Các trung tâm thương mại (TTTM) đang chịu áp lực cạnh tranh rất lớn khi ngày càng nhiều đại gia nước ngoài tham gia vào lĩnh vực này. Tuy vậy, trong cuộc đua này không ít doanh nghiệp (DN) nước ngoài phải ngậm ngùi đóng cửa, còn DN Việt Nam lại nổi lên như một thế lực mới.
Đi trước về sau
Ngay đầu năm 2018, Parkson, một thương hiệu đình đám trong lĩnh vực TTTM, đã tuyên bố đóng cửa TTTM Parkson Flemington trên đường Lê Đại Hành, quận 11, TP.HCM sau tám năm hoạt động. Đây là TTTM thứ hai tại TP.HCM và là trung tâm thứ tư tại Việt Nam của nhà đầu tư này phải ngừng hoạt động.
Gia nhập thị trường Việt Nam từ rất sớm (năm 2005), có thể nói Parkson là đơn vị duy nhất thời điểm đó đã đưa một mô hình mua sắm hiện đại giới thiệu đến người Việt. Không có đối thủ cạnh tranh và kinh doanh với chiến lược khác biệt, nơi duy nhất bán những thương hiệu nổi tiếng thế giới được bảo chứng về độ uy tín, Parkson đã nhanh chóng lấy được niềm tin người tiêu dùng. Nhờ đó thương hiệu này phát triển nhanh thành một hệ thống chuỗi với 10 TTTM.
Tuy nhiên, trong những năm gần đây việc kinh doanh của Parkson bắt đầu gặp khó khăn. Một mặt chịu áp lực cạnh tranh từ các đối thủ mới trên thị trường. Nhưng mặt khác, theo ông Tham Tuck Choi - nguyên Giám đốc điều hành Parkson: Nguyên nhân khiến các cửa hàng phải đóng cửa do đặt sai vị trí, chậm chuyển đổi không theo kịp xu hướng người tiêu dùng; đặc biệt là việc thu hút các thương hiệu mới, đầy hấp dẫn luôn đi sau đối thủ một bước.
Các trung tâm thương mại cạnh tranh ngày càng gay gắt và nhiều đại gia phải ngậm ngùi ra đi. Ảnh: TÚ UYÊN
Phân tích thêm về vấn đề này, ông Phạm Thái Bình, trưởng bộ phận bán lẻ của Công ty Tư vấn bất động sản Savills Việt Nam tại TP.HCM, nhận định: Parkson đi theo mô hình bách hóa tổng hợp, vốn đã tạo nên sự thành công của DN này không chỉ tại thị trường Việt Nam mà còn nhiều nước ở khu vực châu Á như Indonesia, Malaysia, Trung Quốc…
Tuy vậy, mô hình này có sự giới hạn về diện tích, khó linh hoạt và tối đa lợi ích theo nhu cầu người thuê, làm giảm đi sự trải nghiệm, sự thỏa mãn nhu cầu và sở thích cho khách hàng.
Trong khi Parkson bị kẹt trong mô hình này thì các đối thủ cạnh tranh bắt đầu đi theo xu hướng mới của thế giới là phát triển TTTM theo mô hình one-stop shopping (tất cả trong một). Mô hình này thường có quy mô diện tích rất lớn, lên đến 40.000-60.000 m2, đáp ứng đầy đủ các loại nhu cầu, tiện ích cho khách từ mua sắm cho đến ăn uống, vui chơi, xem phim… đã thu hút lượng khách rất lớn đến đây.
Cạnh tranh quyết liệt
Economist Intelligence Unit (EIU) dự báo đến năm 2020 doanh thu bán lẻ tại các cửa hàng của Việt Nam sẽ đạt 66,5 tỉ đôla Mỹ. Thực tế, thị trường bán lẻ của Việt Nam đang đón nhận nhiều thương hiệu quốc tế như Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan phát triển mạnh mảng kinh doanh thương mại.
Chưa kể, một loạt tuyên bố gần đây của các công ty lớn cho thấy sự cạnh tranh ngày càng quyết liệt trong lĩnh vực kinh doanh này. Chẳng hạn, Lotte (Hàn Quốc) sẽ mở rộng 60 trung tâm mua sắm vào năm 2020 hay AEON (Nhật) cũng có kế hoạch mở 20 đại siêu thị.
Trong cuộc chơi này, một số DN Việt Nam tỏ ra có thế mạnh hơn hẳn. Đơn cử, Công ty Cổ phần Vincom Retail đang đi nhanh hơn về quy mô, hiệu quả hoạt động và thu hút khách hàng. Theo hãng nghiên cứu thị trường Colliers International, Vincom Retail đang chiếm 75% thị phần, AEON nắm giữ 17% và phần còn lại các thương hiệu khác chia nhau. Hiện nay tỉ lệ lấp đầy của Vincom Retail đạt ở mức 90%.
Theo báo cáo của Economist Intelligence Unit, hiện tại so với các nước trong khu vực, tổng diện tích sàn bán lẻ xây dựng tại hai trọng điểm là Hà Nội và TP.HCM còn ở mức khá thấp, chỉ đạt 1,3 triệu m2 so với 7,9 triệu m2 của Bangkok (Thái Lan) và 10,7 triệu m2 của Manila (Philippines). Điều này cho thấy thị trường bán lẻ Việt Nam đang có tiềm năng tăng trưởng lớn. |
Theo bà Nguyễn Thị Hương Giang, Giám đốc phụ trách khối ngân hàng dịch vụ đầu tư của Công ty Cổ phần Chứng khoán Sài Gòn (SSI), Vincom Retail có mức tăng trưởng tốt nhờ việc sở hữu một hệ thống có quy mô lớn, vị trí đắc địa. Đồng thời rất biết cách xây dựng hệ thống tiêu chuẩn và quy trình hợp lý từ khâu nghiên cứu, phát triển dự án, cho thuê mặt bằng, vận hành đến quản lý.
“Chưa kể Vincom Retail cực kỳ linh hoạt trong chiến lược kinh doanh, không bó hẹp vào các thương hiệu có giá cả đắt đỏ mà là DN đầu tiên thu hút được các thương hiệu thời trang giá rẻ, vốn được lòng người tiêu dùng như Zara, H&M, Pull & Bear, Old Navy…” - bà Hương Giang nhận xét.
Ông Tham Tuck Choi, Giám đốc điều hành TTTM RomeA, nhận xét: Việc kinh doanh trong lĩnh vực TTTM ngày càng khốc liệt hơn. Người chơi chỉ có khả năng thắng khi tìm được các thương hiệu, xây dựng các dịch vụ có sản phẩm độc đáo, giá cả phù hợp với chi tiêu người tiêu dùng và sở hữu một vị trí tốt trong trung tâm thành phố.
Thất bại vì quá cứng nhắc Theo một chuyên gia trong ngành bán lẻ, sự thất bại của Parkson do DN này quá cứng nhắc trong việc chỉ tập trung vào khai thác đối tượng khách hàng có thu nhập cao và yêu thích các thương hiệu cao cấp, giá đắt đỏ. Trong khi đó, số lượng khách hàng này đạt tỉ lệ thấp so với thu nhập bình quân đầu người vẫn còn ở mức trung bình tại Việt Nam. “Chưa kể sự nở rộ của hàng xách tay, thương mại điện tử khiến khách dễ dàng mua được hàng hiệu với giá thấp đã phần nào lấy đi lượng khách hàng của Parkson” - vị chuyên gia này phân tích. |