Ông Trần Phương Bình tiếp tục bị đề nghị thêm 20 năm tù

(PLO)- Đang phải thi hành bản án chung thân, cựu tổng giám đốc DAB Trần Phương Bình tiếp tục bị VKS đề nghị phạt 20 năm tù.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 15-3, TAND TP.HCM tiếp tục xét xử vụ án vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng đối với ông Trần Phương Bình (cựu tổng giám đốc Ngân hàng (NH) Đông Á - DAB), Phùng Ngọc Khánh (chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc Công ty cổ phần M&C) cùng sáu đồng phạm.

Phiên toà tiếp tục với phần luận tội của đại diện VKSND TP.HCM. Theo đó, đại diện VKS cho biết cáo trạng truy tố hành vi của các bị cáo là đúng người, đúng tội.

Từ đó, VKS đề nghị HĐXX tuyên phạt Trần Phương Bình 20 năm tù, Phùng Ngọc Khánh 18-19 năm tù. Sáu bị cáo còn lại là nhân viên, cán bộ ngân hàng DAB bị đề nghị mức án từ 2-12 năm tù.

Đại diện VKSND TP.HCM đã đề nghị HĐXX tuyên bị cáo Trần Phương Bình 20 năm tù, tổng hợp hình phạt chung là chung thân. Ảnh: HỮU ĐĂNG

Đại diện VKSND TP.HCM đã đề nghị HĐXX tuyên bị cáo Trần Phương Bình 20 năm tù, tổng hợp hình phạt chung là chung thân. Ảnh: HỮU ĐĂNG

Đáng chú ý về trách nhiệm dân sự, VKSND đề nghị HĐXX tuyên buộc bị cáo Phùng Ngọc Khánh phải bồi thường toàn bộ thiệt hại cho DAB là hơn 5.500 tỉ đồng vì bị cáo là người nhận và sử dụng toàn bộ số tiền DAB đã giải ngân.

Trước đó, tại kết luận điều tra, cơ quan điều tra đã nhận định và đề nghị buộc ông Bình phải chịu trách nhiệm về toàn bộ số tiền 5.500 tỉ đồng do hành vi phạm tội của bị can và đồng phạm gây ra.

Bào chữa cho bị cáo Bình, luật sư cho biết trong vụ án này, quá trình tố tụng từ giai đoạn khởi tố, điều tra, truy tố đến nay là quá dài, kéo theo số tiền lãi cho các khoản vay lên đến hơn 3.600 tỉ đồng. Từ đó, bị cáo buộc gây thiệt hại cho DAB hơn 5.500 tỉ đồng là rất bất lợi cho các bị cáo và không phù hợp với thiệt hại thực tế xảy ra.

Theo luật sư, trong bối cảnh Công ty M&C và nhóm năm công ty có lịch sử quan hệ tín dụng thân thiết với DAB. Cạnh đó, tại thời điểm xảy ra vụ án có bối cảnh kinh tế khủng hoảng, lãi suất cao, thị trường đầu ra hạn hẹp, hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp bị giảm sút nên dẫn đến trả nợ không đúng hạn. Trong bối cảnh đó, đặt ông Trần Phương Bình và ban điều hành DAB phải giải quyết các vấn đề tài chính và hỗ trợ, giúp đỡ cho các doanh nghiệp trong đó có Công ty M&C và nhóm năm công ty.

LS của ông Bình cũng cho rằng việc cơ quan điều tra tách vụ đại án DAB ở giai đoạn 1 thành vụ án này đã gây rất bất lợi cho các bị cáo. Bởi lẽ, trong diễn biến hành vi phạm tội của bị cáo Bình và một số bị cáo khác ở vụ án này đều có chung một dấu hiệu tội phạm trong cùng khoảng thời gian xem xét trách nhiệm giống như ở giai đoạn 1 nhưng khi tách ra để xét xử riêng thì số phận pháp lý của các bị cáo bị ảnh hưởng.

Cụ thể là dẫn đến tình trạng án chồng án. “Nếu như các hành vi này được xét xử chung với vụ án ở giai đoạn 1 thì mức án của các bị cáo sẽ nhẹ hơn so với việc xét xử ở hai vụ án độc lập” - LS phân tích.

Ngoài ra, LS cũng đề nghị HĐXX xem xét lại cách xác định và đánh giá thiệt hại trong vụ án này vì đối với những vụ án liên quan đến hành vi vi phạm quy định về cho vay thì thiệt hại là khoản chênh lệch giữa dư nợ gốc và lãi phát sinh vào thời điểm xảy ra sai phạm trừ đi giá trị tài sản đảm bảo và phong tỏa, kê biên mới được coi là hợp lý.

Từ đó, luật sư đề nghị HĐXX cân đối các khoản nợ gốc và lãi tính đến thời điểm xảy ra sai phạm với trị giá các tài sản đã được định giá và thu hồi, từ đó đối trừ để xác định hậu quả thiệt hại và phân định trách nhiệm dân sự phù hợp với mức độ hành vi sai phạm của ông Trần Phương Bình và các đồng phạm.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm