Là người Việt Nam (VN) lãnh đạo một tập đoàn máy bơm đứng đầu thế giới đến từ Đan Mạch có lịch sử hơn nửa thế kỷ và đã chứng minh uy tín, năng lực của một người được giao một vị trí trọng trách hàng đầu. Tuy nhiên, tham vọng của ông Nguyễn Xuân Thắng, Tổng giám đốc Công ty TNHH Grundfos VN, là đào tạo một thế hệ kế cận người VN đủ năng lực đảm nhiệm các vị trí tại công ty và có các cơ hội phát triển sự nghiệp thì mới được xem là thành công.
Không có chuyện phết phẩy
. Phóng viên: Hơn 10 năm gia nhập thị trường VN và là một thương hiệu thế giới với hơn nửa thế kỷ về máy bơm và các giải pháp ứng dụng về nguồn nước, Grundfos đang có tham vọng gì tại VN, thưa ông?
+ Ông Nguyễn Xuân Thắng: Thực ra Grundfos đã có mặt tại thị trường VN cuối thập niên 1990. Thời điểm đó, tập đoàn mở rộng thị trường quốc tế và đã gửi một nhóm sang tìm hiểu thị trường VN đang trong giai đoạn phát triển kinh tế.
Họ đánh giá đây là thị trường tiềm năng trong tương lai. Vậy là sản phẩm Grundfos vào VN bằng đại lý độc quyền phân phối, qua các dự án của Cơ quan phát triển quốc tế Đan Mạch (Danida) viện trợ không hoàn lại trong ngành nước.
Thực tế, thị trường dành cho máy bơm nước tại VN vẫn đầy triển vọng do đầu tư xây dựng hạ tầng đang trong giai đoạn tăng trưởng.
. Có thể hiểu chất lượng sản phẩm đã được bảo chứng nhưng thị trường Việt chuộng giá rẻ, rồi những trò đòi hoa hồng… Liệu một công ty nước ngoài vốn đề cao trách nhiệm xã hội và loại trừ việc tham nhũng có thể chấp nhận cuộc chơi này?
+ Từ kinh nghiệm cá nhân của tôi, trong thị trường luôn có người làm ăn đàng hoàng, tử tế và đây cũng là những đối tượng khách mà chúng tôi tập trung khai thác. Từ đó mình nhân rộng cách làm việc theo kiểu đàng hoàng, nghiêm túc.
Tất nhiên tôi cũng hiểu nếu không biết luật chơi sẽ bị loại. Nhưng vẫn có cách giải quyết vấn đề này. Điều đầu tiên, chúng tôi cố gắng làm việc trực tiếp với nhà thầu, cắt bỏ các khâu trung gian. Có nghĩa rằng mình sẽ chiết khấu theo các mức để khuyến khích họ mua nhiều sản phẩm hơn. Với cách này sẽ không có chuyện phết phẩy ở dọc đường mà đem lại thẳng hiệu quả kinh doanh, lợi nhuận cho họ.
. Có lẽ ông cũng biết chất lượng cao dẫn đến giá cao nhưng đấu thầu tại VN có xu hướng lại chọn giá rẻ nhất?
+ Thật ra tôi hoàn toàn biết và hiểu câu chuyện đấu thầu chọn giá rẻ nên cách thức làm việc của chúng tôi sẽ không chờ đến lúc đấu thầu. Nếu chọn cách cầm sản phẩm chờ bán sẽ rất khó, vì không chỉ một mình trên thị trường.
Cũng như thế, chờ đến lúc đấu thầu mà chơi chiến lược giá thì chỉ có cách năn nỉ hãng hay sếp bớt giá một chút để có thể bán được. Câu chuyện này chỉ đem lại hệ quả cuộc đua xuống đáy.
Vậy cần tạo sự khác biệt, mà ở công ty chúng tôi là đầu tư vào đội ngũ con người. Đó là các kỹ sư, chuyên gia về ứng dụng có khả năng thuyết phục khách hàng sẽ đem lại lợi ích nào cho khách hàng. Chẳng hạn, một dự án thương mại có bài toán kỹ thuật với các buồng bơm cao 5 m rõ ràng chiếm khoảng không khá nhiều. Đây là lúc chúng tôi tiếp cận và đưa ra giải pháp với máy bơm cao 3 m. Như vậy, mỗi tầng kỹ thuật giảm đi 2 m. Với một tòa nhà cao hơn 40 tầng sẽ giúp dôi dư một tầng để bán thêm.
Đấy là lợi ích đem lại cho khách hàng mà khó lòng từ chối được, vì lúc đó giá bán máy bơm có chiết khấu 10%-15% cho họ sẽ không là cái gì so với lợi ích kinh tế bán thêm cả tầng nhà.
Ông Nguyễn Xuân Thắng: “Một khi làm bằng cái tâm và xem chất lượng sản phẩm là kim chỉ nam hoạt động thì nhân viên bán hàng đỡ mệt giới thiệu cho khách hàng”. Ảnh: PHƯƠNG MINH
Thành công hay không phụ thuộc vào cộng sự
. Ở vị trí tổng giám đốc, chắc chắn ông chịu nhiều áp lực về điều hành, cam kết kinh doanh với tập đoàn mẹ, ông hóa giải điều này ra sao?
+ Áp lực rõ ràng là lớn. Nhưng mình làm việc đâu phải một mình mà là cả một bộ máy hỗ trợ. Công việc của mình thành công hay không phụ thuộc vào nhóm cộng sự.
Nếu mọi người cảm thấy được tin tưởng, khuyến khích và có cơ hội phát triển, họ sẽ làm việc hết sức, công việc của mình sẽ trơn tru. Còn nếu chỉ nghĩ mỗi áp lực của riêng mình và tạo sức ép cho nhóm cộng sự thì họ lại căng cứng, không làm được việc và quay áp lực đó lại chính mình.
. Đâu là lý do khiến ông đến làm việc và ở lại lâu với công ty có truyền thống lịch sử lâu đời đến vậy?
+ Khi tôi đến gặp gỡ và nói chuyện với họ, sự cảm nhận đầu tiên và thu hút tôi chính là mình được trao cơ hội làm công việc lớn, có khả năng thăng tiến. Nhưng đây chỉ là một phần của vấn đề.
Vì đã trải qua công việc tại nhiều công ty nước ngoài khác nhau, tôi nhìn thấy được tại đây sự đầu tư cho con người khá tốt. Vì họ muốn ở lại kinh doanh lâu dài tại VN phải sử dụng người địa phương, những người luôn muốn làm điều gì đó tốt cho đất nước.
Họ đã thực hiện đúng như thế. Giám đốc đầu tiên tại VN là người Đan Mạch giữ vị trí này trong ba năm, sau đó do người Việt đảm nhận. Mọi bộ phận vốn trước đây do người nước ngoài đảm nhận giờ đây chuyển giao lại cho người VN.
Do đó, tôi nhận thấy mình phải có trách nhiệm giúp đỡ thế hệ sau, đưa anh chị em VN phát triển về mặt nghề nghiệp. Làm được điều này tôi thấy mãn nguyện hơn là đưa kinh doanh tăng trưởng như cam kết với tập đoàn mẹ.
Góp sức chống ngập lụt tại Việt Nam
. Được biết Grundfos có cả máy bơm chống ngập lụt, vậy ông đã xem xét đến việc giúp các TP một phần trong công tác này?
+ Chúng tôi đã đưa chiến lược tham gia vào mảng chống ngập lụt tại VN vì biết nhu cầu rất lớn. Nhưng việc đầu tiên cần phải làm là tìm một dự án cụ thể để làm, vì tại VN để thuyết phục được chủ đầu tư cần có dự án thực tế chứ không thể nói miệng chúng tôi là những chuyên gia, cái gì cũng làm được.
Thực tế chúng tôi đã có hệ thống bơm chống lũ lụt tại Vĩnh Phúc vào năm 2016. Lúc đó Vĩnh Phúc có cuộc đấu thầu về hệ thống bơm điều tiết lũ. Nhưng bài toán đặt ra rất ngặt nghèo và có cả công ty Mỹ tham gia. Tuy nhiên, chúng tôi thắng thầu vì đáp ứng được điều kiện hoàn thành dự án trong vòng sáu tháng.
Cụ thể, tập đoàn mẹ Đan Mạch đã hỗ trợ sản xuất và nhập về VN một máy bơm chống ngập “khủng”, tất cả chỉ mất ba tháng, lắp đặt hai tuần là chạy. Các cơ quan quản lý nhà nước đã nghiệm thu đạt tiêu chuẩn. Đây là trạm bơm rất lớn với khả năng tiêu thoát 12.000 m3/giờ.
. Hiện nay TP.HCM, Hà Nội, Đà Lạt và nhiều địa phương khác đang đau đầu vì chuyện ngập nước. Theo ông, máy bơm khủng có giải quyết được vấn đề này không?
+ Chúng tôi đang làm việc với nhiều tỉnh, thành về hệ thống bơm chống ngập lụt này, trong đó có TP.HCM. Tuy nhiên, việc giải quyết tình trạng ngập của TP.HCM đòi hỏi một bài toán tổng thể vì đã bê tông hóa quá nhiều, trong đó có cả những vùng đệm cho nước thoát về đó, nên máy bơm khủng chỉ là một phần trong giải pháp đó.
. Xin cám ơn ông.
Không để đồng tiền là mục tiêu tối thượng . Có thể thấy mọi mục tiêu của ông hướng đến đều là kinh doanh và xây dựng con người cho thật tốt và đối với ông, dường như kiếm tiền cho bản thân không phải là mục tiêu quan trọng? + Nếu tôi bảo tiền không quan trọng là không đúng, vì lúc đi làm ở mức đồng lương nhân viên bình thường bao giờ cũng thiếu so với nhu cầu xã hội. Tuy nhiên, nói thẳng thắn làm ở vị trí này tiền cũng không phải là thừa, nói chung là đủ. Nhưng biết thế nào là đủ và thế nào là nhiều thì rất khó có một mức so sánh.
Xã hội hiện nay, thể hiện mình giàu cũng là xu hướng (trend) rất phổ biến. Nhưng có lẽ đây không phải là con đường tôi chọn. Đúng là tiền mình rất cần nhưng không để đồng tiền là mục tiêu tối thượng trong cuộc sống. Với suy nghĩ như vậy, cuộc sống của mình mới cân bằng hơn so với việc chỉ tập trung vào làm thật nhiều tiền, vì lúc đó ảnh hưởng đến nhiều chuyện khác như sức khỏe, mối quan hệ gia đình,… Không có cái gì là không có sự trả giá cả đâu, quan trọng nhất là phải cố gắng cân bằng mọi thứ. |