Ông Nguyễn Thành Vinh lại sao chép, đổi tên tác phẩm điêu khắc

Ngày 26-11, trao đổi với PLO, nhà điêu khắc Vương Hữu Tư (ngụ TP.HCM) nói ông rất bức xúc việc tác phẩm “Đồng đội” của ông bị ông Nguyễn Thành Vinh, giảng viên Đại học Phú Yên, tùy tiện sao chép, đổi tên thành “Mẫu tử”, đặt tại công viên ven biển TP Tuy Hòa (Phú Yên).

Nhà điêu khắc Vương Hữu Tư bên tác phẩm "Đồng đội" của ông tại Bảo tàng Thành cổ Quảng Trị. Ảnh do ông Tư cung cấp. 

Theo ông Vương Hữu Tư, tác phẩm “Đồng đội” được ông sáng tác tại trại sáng tác điêu khắc “Thành cổ Quảng Trị - Bất tử và hồi sinh” do UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức hồi tháng 7-2016. “Đồng đội” là một trong bốn tác phẩm được đánh giá xuất sắc nhất tại trại sáng tác này, được UBND tỉnh Quảng Trị mua bản quyền và hiện đặt tại Bảo tàng Thành cổ Quảng Trị.

Ông Tư kể: năm 2019, ông Vinh có gọi điện xin ông Tư cho sao chép tác phẩm “Đồng đội”. Ông Vinh trả lời tác phẩm này do UBND tỉnh Quảng Trị giữ bản quyền, muốn sao chép thì phải được sự cho phép của UBND tỉnh Quảng Trị và phải để tên tác giả, tác phẩm.

“Sau đó tôi không để ý Vinh có sao chép hay không. Mới đây qua báo chí tôi mới biết Vinh đã tùy tiện sao chép, đổi tên tác tác của tôi để trở thành tác phẩm của Vinh. Tác phẩm “Đồng đội” của tôi thể hiện hình tượng ba chiến sĩ đại diện cho ba miền Bắc- Trung- Nam đã chiến đấu, anh dũng hy sinh tại thành cổ Quảng Trị. Một tác phẩm có ý nghĩa về mặt chính trị như vậy nhưng Vinh đã tự tiện đổi tên thành “Mẫu tử”- ông Tư chia sẻ.

Tác phẩm "Đồng đội" bị ông Nguyễn Thành Vinh sao chép, đổi tên thành "Mẫu tử" đặt tại công viên ven biển TP Tuy Hòa. Ảnh: TẤN LỘC

Cũng theo nhà điêu khắc Vương Hữu Tư, ông Vinh đã sao chép quá xấu, làm hỏng tác phẩm “Đồng đội” của ông Tư. “Tôi có thể kiện Vinh việc tự tiện đổi tên tác phẩm, tác giả của tôi. Đây là tác phẩm có ý nghĩa về mặt chính trị, anh không thể làm bậy như vậy! Tôi yêu cầu phải sao chép cho đúng, đẹp, để nguyên tác giả, tác phẩm và điều quan trọng là phải được sự cho phép của UBND tỉnh Quảng Trị. Tác phẩm của ai anh phải trả về cho họ!”- ông Tư nói.

Giải thích sự việc trên, ông Nguyễn Thành Vinh nói năm 2019 ông gọi điện xin phác thảo tác phẩm “Mẫu tử” của ông Tư. “Năm 2015, tôi có đi dự trại sáng tác với anh Tư nên thấy phác thảo tác phẩm “Mẫu tử” của anh Tư. Sau đó, tôi xin phác thảo này rồi tạc chứ tôi không biết anh Tư có tác phẩm “Đồng đội” sáng tác và đặt ở Quảng Trị”. Ông Vinh vẫn nói rằng đây chỉ là tiểu cảnh nên ông không ghi tên tác phẩm, tác giả khi đặt ở công viên ven biển TP Tuy Hòa.

Trong khi đó, ông Vương Hữu Tư nói ông Vinh xin sao chép tượng “Đồng đội” chứ không phải xin phác thảo. Khi đó, ông Tư đã nói rõ là tác phẩm này do UBND tỉnh Quảng Trị giữ bản quyền.

“Tôi không đồng ý việc Vinh nói đây không phải là tác phẩm nghệ thuật nên không ghi tên tác phẩm, tác giả. Nói vậy là sai! Vì đây là những tác phẩm có tác giả, có bản quyền! Anh tùy tiện sao chép, đổi tên, làm cho tác phẩm không giống nữa rồi giải thích vậy là không thể chấp nhận”- ông Tư nói.

Nhà điêu khắc Lê Huy Hạnh từ chối gặp ông Vinh?

Theo ông Nguyễn Thành Vinh, ông vừa ra Đà Nẵng tìm nhà điêu khắc Lê Huy Hạnh để xin lỗi nhưng ông Hạnh không chịu gặp. “Tôi điện cả ngày nhưng anh Hạnh không nghe máy, nhắn tin ảnh cũng không trả lời. Tôi nhờ người mời anh Hạnh đến gặp nhưng khi thấy tôi anh Hạnh bỏ về”-ông Vinh nói. 

Như PLO đã phản ánh, ông Nguyễn Thành Vinh đã sao chép tác phẩm điêu khắc “Tình biển” của nhà điêu khắc Lê Huy Hạnh rồi đặt tại công viên ven biển TP Tuy Hòa. Ông Nguyễn Thành Vinh còn tự gắn tên mình là tác giả của tác phẩm trên để làm dày thành tích trên hồ sơ đề nghị xét giải thưởng Văn học nghệ thuật tỉnh Phú Yên 2015-2020.

Trong khi đó, tác phẩm “Tình biển” do nhà điêu khắc Lê Huy Hạnh sáng tác tại trại điêu khắc quốc tế TP.HCM năm 2015, đã được UBND TP.HCM mua bản quyền. Ông Hạnh nói ông Vinh đã tùy tiện sao chép tác phẩm trên khi chưa được phép. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm