Ông chủ ngoại dạy cách lái xe an toàn cho người Việt

Hơn 15 năm làm trong nghề an toàn, ông Nguyễn Hoàng Phi, Giám đốc Công ty TNHH Safety Care, đang đặt tham vọng xây dựng công ty để lan tỏa được việc thực hiện an toàn lao động cho các doanh nghiệp (DN) Việt Nam.

Xem thường an toàn lao động

. Phóng viên: Dưới góc nhìn của ông, các DN Việt Nam đang nhìn nhận về vấn đề an toàn lao động ra sao?

+ Ông Nguyễn Hoàng Phi: Thật ra đến bây giờ nhiều chủ DN chỉ làm một thứ duy nhất là tuân thủ về mặt pháp luật, hay nói cách khác là đối phó về mặt thủ tục, pháp lý cho xong và cho có. Nhiều người nghĩ rằng có hay không an toàn cũng không ảnh hưởng đến chuyện kinh doanh nên cứ làm từ từ, được chăng hay chớ.

. Phải chăng do thực hiện việc an toàn không mang lại tiền bạc cho DN nên họ xem thường?

+ Thường các DN xem đây là khoản chi phí chứ không phải là đầu tư. Điều này cũng giống như trước đây, khi bảo hiểm mới khai sinh tại Việt Nam, mọi người thường chỉ nghĩ đến chi phí chứ không phải xem bảo hiểm để phòng ngừa rủi ro.

Thêm nữa các DN nghĩ rằng đầu tư vào các giải pháp an toàn sẽ phát sinh chi phí và chi phí này đi vào giá thành, khó cạnh tranh với đối thủ không thực hiện điều này. Vậy nên họ nghĩ đầu tư không khác gì tự làm khó mình.

. Từng làm cho nhiều công ty nước ngoài, ông thấy họ tuân thủ điều này ra sao?

+ Họ làm điều này rất tốt vì ở nước ngoài, nếu một công trình xây dựng xảy ra tai nạn lao động, cảnh sát sẽ bắt giam đầu tiên là giám đốc hoặc chỉ huy trưởng. Nhưng điều quan trọng hơn đằng sau đó là bảo vệ danh tiếng công ty để họ có thể đấu thầu quốc tế. Mặt khác, nếu để xảy ra tai nạn, ngoài việc mất người có vị trí cao, đền bù cho người bị tai nạn thì sang năm mua bảo hiểm bị tính phí cao hơn gấp nhiều lần.

. Có nghĩa là các DN nước ngoài hiểu được rằng các chi phí tiềm ẩn rất lớn nếu lơ là công tác an toàn?

+ Đúng vậy. Vì một khi xảy ra tai nạn, phải dừng dự án mà vẫn phải chi trả các khoản chi phí cố định, chưa kể chậm tiến độ bị phạt… nên họ sẵn sàng bỏ ra một số tiền nhỏ xíu so với các chi phí tiềm ẩn một khi phát sinh rắc rối.

Chưa kể là họ xem an toàn không chỉ đơn thuần gói gọn trong DN. Chẳng hạn, các DN nước ngoài có bộ môn phòng vệ lái xe dành cho nhân viên. Chính xác hơn là họ huấn luyện cho nhân viên cách lái xe ra đường an toàn ra sao; trời mưa chạy như thế nào, thắng xe ra sao để không ngã; xe tắt máy tuột dốc phải xử lý bằng cách nào…

Ông Nguyễn Hoàng Phi: “Các doanh nghiệp Việt vẫn chưa chú trọng các công tác an toàn”. Ảnh: QH

Tạm biệt tư duy… ao làng

. Thưa ông, nhiều DN cho rằng chi phí là một rào cản không nhỏ khi đầu tư để đảm bảo an toàn, do vậy họ thường cắt khoản này đi?

+ Thực tế các dự án của nước ngoài luôn tách phần chi phí an toàn ra khỏi chi phí đầu tư. Như Nhật Bản, họ sẵn sàng bỏ 1%-3% chi phí của tổng đầu tư dự án cho công tác an toàn. Họ quy định sử dụng số tiền này cho an toàn, không được mang đi làm việc khác.

Trong khi tại Việt Nam, chi phí này nằm chung tổng chi phí đầu tư. Hệ quả là nếu ông chủ thấy nhiều tiền quá là cắt bỏ, nên việc thực thi an toàn được quan tâm rất nửa vời. Chẳng hạn, thi công dự án cao tầng cần có lưới hứng tránh vật liệu hay người rớt xuống nhưng ông chủ thấy nhiều tiền quá, vậy là cắt. Hay làm nhà cao tầng phải lắp đặt lan can tạm bằng ống tuýp cứng để phòng tránh người đi rớt xuống nhưng chủ đầu tư thấy tốn quá nên lấy… dây thừng để thay thế.

. Liệu có thể nói rằng các ông chủ nước ngoài đã giúp DN Việt Nam hình thành nguồn nhân lực an toàn và là bàn đạp cho các chủ đầu tư hiểu được vấn đề này?

+ Việc Việt Nam ký kết các hiệp định thương mại là cách buộc DN Việt chơi theo luật chơi quốc tế. Đây là xu thế tất yếu, không có chuyện không làm, trừ khi anh chơi sân chơi ao làng, không thèm quan tâm đến xã hội bên ngoài ra sao và anh thích thì làm.

Vì vậy, hiện nay nhiều công ty xây dựng lớn ở Việt Nam đã có ban an toàn bởi họ thấy được các chi phí tiềm ẩn, thấy được rủi ro về pháp luật, thương hiệu. Ngay cả việc muốn vay tiền các tổ chức quốc tế như World Bank trước tiên phải đáp ứng tiêu chuẩn về trách nhiệm xã hội, trong đó có vấn đề an toàn.

. Dưới góc nhìn của ông, lỗ hổng về vấn đề an toàn ở các DN Việt ra sao?

+ Tôi kể câu chuyện để thấy rằng vấn đề an toàn sẽ phụ thuộc vào cách nhìn của mỗi DN. Có vị bác sĩ là giám đốc bệnh viện tư, một lần khi đi kiểm tra bệnh viện, ông thấy những bình ôxy để ngổn ngang trong tầng hầm. Nhận thấy quá nguy hiểm một khi cháy nổ, ông đã gọi cho chúng tôi xuống nhờ thiết kế và đầu tư lại hệ thống an toàn cho bệnh viện.

Như vậy, có thể thấy rằng để lấp được lỗ hổng về vấn đề an toàn trước hết nằm ở ý thức của người chủ. Nhưng thực tế không nhiều chủ DN Việt nhận thức được điều này. Họ chỉ quan tâm đến vấn đề an toàn một khi công ty gặp nhiều tai nạn, bị cơ quan nhà nước thanh tra, kiểm tra phát hiện quá nhiều lỗi và bị phạt.

. Xin cám ơn ông.

Tiêu chuẩn an toàn của công ty 300 năm tuổi

 Phóng viên: Ông nhìn thị trường an toàn cạnh tranh ra sao?

+ Ông Nguyễn Hoàng Phi: Hiện có hơn 400 công ty hoạt động trong lĩnh vực này nên mức độ cạnh tranh rất lớn. Tuy nhiên, thị trường này sẽ tăng trưởng vì Việt Nam tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do nên buộc phải tuân thủ luật chơi quốc tế, trong đó có vấn đề an toàn mới có thể xuất khẩu hàng hóa hay nhận gia công nước ngoài. Do đó chúng tôi sẽ tập trung vào chiến lược tư vấn an toàn cho các DN vừa và nhỏ Việt Nam chuyên về xuất khẩu.

. Hơn 15 năm làm nghề và hiện nay nghề an toàn được trả lương rất cao, vậy tại sao ông lại quyết định mở công ty thay vì làm thuê có một mức thu nhập tốt hơn nhiều?

+ Từ khi ra trường đến giờ, tôi chưa làm cho công ty Việt Nam ngày nào hết mà chỉ làm việc trong các công ty nước ngoài như Pháp, Đức, Nhật và Na Uy.

Ông chủ ngoại dạy cách lái xe an toàn cho người Việt ảnh 2
Kỹ sư an toàn giám sát ở một công trình xây dựng. Ảnh: PM

Khi làm cho DN nước ngoài thì mới thấy họ thuê mình để duy trì hệ thống an toàn vốn đã làm rất tốt trước đó. Chẳng hạn, tôi đã từng làm việc cho một công ty Đức có lịch sử phát triển 205 năm, hay một công ty Nhật có tuổi đời tầm 300 năm, mà với thời gian qua bao nhiêu thế kỷ họ vẫn duy trì được các tiêu chuẩn an toàn một cách nghiêm ngặt.

Nhưng nếu làm công cho các ông chủ nước ngoài cũng chỉ hưởng thụ lợi ích riêng mình, không giúp được ai cả. Nên tôi quyết định mở công ty như là một cách lan tỏa nhanh nhất về vấn đề an toàn cho các DN Việt khác.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm