Và cơ quan chức năng cần phải chế tài thật nặng để răn đe những người có hành vi không thể chấp nhận này...
Người xưa dạy: Ra đường gặp đám ma phải dừng lại, ngả nón chào, đợi đám ma đi qua mình mới đi tiếp. Sống ở nơi đô thị, ít khi chúng ta thực hiện được điều này vì đường đông, vì ai cũng tất bật, vội vã quá. Nhưng khi gặp đoàn xe tang, chúng ta hay tấp vào lề, nhường đường cho họ với suy nghĩ đơn giản là “họ đi trên cõi đời lần cuối”…
Đó là đạo đức. Còn với pháp luật, không chỉ với đoàn xe tang mà luật còn quy định người tham gia giao thông phải nhường đường cho xe cấp cứu, xe cứu hỏa… đi làm nhiệm vụ. Nếu không nhường, pháp luật sẽ chế tài với các mức phạt tương ứng, tùy mức độ vi phạm.
Tuy nhiên, sống ở nơi dễ thành “vô danh”, hình như ai cũng tất bật quá, vội vã quá nên ít khi chịu nhường đường các đoàn xe này và cơ quan chức năng cũng ít khi xử phạt người vi phạm.
Trên kỳ họp HĐND TP.HCM trong ba ngày qua, các đại biểu cũng đã đề cập nhiều, rất nhiều về hành vi xả rác vô tội vạ của một bộ phận người dân làm nghẹt cống, mất vệ sinh nơi công cộng… Từ đó các đại biểu đề nghị tăng mức xử phạt, kêu gọi ý thức người dân để bỏ thói quen “bạ đâu vứt đó” của nhiều người.
Chiếc ô tô chạy rề rà trước đầu xe cứu hỏa hơn 4 km ở quận 12 vào ba hôm trước chỉ là một trong hàng trăm, hàng ngàn vụ vi phạm. Nó không chỉ biểu hiện ý thức chấp hành luật giao thông quá tệ mà còn thể hiện đạo đức của người cầm lái có vấn đề. Bởi tôi tin chắc rằng tài xế chiếc ô tô chạy “bình thản” trước đầu xe cứu hỏa kia thừa biết phía sau mình có xe cứu hỏa đang vội vã đến nơi chữa cháy, biết rõ quy định nhường đường cùng các chế tài mà họ sẽ nhận.
Nên giảng cho con trẻ rằng trên chiếc xe cứu thương có người đang cần đến bệnh viện thật nhanh, sau những tiếng còi ưu tiên kia là có nhà bị cháy, có người cần giúp đỡ, nếu chậm thì hậu quả sẽ khôn lường. Còn với người lớn, nếu vi phạm thì cơ quan chức năng cần phạt mút khung, dư luận cần lên án thậm tệ hành vi xem thường pháp luật, xem thường tính mạng, tài sản của người khác này.