Chiều muộn 9-3, phiên tòa xét xử 12 bị cáo trong vụ án liên quan đến sai phạm tại dự án Ethanol Phú Thọ của TAND TP Hà Nội tiếp tục làm việc.
Bị cáo Đinh La Thăng, cựu Chủ tịch HĐQT Tập đoàn dầu khí Việt Nam – PVN, được đưa trở lại phòng xét xử để tham gia phần thẩm vấn của đại diện VKS cùng luật sư, sau gần một ngày bị cách ly.
Mở đầu, cựu chủ tịch PVN đề nghị HĐXX cho mình tham gia vào quá trình tố tụng để có thể nắm được nội dung, khi hỏi sẽ trả lời đúng vào trọng tâm. Trước yêu cầu này, HĐXX giải thích việc cách ly bị cáo nhằm đảm bảo tính khách quan trong lời khai. “Bị cáo chỉ bị cách ly trong quá trình xét hỏi, còn phần tranh tụng sẽ được tham gia như bình thường” – HĐXX nhấn mạnh.
Bị cáo Đinh La Thăng tại tòa. Ảnh: TTXVN
Đi vào nội dung thẩm vấn, đại diện VKS hỏi ông Thăng “Vì sao chỉ đạo trong năm 2009, PVC tập trung hoàn thành tốt các nhiệm vụ tập đoàn giao, trong đó có dự án ethanol Phú Thọ?”.
Bị cáo trả lời rằng nội dung này được đưa ra trong cuộc họp nội bộ của PVN về kế hoạch sản xuất kinh doanh PVC năm 2009, không liên quan gì đến việc chỉ định thầu hay các việc khác tại dự án Ethanol Phú Thọ.
“Khi kết luận và giao nhiệm vụ kế hoạch hàng năm, trong đó gồm các công việc có sẵn và công việc sẽ đấu thầu và chỉ định thầu. Vì vậy, tôi mới có kết luận”, ông Thăng giải thích.
Tiếp đó, kiểm sát viên đề cập tới chủ trương chung của PVN về việc ưu tiên sử dụng các dịch vụ trong ngành dầu khí, vậy khi thực hiện có phải tuân thủ quy định pháp luật?
Đứng trước tòa, bị cáo Thăng khẳng định trước hết phải thực hiện theo quy định, nhưng đồng thời trong nền kinh tế thị trường, do sản lượng dầu khí của Việt Nam có hạn nên cần đẩy mạnh tăng trưởng doanh thu dịch vụ trong ngành dầu khí từ 10-15% hàng năm lên 20-25% vào năm 2015. Do đó, theo ông Thăng, PVN được phép chỉ định các đơn vị thành viên thực hiện các dự án mang tính chất đặc thù của ngành dầu khí.
“Tôi triển khai đúng chủ trương, không phải bằng chỉ đạo cá biệt của tôi mà bằng Nghị quyết của Ban chấp hành Đảng ủy Tập đoàn và Nghị quyết của HĐQT…”, ông Thăng khai.
Tiếp đó, trả lời các câu hỏi của luật sư, ông Thăng nhiều lần phản bác toàn bộ nội dung bản cáo trạng đối với cá nhân mình. Bị cáo nói bản cáo trạng “không phù hợp với tình hình thực tế và không đúng luật. Mục đích của PVN làm vì lợi ích của quốc gia, dân tộc và cho bản thân PVN; hoàn toàn không vì tập thể hay cá nhân nào”.
Cũng theo bị cáo, trong quy chế hoạt động, ban chỉ đạo chỉ đôn đốc về mặt tiến độ thực hiện chứ không làm thay chủ đầu tư (PVB). Thực tế, HĐQT PVN không có nghị quyết nào, chỉ đạo nào với chủ đầu tư và PVC.
“Tôi chỉ chỉ đạo với tư cách trưởng ban chỉ đạo, chỉ có nhiệm vụ đôn đốc về mặt tiến độ sớm hoàn thành”, ông Thăng lặp lại quan điểm như đã trả lời trong ngày xét xử đầu tiên.
Cựu chủ tịch PVN khẳng định PVN chỉ chỉ đạo được đối với dự án thông qua người đại diện vốn của PVN tại các đơn vị thành viên. Tại PVB, chỉ có 39% vốn của các đơn vị thành viên PVN, do đó PVN không có quyền quyết định đối với dự án mà quyền thuộc các cổ đông PVB.
“Ban chỉ đạo không làm thay chủ đầu tư, đây là nguyên tắc xuyên suốt”, ông Thăng nói, đồng thời nhắc lại quan điểm phản bác toàn bộ nội dung cáo trạng của VKS.