Trước hết cần phải nhận thức rằng với một người đã có tiền án về tội cướp giật tài sản, đang là đối tượng trong diện quản lý, theo dõi của cơ quan chức năng địa phương thì không thể tin được lời khai của bị can Nguyễn Trọng Trình mà phải tin vào lời khai của người bị hại dưới 16 tuổi.
Một người như Trình khi đã xâm phạm đến bé gái với những dấu vết trên thân thể nạn nhân thì khó có thể tin rằng Trình chỉ có hành vi dâm ô.
Trong trường hợp này, nạn nhân đã 10 tuổi thì lời khai của nạn nhân là đáng tin cậy. Mặt khác, cần phải đánh giá các tình tiết khác như: Tại sao Trình lại phải dụ dỗ bé VNQ lên xe, chở tới một vườn chuối nơi vắng người qua lại để thực hiện hành vi xâm hại tình dục bé Q.? Trong một hoàn cảnh như vậy, dù Trình chưa giao cấu được nạn nhân thì cũng đủ căn cứ xác định hành vi của Trình phạm tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi.
Công an TP Hà Nội cần lấy hồ sơ vụ này lên và ra quyết định thay đổi tội danh từ dâm ô người dưới 16 tuổi sang tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi, đồng thời bắt tạm giam ngay bị can Nguyễn Trọng Tình mới đúng pháp luật. Trong ảnh: Chân dung bị can Tình trích xuất qua camera nhà dân.
Có lẽ CQĐT cho rằng tội hiếp dâm là phải có việc “giao cấu” nên mới khẳng định Trình chỉ có hành vi dâm ô. Nhận thức như vậy là chưa thấy hết các tình tiết của vụ án, không chỉ sai về lý luận mà sai cả về thực tiễn. Với một bé gái mới 10 tuổi, có thể Trình chưa giao cấu được vì có sự chống cự quyết liệt của nạn nhân.
Nếu trước đây trường hợp không giao cấu được với nạn nhân pháp luật gọi là hiếp dâm chưa đạt thì BLHS 2015 đã sửa đổi, bổ sung quy định này. Ngoài hành vi giao cấu, người phạm tội hiếp dâm còn có hành vi “quan hệ tình dục khác” cũng là hành vi phạm tội hiếp dâm. Cứ cho rằng Trình mới dùng tay để thỏa mãn dục vọng của mình thì tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi đã hoàn thành mà không cần phải có hành vi giao cấu. Việc có tinh dịch hay không có tinh dịch trong âm hộ bé Q. cũng không làm thay đổi tính chất của hành vi hiếp dâm.
Thực tiễn đấu tranh phòng, chống loại tội phạm này từ trước đến nay chưa có trường hợp nào với hành vi xâm phạm tình dục như của Trình lại được coi là hành vi dâm ô cả! Tại sao CQĐT lại không nghĩ rằng kết quả khám của bệnh viện cho thấy bé Q. bị chảy máu ở cửa tử cung và âm đạo chính là dấu hiệu nhận biết khá rõ của tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi?!
Với các tình tiết của vụ án này thì việc CQĐT khởi tố Trình về tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi là sai về tội danh, không đúng tính chất và diễn biến của vụ án.
Ngoài ra, do nhận thức sai về việc xác định tội danh đối với Trình nên CQĐT chỉ áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú đối với người phạm tội, thay vì tạm giam bị can. Điều này đã gây nên bức xúc trong dư luận. Ngay cả trường hợp Trình phạm tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi thì với nhân thân và hành vi của Trình cũng không thể cho Trình được tại ngoại, dù biết rằng tội danh này là ít nghiêm trọng. Điều này cũng phù hợp với quy định tại điểm d khoản 2 Điều 119 BLTTHS 2015.
Thiết nghĩ CQĐT Công an TP Hà Nội cần nhanh chóng vào cuộc, lấy hồ sơ vụ án lên để quyết định thay đổi tội danh và áp dụng biện pháp tạm giam đối với Trình mới đúng người, đúng tội, đúng với lý luận và thực tiễn đấu tranh phòng, chống loại tội phạm này.