Ông Nguyễn Đức Chung lý giải lý do dừng thầu

(PLO)- Tại tòa, cựu chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung giữ nguyên kháng cáo kêu oan, phủ nhận lời khai của thuộc cấp về lý do dừng thầu.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 11-7, TAND Cấp cao tại Hà Nội mở phiên phúc thẩm vụ vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Sở KH&ĐT TP Hà Nội và một số đơn vị liên quan.

Phiên tòa được mở do ông Nguyễn Đức Chung (cựu chủ tịch UBND TP Hà Nội), bà Phạm Thị Thu Hường (cựu chánh văn phòng Sở KH&ĐT) và bà Phạm Thị Kim Tuyến (cựu trưởng Phòng đăng ký kinh doanh Sở KH&ĐT) kháng cáo.

Đây là vụ án thứ ba ông Chung hầu tòa. Trước đó, ông đã bị tuyên hai bản án có hiệu lực pháp luật, gồm năm năm tù vụ chiếm đoạt tài liệu mật và năm năm tù vụ mua chế phẩm Redoxy-3C.

Cựu chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung tại tòa ngày 11-7. Ảnh: UYÊN TRANG

Cựu chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung tại tòa ngày 11-7. Ảnh: UYÊN TRANG

Dừng thầu theo chỉ đạo của cấp trên

Tháng 12-2021, TAND TP Hà Nội tuyên phạt bị cáo Hường 42 tháng tù, Tuyến bốn năm sáu tháng tù cùng về tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng. Ông Chung bị phạt ba năm tù về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Theo cơ quan tố tụng, hành vi của các bị cáo đã làm sai lệch kết quả lựa chọn nhà thầu, dẫn đến hiệu quả, mục đích, yêu cầu gói thầu không đạt được (chỉ có 45% tài liệu, hồ sơ được đẩy lên hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp (DN)), gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 26 tỉ đồng.

Tại tòa, bị cáo Tuyến cho biết gói thầu số hóa dữ liệu đăng ký DN năm 2016 do Sở KH&ĐT làm chủ đầu tư. Trước khi mở thầu, có sáu DN mua hồ sơ tham gia, không bao gồm Công ty Nhật Cường. Tuy nhiên, khi còn khoảng 1 tiếng sẽ mở thầu, ông Nguyễn Văn Tứ (cựu giám đốc Sở KH&ĐT) bất ngờ thông báo dừng gói thầu, nói đây là chỉ đạo từ chủ tịch UBND TP Hà Nội.

Bị cáo cho rằng đã cố gắng thực hiện công việc trong phạm vi trách nhiệm nhưng vì công nghệ và đấu thầu không phải lĩnh vực chuyên môn nên đã xảy ra sai phạm với lỗi vô ý. “Bị cáo không hề biết hành động của mình sẽ gây hậu quả lớn như vậy. Thực tế trong đợt dịch COVID-19 vừa qua, các hoạt động liên quan đăng ký thông tin DN của Hà Nội đã được thực hiện online, đó là thành quả có tiền đề từ những công việc bị cáo và đồng nghiệp đã thực hiện được” - bị cáo nói.

Về phía mình, bị cáo Hường cũng khai trước khi mở thầu thì giám đốc Sở KH&ĐT bất ngờ gọi bà đến họp, yêu cầu dừng gói thầu theo chỉ đạo của chủ tịch UBND TP Hà Nội. Khi được hỏi dừng thầu có đúng quy định không, nữ bị cáo cho rằng không có quy định rõ về việc này nên nhóm cán bộ của Sở KH&ĐT đã vận dụng những quy định khác, đồng thời gửi thông báo cho các DN về việc dừng thầu.

Bị cáo cũng nói đã nhận thức được trách nhiệm trong vụ án nhưng cho rằng bản thân chỉ làm theo chỉ đạo của cấp trên, không được hưởng lợi gì. Do đó, bị cáo rất băn khoăn khi phải bồi thường một phần số tiền thiệt hại do Công ty Nhật Cường gây ra.

Phủ nhận lời khai của thuộc cấp

Tại tòa, bị cáo Chung giữ nguyên nội dung kháng cáo kêu oan. Bị cáo cho hay sau khi nhận bản án sơ thẩm và nghiên cứu, ông đã có bản giải trình dài gần 60 trang để gửi tòa cấp phúc thẩm. Ngoài ra, các luật sư cũng thu thập thêm nhiều tài liệu chứng minh, gỡ tội cho mình.

Hành vi của các bị cáo đã làm sai lệch kết quả lựa chọn nhà thầu, dẫn đến hiệu quả, mục đích, yêu cầu gói thầu không đạt được, gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 26 tỉ đồng.

Theo ông Chung, đối chiếu với lời khai của ông Tứ, bị cáo thấy “lệch duy nhất một điều”, đó là lý do dừng thầu. “Anh Tứ nói anh ấy dừng thầu do tôi đề nghị đưa vào công nghệ scan mới ưu việt hơn của Nga. Tôi khẳng định lúc đó chưa hề biết hay đề cập đến công nghệ này, mà phải hai tháng sau, tôi mới biết và đề cập. Anh Tứ khai như vậy tôi không chấp nhận” - ông Chung nói.

Nêu lý do việc đình chỉ thầu, ông Chung khai nguyên nhân chính là do hồ sơ mời thầu của Sở KH&ĐT chưa đạt yêu cầu. Ngay từ cuối năm 2015, ông đã yêu cầu tất cả quận, huyện, sở, ngành dừng các dự án về công nghệ thông tin để rà soát, xây dựng hệ thống dùng chung cho toàn TP.

Tháng 2-2016, UBND TP Hà Nội giao nhiệm vụ cụ thể cho Sở KH&ĐT về việc bổ sung hai nội dung vào kế hoạch đấu thầu và hồ sơ mời thầu gói thầu số hóa. Thứ nhất là phải tích hợp toàn bộ kết quả số hóa hồ sơ đăng ký DN vào phần mềm quản lý DN và hộ kinh doanh cá thể. Thứ hai là toàn bộ dữ liệu này phải được lưu trữ tại cơ sở dữ liệu chung của TP.

Tuy nhiên, đến thời điểm chiều 15-5-2016, khi ông Chung gọi điện thoại cho ông Tứ để kiểm tra thì được biết Sở KH&ĐT vẫn chưa bổ sung nội dung trên vào hồ sơ mời thầu. “Đây chính là nguyên nhân quan trọng số 1 để tôi làm căn cứ yêu cầu ông Tứ phải thực hiện đình chỉ mời thầu” - ông Chung nói.

Cựu chủ tịch UBND TP Hà Nội cho rằng toàn bộ nội dung chỉ đạo của mình về công nghệ thông tin xuyên suốt từ năm 2015 đến 2020, nếu có vi phạm thì đều bám vào chương trình phát triển chung cho TP đã được phê duyệt, không hề có yếu tố cá nhân nào, kể cả ông hay bất cứ ai. Do đó, ông mong muốn “được xem xét khách quan, đúng pháp luật, bình đẳng như bất cứ một công dân nào khác”.

Cáo buộc “ưu ái” cho Nhật Cường

Theo hồ sơ, gói thầu số hóa dữ liệu đăng ký DN do Sở KH&ĐT TP Hà Nội làm chủ đầu tư. Dù vậy, từ đề xuất của Bùi Quang Huy (tổng giám đốc Công ty Nhật Cường), ông Nguyễn Đức Chung đã chỉ đạo cấp dưới tại Sở KH&ĐT dừng thầu trái quy định.

Ông Chung còn yêu cầu Sở KH&ĐT lựa chọn công nghệ số hóa cơ sở dữ liệu DN để đảm bảo tích hợp với hệ thống dùng chung của TP, trong khi Hà Nội chưa có hệ thống cơ sở dữ liệu dùng chung.

Các bị cáo tại Sở KH&ĐT TP Hà Nội tiếp nhận chỉ đạo này và thực hiện can thiệp bất hợp pháp vào hoạt động đấu thầu bằng việc sửa đổi hồ sơ mời thầu, tạo lợi thế cho liên danh Đông Kinh - Nhật Cường trúng thầu.

Về phía mình, các bị cáo tại Công ty Đông Kinh cùng với Công ty Nhật Cường thiết lập “quân xanh” để thông thầu, sau khi trúng thầu lại chuyển nhượng trái phép cho nhau để hưởng lợi.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm