc màu ven biển Hà Tĩnh.

Ông giao cho Tổng Công ty Khoáng sản và Thương mại Hà Tĩnh (Mitraco) phối hợp Sở NN&PTNT tỉnh Hà Tĩnh và một đối tác Hong Kong trồng thử nghiệm trên 12 ha đất cát bạc màu ven biển xã Thạch Văn, huyện Thạch Hà. Kết quả vụ thu hoạch đầu tiên ngoài sức tưởng tượng khi hơn 30 loại rau củ đã cho năng suất và chất lượng cao với thu nhập trên 250 triệu đồng/ha. Người dân ở xã Thạch Văn và các xã lân cận nghe tin rần rần kéo nhau đến xem mô hình “rau ông Cự” và học làm theo. “Dân là phải cho “chộ” (thấy) thì họ mới tin, chứ nói lý thuyết không thì họ nghe không vô được. Cách thuyết phục hay nhất là phải làm cho họ thấy. Thấy có lợi thì dân mới làm, mới nghe theo” - ông Cự nói.

Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh cho biết đây chỉ là một phần nhỏ trong đề án xây tái cấu trúc ngành nông nghiệp gắn với chương trình quốc gia về xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh. Song song với việc làm “mồi” để kích thích người dân tham gia thì tỉnh phải xây dựng chính sách hỗ trợ sát sườn để hỗ trợ cho dân làm kinh tế. Theo đó, các hộ tham gia sản xuất theo mô hình này sẽ được hỗ trợ miễn phí 100% về giống, phân bón, 60% tiền san lấp mặt bằng, lãi suất vay vốn ngân hàng bằng không (0), đầu ra cho việc tiêu thụ sản phẩm.

Theo ông Cự, vấn đề lớn nhất là phải huy động được cả hệ thống chính trị làm tất cả vì nông dân. Phải giúp người nông dân làm giàu trên chính mảnh đất của mình. “Chúng tôi đã lấy nguồn thu hàng chục tỉ đồng từ các khu kinh tế Vũng Áng, Cầu Treo để tập trung nguồn lực phát triển cả ba vấn đề nông nghiệp, nông thôn và nông dân. Quyết tâm rút ngắn khoảng cách giàu nghèo giữa nông thôn và đô thị. Không lý nào có những nhà máy lớn giàu có hàng tỉ đôla tại các khu kinh tế mà bên cạnh đó là hàng triệu người dân mình phải chịu nghèo đói” - ông Cự khẳng định chắc nịch.

“Ăn lương của dân mà làm như vậy có đau lòng không?”

Tôi được dự một chuyến đi kiểm tra nông thôn mới của lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh cùng giám đốc các sở, ngành tại xã Phúc Trạch thuộc huyện miền núi Hương Khê. Thông thường mỗi khi xuống kiểm tra thực tế tại các địa phương, ông cấm việc ăn uống ở địa phương sau mỗi cuộc họp. “Nói thật, đoàn của tỉnh khoảng vài chục người, xuống huyện có khi dăm chục người rồi chưa nói tới xã cũng cả trăm người nữa. Rồi mổ bò, giết heo để tiếp khách tỉnh. Làm như vậy tiết kiệm được hàng tỉ đồng đấy. Nhưng quan trọng nhất là dân cảm thấy chấp nhận được chứ trước đây cứ làm việc một buổi mà ăn cả ngày, dân ghét lắm” - ông Cự thẳng thắn.

Huyện Hương Khê có nhiều tiềm năng về trồng trọt và chăn nuôi nhưng một năm qua không phát triển thêm được mô hình sản xuất mới. Khi làm việc với các lãnh đạo huyện, xã, ông cật vấn: “Tôi hỏi dân thì được biết 30 cây bưởi thu về 100 triệu đồng, 300 cây là 1 tỉ đồng, chi phí sản xuất chỉ là một ít vôi, phân chuồng, một ít kali và công chăm, hoàn toàn có thể khẳng định tiềm năng kinh tế của cây bưởi là rất lớn. Phòng Nông nghiệp đã làm gì, khuyến nông làm gì, ăn lương của dân như vậy có đau không? Hàng tỉ bạc tỉnh chuyển về lẽ ra phải có cơ chế, phải chọn ra những hộ có kinh nghiệm nhất để hỗ trợ cho họ. Chắc chắn dân không phải chỉ trồng một hộ mấy trăm cây như hiện nay mà cả ngàn cây, thu về hàng trăm tỉ. Rõ ràng là quản lý rất quan liêu, không quan tâm gì đến đời sống của dân cả, huyện không làm mà xã cũng thả lỏng cho dân. Dân nghèo đói mãi là đúng!”. Sau đó ông kiên quyết chỉ đạo đảng bộ huyện và xã phải kiểm điểm trách nhiệm ngay trong tuần mà không chờ đến đại hội.

Ông Cự nói: “Muốn thành công phải kiên trì, tâm huyết, quyết liệt, sáng tạo, sâu sát. Đây là 10 chữ mà chúng tôi đặt ra để cùng nhau thực hiện. Phải làm thật và hành động thật sự, bí thư, chủ tịch không làm được thì phải thay. Ai cũng phải dồn hết tâm huyết cho dân, phải làm quyết liệt hơn để cho dân được sướng hơn, giàu hơn. Dân có giàu thì tỉnh mới mạnh được”.

Mỗi lần vào công tác Hà Tĩnh là một lần thấy thay đổi vượt bậc. Còn nhớ năm 2009, tôi vào đất Kỳ Anh, thấy toàn người ăn xin nhưng đến bây giờ thì không còn nhận ra nữa. Tôi hết sức vui mừng và ấn tượng. Tôi được giao là trưởng ban chỉ đạo nông thôn mới, khi Hà Tĩnh quyết tâm triển khai tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới với nhiều điểm mà lúc đó chính tôi còn hoài nghi không biết có thật không và có làm được không. Lần trước vào thăm mấy khu nuôi heo, nuôi tôm nhưng lần này vào thấy khác hẳn, quy mô lớn hơn nhiều, công nghệ, chất lượng, giá trị trên một đơn vị diện tích cũng khác. Phong trào nông thôn mới triển khai đồng bộ ở tất cả các xã. Đây là điều vô cùng quan trọng vì có sản xuất thì mới thúc đẩy phát triển được, tỉnh đã giải quyết được vấn đề tam nông theo nghị quyết của trung ương. Đời sống người dân trên địa bàn thay đổi rất lớn. Hai năm nay Hà Tĩnh đã từ chối nhận gạo cứu đói của trung ương. Đúng là Hà Tĩnh đã có những thay đổi vượt bậc mang tính bước ngoặt. Nếu một nơi đã có đầy đủ điều kiện để phát triển thì không nói, đằng này Hà Tĩnh có xuất phát điểm quá thấp, lại thường xuyên chịu thiên tai, lũ lụt. Những kết quả Hà Tĩnh đạt được khiến tôi rất tự hào, nếu nói vĩ đại thì nghe to lớn quá nhưng thật sự là rất ấn tượng.

Phó Thủ tướng VŨ VĂN NINH nói tại buổi làm việc với
tỉnh Hà Tĩnh ngày 18-3

Theo báo cáo của UBND tỉnh Hà Tĩnh, từ chỗ chỉ có 480 mô hình sản xuất nông nghiệp chăn nuôi heo, bò, hươu trong năm 2010 thì đến nay đã có 5.560 mô hình sản xuất công nghệ cao về nuôi trồng như tôm, cá, heo, bò, hươu, trồng cam, trồng bưởi với doanh thu từ trên 100 triệu đồng đến hàng chục tỉ đồng/năm. Hiện nay ở xã Thạch Văn đã có mô hình nuôi tôm công nghệ cao trong vòng 88 ngày thu một vụ hàng ngàn tấn tôm với doanh thu gần 200 tỉ đồng. Trồng cam, bưởi ở huyện Hương Khê thu về 300-400 triệu đồng/vụ. Đặc biệt, mô hình nuôi heo được nhân rộng từ quy mô nhỏ trong hộ gia đình (20-80 con), quy mô vừa (300 con) và quy mô lớn (300-500 con).

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới