Chủ tọa tiếp tục đưa ra hàng loạt câu hỏi với cựu thiếu tướng Nguyễn Thanh Hóa.
Bị cáo Nguyễn Văn Dương và Nguyễn Thanh Hóa đối chất tại tòa.
Tôi đã làm sai!
. Quá trình C50 ký bản ghi nhớ với CNC có sự phân chia lợi nhuận không?
+ Sau khi ký bản ghi nhớ, tôi có báo cáo với anh Vĩnh, chúng tôi không có vốn góp, không có cử người, không có quyết định CNC là công ty bình phong của C50. Tôi không phê duyệt bất cứ báo cáo nào vì CNC không là gì của tôi cả. Bản ghi nhớ không có hiệu lực.
Ông Hóa khai tiếp, đến năm 2015 ra Quyết định 158 phủ quyết tất cả. Quyết định này tôi không có liên quan. Mồm có báo cáo nhưng về văn bản chúng tôi có sơ suất.
Cuối năm 2016, đầu năm 2017, Cục Hồ sơ nghiệp vụ nói còn Công ty CNC chưa đăng ký hồ sơ, họ nói chỉ còn thiếu báo cáo gửi anh Vĩnh. Vì vậy tôi ký văn bản gửi anh Vĩnh. Về mặt hành chính, tôi đã làm sai, làm muộn để hợp thức hóa hồ sơ.
. Sau khi ký bản ghi nhớ với Nguyễn Văn Dương, bị cáo có báo cáo với bị cáo Vĩnh không?
+ Có. Tôi có báo cáo sau hai, ba ngày.
. Bản ghi nhớ không có giá trị từ thời điểm nào?
+ Sau đó tôi có gọi điện thoại thông báo với anh Dương rằng C50 không tham gia nữa, do vậy không thay đổi đăng ký kinh doanh (thể hiện C50 góp 20% vốn). Anh Dương chấp nhận.
HĐXX yêu cầu Nguyễn Văn Dương lên đối chất.
Bị cáo Dương khai: “Tôi có nghe anh Hóa trình bày với HĐXX. Tôi tôn trọng lời trình bày của anh Hóa. Tôi không tiện nói đúng hay không đúng. Đề nghị HĐXX căn cứ vào hồ sơ vụ án”.
Ông Hóa khai tiếp từ năm 2012 đến khi ông nghỉ, có nhiều văn bản phòng tham mưu trình nhưng ông không có hồi âm.
. Vậy vì sao CNC thường xuyên gửi báo cáo cho C50?
+ Vì họ nghĩ họ là công ty bình phong của chúng tôi. Thực tế ai cũng có quyền gửi tin báo tố giác cho chúng tôi, không chỉ riêng CNC - bị cáo Hóa đáp.
Phủ nhận treo biển tên tại công ty
HĐXX cũng đề cập tới việc cho Công ty CNC thuê trụ sở tại số 10 Hồ Giám.
Bị cáo Hóa cho hay biết về việc này. Dương có gửi cho Cục một công văn. Trước đó, Cục Chính trị hậu cần cho biết sẽ cho C50 một tầng ở số 10 Hồ Giám để sử dụng.
Lúc đó trên danh nghĩa, Dương là một công ty bình thường ngoài xã hội, bị cáo đã yêu cầu cấp dưới phối hợp với C43 thực hiện đúng yêu cầu của pháp luật. Sau đó về thủ tục, bị cáo phải ký văn bản dưới danh nghĩa của Cục đề xuất xin một tầng, là nơi gặp gỡ giữa các hacker.
Ông Hóa trình bày thêm, do tham khảo tiền lệ ở cục khác nên ông đã báo cáo ông Vĩnh về việc công nhận CNC làm công ty bình phong. Công ty CNC hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, chịu mọi trách nhiệm trước pháp luật. CNC chỉ hóa trang nghiệp vụ khi cần thiết, chỉ sử dụng Dương khi cần. C50 không bao giờ có hướng dẫn Dương điều tra tội phạm. Nhiều người nghĩ đây là công ty bình phong nhưng không là gì cả, chỉ là phục vụ cho công an.
. Bị cáo Dương khai có thời điểm treo biển bị cáo ở số 10 Hồ Giám có đúng không? - chủ tọa hỏi.
+ Tôi không biết về việc này. Thời gian đó tôi mới là đại tá, chưa lên thiếu tướng. Tôi chỉ qua Hồ Giám một, hai lần để demo một số thiết bị kỹ thuật mới.
Chủ tọa tiếp tục hỏi về việc một căn phòng tại đây có treo biển tên của ông Nguyễn Thanh Hóa. Để làm rõ vấn đề này, HĐXX đã yêu cầu Nguyễn Văn Dương lên đối chất.
Khi được đối chất, bị cáo Nguyễn Văn Dương khai: “Khi cơ quan điều tra hỏi có việc treo biển hay không? Khi tôi bị bắt tạm giam, tôi nghĩ cơ quan điều tra đã xác minh được nội dung đó từ cán bộ của tôi nên tôi có xác nhận. Sau khoảng một tháng, anh Hóa yêu cầu tháo dỡ xuống để bảo đảm bí mật”.
Chủ tọa hỏi ý kiến ông Hóa về lời khai trên, ông Hóa đáp: “Đó là căn hộ nhỏ, tôi chả có lý do gì ra đó làm việc, phải treo biển để giải quyết khâu oai. Tôi hoàn toàn không biết về việc treo biển này. Lời khai của tôi từ khi bị bắt đến bây giờ không thay đổi”.