Sáng 12-12, ĐBQH Trương Quang Nghĩa (Bí thư Thành ủy Đà Nẵng) cùng đoàn ĐBQH TP Đà Nẵng có buổi tiếp xúc cử tri quận Sơn Trà sau kỳ họp thứ tư Quốc hội khóa XIV.
Có “lợi ích” trong BOT
Tại buổi tiếp xúc, cử tri Nguyễn Mậu Dự (phường An Hải Đông) đề nghị Quốc hội cho thanh tra, kiểm tra toàn bộ các dự án BOT và trả lời có hay không có lợi ích nhóm?
Trả lời việc này, ông Trương Quang Nghĩa cho hay hai tháng sau khi ông nhậm chức bộ trưởng GTVT, ông đã tổ chức hội nghị tổng kết, đánh giá hiệu quả đầu tư các dự án BOT giao thông.
Cử tri Nguyễn Mậu Dự (phường An Hải Đông) đặt các câu hỏi về lợi ích nhóm trong BOT. Ảnh: TẤN VIỆT.
“Chủ trương BOT là đúng bởi nguồn lực Nhà nước hạn chế mà nguồn lực xã hội còn nhiều. Sau tổng kết, chúng tôi nhận định là chưa đạt được việc huy động nguồn lực xã hội mà là huy động tiền ngân hàng. Các dự án BOT đều vay ngân hàng nên rủi ro tài chính rất lớn. Sau đó, Bộ GTVT quyết định tạm dừng hết và đề ra tiêu chí chỉ làm dự án mới, không làm dự án người dân đang đi”, ông Nghĩa nói.
Cũng theo ông Nghĩa, Chính phủ đang tập trung đề xuất hướng giải quyết các dự án BOT. Vẫn tiếp tục làm nhưng không thể làm như thời gian vừa rồi. Dự án BOT giao thông nở rộ từ bức xúc của một số địa phương và Bộ GTVT, trong đó có cả tính phong trào. Có cả lợi ích ở đấy nữa.
Hiện, các cơ quan như: Thanh tra Chính phủ, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đều đang xắn tay vào làm. Suy cho cùng, chịu trách nhiệm chính là Bộ GTVT dù một dự án BOT có đến sáu Bộ cùng thông qua.
Bức xúc về tham nhũng
Trong khi đó, cử tri Nguyễn Thị Thanh Hương (phường Nại Hiên Đông) cho hay với lý do khắc phục sai phạm đất đai 3.400 tỉ đồng theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, Đà Nẵng đã dùng nhiều biện pháp hành chính để ngăn chặn các quyền sử dụng đất hợp pháp của người dân, doanh nghiệp. Đây đều là những quyền cơ bản của người sử dụng đất theo Điều 188 Luật đất đai 2013.
Cử tri Hương đề nghị ông Trương Quang Nghĩa và các lãnh đạo TP nghiêm túc cân nhắc cái được, cái mất trong việc này.
“Khi cần kêu gọi đầu tư thì chính quyền TP tùy tiện đưa ra các chính sách ưu đãi. Đến lúc bị thổi còi vì vi phạm luật phải sửa sai thì chính quyền TP lại tùy tiện dùng sức mạnh quyền lực trong tay để buộc các nhà đầu tư phải chịu thiệt hại...”, cử tri Hương nói.
Về lĩnh vực chống tham nhũng, cử tri Lê Thọ Truyền (phường An Hải Đông) cho rằng phải quản lý cho được tài sản, đặc biệt là tài sản bất minh của cán bộ lãnh đạo. Việc chống lãng phí đề ra nhiều phương pháp nhưng chưa hiệu quả. Có 60.000 tỉ đồng trên các công trình không hiệu quả hoặc chưa phát huy hiệu quả. Điều này, các bộ, ngành phải chịu trách nhiệm. Ai phê duyệt dự án không hiệu quả thì người đó phải chịu trách nhiệm.
Cử tri Lê Chí Bảy băn khoăn về công tác phòng, chống tham nhũng. Ảnh: TẤN VIỆT.
Cử tri Lê Chí Bảy lại cho rằng công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng chưa như mong đợi. Trường hợp ông Phạm Sỹ Quý xử phạt 507 triệu đồng và cho tồn tại công trình là không hợp lý. “Đề nghị những trường hợp như vậy phải thu hồi tài sản, bán đấu giá”, cử tri Bảy nói.
Trả lời các cử tri nói trên, ông Trương Quang Nghĩa cho hay việc thu hồi tài sản tham nhũng chưa đạt 10%. Chính khả năng thu hồi phản ánh tính minh bạch của tài sản. Đây cũng là gốc gác, nguyên nhân vì sao tham nhũng nhiều thế.
“Quan trọng nhất là quyết tâm phòng, chống tham nhũng. Đây là yêu cầu đặt ra như Tổng Bí thư nói là mang tính sống còn của chế độ. Tuần qua, ông Đinh La Thăng bị khởi tố phần nào đó cho cử tri thấy được sự quyết tâm của Đảng đối với phòng, chống tham nhũng”, ông Nghĩa nói.
Cử tri Lê Chí Bảy cho rằng cần có hướng xử lý vi phạm của ông Huỳnh Đức Thơ (Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng) nghiêm minh hơn. Trả lời cử tri, ông Trương Quang Nghĩa cho rằng xử lý phải dựa trên nguyên tắc giữ được sự ổn định của Đà Nẵng. Với trách nhiệm Bí thư Thành ủy, ông Nghĩa cho biết sẽ cùng với Ban thường vụ Thành ủy xem xét kỹ lưỡng, sao cho ít ảnh hưởng nhất đến sự ổn định của Đà Nẵng. |