Với nhà thơ Giang Nam, người ta hay nghĩ đến bài thơ Quê hương nổi tiếng “Thưở còn thơ ngày hai buổi đến trường/ Yêu quê hương qua từng trang sách nhỏ” và chính bài thơ này đã đưa Giang Nam lên đỉnh cao của nền thơ cách mạng thời kháng chiến chống Mỹ… Mùa thu này ông tròn 88 tuổi mà tâm hồn vẫn xanh biếc niềm lạc quan cuộc sống bởi trong cuộc đời mình ông gặp rất nhiều điều may mắn.
Ở tuổi 88, ông nhà thơ vẫn còn rất minh mẫn, chăm chỉ ... làm thơ
Giang Nam quê xã Ninh Bình, huyện Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa. Cái tên xã Ninh Bình, dòng sông Dinh êm đềm của đất Ninh Hòa, Khánh Hòa đã vận vào tính cách của Giang Nam đó là hiền lành, giản dị và nhân hậu. Khi còn tuổi thiếu niên, Nguyễn Sung (tên thật của nhà thơ) rất nhút nhát, nhiều buổi chiều đi học về nếu không có người nhà ra đón cậu đã gần như khóc, chạy vùn vụt qua cánh đồng vắng vì sợ ma!
Thấy con có khả năng học nên người cha vốn rất mê chữ nghĩa đã gửi ra Quy Nhơn cho học Thành Chung ở trường Quốc Học để mong nên người. Chính nơi đây, được mệnh danh là miền “đất võ trời văn”, đã khơi gợi niềm yêu thích văn chương cho Nguyễn Sung vì có đàn anh là những nhà thơ nổi tiếng như Xuân Diệu, Yến Lan, Chế Lan Viên … đang học ở lớp trên. Trong số đó, Hồ Zếnh là người Nguyễn Sung thích nhất vì những bài thơ của nhà thơ mang dòng máu Trung Hoa thấm đẫm chất buồn man mác miền sông nước Giang Nam, nơi có những bài thơ nổi tiếng của Thôi Hiệu, Đỗ Phủ, Lý Bạch… Vì thế sau này khi phải chọn một bút danh cho nghiệp thơ của mình, Nguyễn Sung đã không ngần ngại lấy bút danh Giang Nam cho mình - lấy ý từ bài thơ Khúc Linh Cầu: “Tô Châu lớp lớp phủ kiều/ Trăng đêm Dương Tử mây chiều Giang Nam”.
Đang học thì Nhật đảo chính Pháp và khởi nghĩa Tháng tám nổ ra, Nguyễn Sung quyết định bỏ học về quê nhà, ít lâu sau theo anh trai lên chiến khu Đá Bàn làm cách mạng.
Giang Nam kể rằng dù ông rất mê văn thơ nhưng do sự học dang dở nên ngày đầu ở chiến khu ông rất chịu khó học tập các lớp đàn anh dạy viết văn, viết báo và làm thơ. Giang Nam viết gần như là cuộc sống hiện thực của mình. Giai đoạn đầu khi tham gia làm báo ông viết một số truyện ngắn được đăng trên báo chí công khai từ năm 1955- 1960 trong đó nổi tiếng là truyện ngắn Vở kịch cô giáo nội dung nói về các em học sinh bị quan lại địa phương bắt đón tiếp Ngô Đình Diệm rất vất vả, đắng cay, chua chát. Đây là một truyện phản ánh hiện thực thời kỳ miền Nam sau năm 1954 rất sinh động.
Nhà thơ Giang Nam và vợ
Bài thơ Quê Hương là điển hình cho sự nghiệp sáng tác của ông. Mặc dù xuất phát từ tình cảm cá nhân từ việc nghe tin vợ và con gái bị giặc giết hại ở Phú Lợi Sông Bé nhưng khi thể hiện thì Giang Nam lại rất sáng tạo có chất bay bổng theo đúng nghĩa của thi ca. Chỉ trong khoảng mấy tiếng đồng hồ của đêm thương đau nơi núi rừng chiến khu Hòn Dù mà Giang Nam đã rút hết ruột gan để sáng tác nên bài thơ.
Trước tiên nhà thơ đã trích đoạn thơ “Ai bảo chăn trâu là khổ” trong sách giáo khoa đồng ấu của mình đã học, rồi kể một tuổi thơ lãng mạn với nhân vật “cô gái nhà bên”, tiếp tới phát triển lên đỉnh cao cho tới khi kết thúc thật bi tráng và đau thương tới tột cùng. Có lẽ so với hai bài hao hao chủ đề về người phụ nữ bị mất trong thơ ca kháng chiến chống Pháp: Màu tím hoa sim của Hữu Loan và Núi Đôi của Vũ Cao thì Giang Nam đời hơn, mãnh liệt hơn nhiều:“Giặc bắn em rồi, quăng mất xác/ Chỉ vì em là du kích em ơi!” Hay: “Nay yêu quê hương vì trong từng nắm đất/ Có một phần xương thịt của em tôi.”
Cuộc đời cách mạng và thơ của Giang Nam phải nhắc tới một người ai cũng biết: bà Phạm Thị Triều- người vợ tần tảo thủy chung nhưng cũng chịu nhiều thiệt thòi nhất của nhà thơ.
Vì là vợ nhà cách mạng lại là cán bộ, bà Triều cùng con gái duy nhất của họ phải chịu gian khổ, tù đày nhiều lần. Lấy nhau từ năm 1954 mà mãi tới đầu thập niên 1990 mới thực sự đoàn tụ. Họ chỉ có với nhau một người con gái duy nhất. Chính vì có giai đoạn được tin bà và con mất đã làm cho Giang Nam đau đớn tột cùng làm bài thơ Quê Hương để tặng vợ. Nhưng nội dung trong bài thơ thực tế không phải là bà Triều, đó chỉ là cái cớ để nhà thơ tạo chuyện. Vì bà Triều vốn ở Cửa Bé, Nha Trang lên chiến khu Đá Bàn, Ninh Hòa gặp Giang Nam và kết hôn năm 1954. Nên không thể là “cô hàng xóm” được. Tuy nhiên nhiều người vẫn cứ nghĩ nhân vật nữ trong bài thơ là vợ nhà thơ. Nhưng không sao, vì hình ảnh nhân vật chính là người vợ của Giang Nam đã được hóa thân thành bất tử.
Nhiều người tới căn nhà biệt thự to đẹp của Giang Nam số 46 Yersin, Nha Trang cứ nghĩ đó là nhà tiêu chuẩn được cấp của nhà thơ. Nhưng không phải, đó chính là do vợ ông tần tảo dành dụm mua sau ngày giải phóng. Ngay cả việc khi ông làm quan to (Phó Chủ tịch tỉnh Khánh Hòa) hay một nhà thơ lớn của đất nước, là gia bảo của nền văn hóa Khánh Hòa thì bà Triều vẫn thản nhiên bên những chum mắm to ở góc sân để muối những giọt nước mắm ngon bán cho mọi người vì bà vốn xuất thân từ làng mắm ở Cửa Bé Vĩnh Trường Nha Trang.
Trước cổng của căn nhà có tấm bảng nhỏ ghi: Nơi đây bán mắm ngon nên có thể khách gõ cổng là bạn của nhà thơ cũng có thể là người mua mắm của bà. Giang Nam cười hiền đùa: “Nhờ bà ấy bán mắm mà được nhà cho tôi ở và nuôi con đấy!” Đó là sự may mắn lớn nhất của đời ông vì vợ con đã làm cho bài thơ và cuộc đời ông như một cổ tích có hậu.
Rồi thêm một sự may mắn nữa, khi ông 75 tuổi thì lên bàn mổ tim. Nhiều bác sỹ ái ngại vì rất khó tiên liệu nhưng ông khẳng định: “Nhà thơ không bao giờ chết trên bàn mổ mà có chết sẽ chết trên Quê Hương”. Các bác sĩ phì cười, và quả thực đúng như lời Giang Nam, trải qua hơn 10 tiếng trên bàn mổ nhà thơ khỏe mạnh, chỉ có điều hơi tiếc một chút là ông không được dự Đại hội Hội Nhà Văn lần đó!
Bây giờ bước sang tuổi 88 nhưng nhà thơ vẫn đi xe máy ngon lành, dự hội họp đầy đủ, tai thính - mắt tinh và trái tim vẫn rộn rã xao động để làm thơ. Chỉ có một điều hơi chút buồn, cách đây 2 năm “Cô gái nhà bên” đã chia tay ông đi trước. Bây giờ từ trong căn phòng bức hình người phụ nữ thân yêu ấy vẫn như nhìn ra không gian thơ của ông phía trước và giống thưở xưa “Cười khúc khích” động viên ông làm việc và yêu đời.
Giang Nam đoàn tụ với vợ Phạm Thị Triềuvà con gái ở Củ Chi năm 1973 sau khi bà được ra tù, trao trả theo Hiệp định Paris . Ảnh: tư liệu Ông kể rằng sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, ông xin ở lại Sài Gòn để làm việc vì hơn ai hết, ông thấu hiểu các văn nghệ sỹ miền Nam để ứng xử với họ thấu tình đạt lý nhưng rất tiếc ít lâu sau ông được điều động ra Hà Nội đảm nhiệm những chức vụ quan trọng như Thường Trực Hội Nhà Văn, Tổng Biên Tập báo Văn Nghệ. … Rồi những năm tháng về quê hương đảm nhiệm vai trò đại biểu Quốc hội, Phó Chủ tịch tỉnh Khánh Hòa, ông thực sự là cán bộ mẫu mực, có trước có sau. Tôi vẫn nhớ những năm tháng ông Phó Chủ tịch Giang Nam xông xáo trên chiếc Lada nhỏ bé tham gia công việc to lớn của thời điểm tái lập tỉnh đầu thập niên 1990. |