Báo Pháp Luật TP.HCM đưa tin tháng 3-2016, hàng trăm bằng tốt nghiệp đại học đã bị Trường ĐH Văn Lang cấp sai quy định. Trong câu chuyện cấp bằng sai nói trên, người chịu thiệt thòi lớn nhất không phải là trường hay Bộ GD&ĐT mà chính là các sinh viên đã nhận bằng.
Thiệt thòi khó đong đếm
Các sinh viên nói trên đã học hành vất vả, thi cử theo quy định trong suốt mấy năm trời. Gia đình, xã hội đã đầu tư không ít cho quá trình đào tạo họ, bây giờ chỉ vì lỗi của một vài cá nhân trong khâu cấp bằng, công sức của cả người học, gia đình và xã hội có thể bị hủy vì tấm bằng không hợp lệ. Những thiệt hại này phải được nói đến một cách đầy đủ và chỉ khi người học hiểu được những quyền đã được luật định, ý thức được để tự bảo vệ quyền của mình thì các hình thức xử lý đối với vụ việc này mới có thể đi đến bản chất, gốc rễ.
Điểm lại một loạt vụ việc, có thể thấy các sai sót trong khâu cấp bằng của các trường đại học ở ta đã được xử lý một cách thụ động, chỉ khi người nhận bằng và báo chí lên tiếng. Tháng 6-2011, các sinh viên Trường ĐH Sài Gòn cho biết bằng kỹ sư mà họ vừa nhận có một “lỗi sai trầm trọng”: Ghi sai tên chuyên ngành. Tháng 4-2014, ĐH Huế cấp 262 bằng tốt nghiệp đại học cho sinh viên khoa Quản trị kinh doanh và Du lịch, sai chính tả phần tiếng Anh: “July” (tháng 7) viết thành “Yuly”. Những lỗi sai về chính tả, in ấn này khá nhiều. Gần nhất, ngày 30-6, Trường ĐH Yersin Đà Lạt, sau khi bị sinh viên phản ứng gay gắt mới thừa nhận sơ suất trong in ấn, gây lỗi sai trong 138 bằng đã phát. Trường đã phải báo cáo Bộ GD&ĐT đề nghị Bộ cấp bổ sung phôi để in lại bằng cho sinh viên, đồng thời tiến hành thu hồi số bằng sai đã cấp phát. Vụ việc xảy ra tại Trường Văn Lang không nằm trong diện “sai chính tả”, “lỗi in ấn”, mà nằm ở một cái sai trầm trọng hơn nhiều: Sai thẩm quyền cấp phát văn bằng thì lại chưa thấy một cam kết rõ ràng nào về việc thu hồi và đổi các văn bằng đã bị cấp sai luật.
Đại diện Trường ĐH Văn Lang đã nói rằng: “Trong trường hợp sinh viên có thắc mắc thì trở lại trường, chúng tôi sẽ tiếp nhận và có hướng dẫn xử lý cụ thể”. Đây sẽ là một cái sai tiếp theo, bởi đừng đợi sinh viên thắc mắc, mà chính nhà trường phải đứng ra giải quyết vấn đề này như một trách nhiệm. Lỗi sai này đã vượt quá tầm xử lý nội bộ của trường, trường không thể “có hướng dẫn xử lý cụ thể” được mà phải xử lý theo luật định. 520 tấm bằng đại học sai là không nhỏ, có thể coi là vụ việc nghiêm trọng nhất từ trước đến nay, các cơ quan chức năng có lẽ sẽ phải vào cuộc.
Trường ĐH Văn Lang và bằng tốt nghiệp ĐH do ông Nguyễn Đắc Tâm ký. Ảnh: P.ĐIỀN
Quyền được cấp bằng chính xác
Quyền của người được cấp bằng được quy định rõ tại Quy chế văn bằng, theo đó người được cấp bằng có quyền “Yêu cầu cơ quan cấp văn bằng, chứng chỉ đúng thời hạn quy định; ghi chính xác, đầy đủ các thông tin trên văn bằng, chứng chỉ; chỉnh sửa các nội dung ghi trên văn bằng, chứng chỉ theo quy định tại quy chế này”. Đồng thời quy chế trên quy định văn bằng, chứng chỉ bị thu hồi, hủy bỏ trong trường hợp: “Do người không có thẩm quyền cấp”.
Vào thời điểm vừa tốt nghiệp đại học, ít sinh viên nào quan tâm đến các chi tiết pháp lý trên tấm bằng của mình (đây có lẽ cũng là một lỗ hổng trong giáo dục pháp luật cho sinh viên). Đến bây giờ, khi nỗi mừng vui trong ngày tốt nghiệp giảm đi trước những thông tin về việc làm sai của nhà trường, họ có quyền phẫn nộ. Họ đã hoàn thành chương trình học tập, điểm thi hoàn tất không nợ môn nào, thậm chí đóng đủ học phí, lệ phí nữa thì mới được công nhận tốt nghiệp. Vậy mà những sự nghiêm túc đó của người học đã bị đánh đổi bởi sự thiếu trách nhiệm.
Trong những ý kiến chia sẻ trên mạng xã hội, có người đã cảnh báo: “Việc ký bằng như thế là sai, ảnh hưởng tới việc thăng tiến của bạn về sau này, vì bằng không đúng quy chế. Bạn là người bị ảnh hưởng trực tiếp”. Nhẹ nhàng thế thôi. Nhưng cũng khiến người ta suy nghĩ: Dù rơi vào hoàn cảnh nào thì thiếu sót của nhà trường có thể chỉ vài tháng hoặc vài năm là thu xếp xong nhưng tấm bằng của người ta có giá trị suốt đời, đến lúc cần, đến lúc bị hỏi ra, chỉ ra là không hợp lệ, biết làm sao tìm được người có trách nhiệm để thực hiện thay đổi chỉnh sửa cho đúng? Chuyện không giải quyết bây giờ, rất có thể thành nan giải, thậm chí trở thành gánh nặng trách nhiệm cho xã hội, khi các cá nhân nhận bằng phải gánh mãi cái sai của người khác trên vai mình, năm năm, 10 năm, thậm chí cho đến hết đời họ.