Phải quy trách nhiệm việc đầu tư dàn trải

Chiều nay, 21-2, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) làm việc về Danh mục dự án và mức bố trí vốn cụ thể cho từng dự án trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020.

Phải quy trách nhiệm việc đầu tư dàn trải ảnh 1
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân

Theo Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng, đến ngày 17-2, chỉ còn ba tỉnh Ninh Bình, Thái Bình, Bình Định chưa gửi phương án phân bổ chi tiết kế hoạch vốn cân đối ngân sách địa phương. Ngoài ra, ba bộ ngành là Ngân hàng Phát triển Việt Nam, Bộ LĐ-TB&XH, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam chưa dự kiến phương án phân bổ chi tiết kế hoạch vốn đầu tư từ nguồn thu để lại chưa đưa vào cân đối ngân sách nhà nước (NSNN) giai đoạn 2016-2020.

Ông Dũng cho hay nguyên nhân khiến các địa phương, bộ ngành “gặp khó khăn, lúng túng” trong điều chỉnh phương án phân bổ chi tiết là do mức vốn kế hoạch đầu tư trung hạn vốn NSNN giai đoạn 2016-2020 giảm khá lớn so với dự kiến. Hiện việc này đang được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo quyết liệt.

“Đến hết ngày 28-2, Bộ, ngành, địa phương nào phân bổ không đúng quy định sẽ thực hiện cắt giảm, đưa vào dự phòng chung vốn đầu tư ngân sách Trung ương” - ông Dũng nói.

Thẩm tra việc bố trí vốn đầu tư công trung hạn cho các dự án, Ủy ban Tài chính ngân sách (TCNS) nhận định vẫn còn những dự án chưa đáp ứng đầy đủ các điều kiện theo quy định Nghị quyết số 26, Luật Đầu tư công. Điều này sẽ dẫn đến tình trạng tiếp diễn các tồn tại, hạn chế của giai đoạn 2011-2015 như dàn trải, manh mún trong bố trí vốn, dự án dở dang, không hoàn thành do thiếu vốn đầu tư... 

Một số dự án trong danh mục bố trí vốn chưa thực sự hợp lý, bố trí thiếu vốn so với tổng mức đầu tư, thiếu thông tin về tổng mức đầu tư, quyết định đầu tư...

"Ủy ban TCNS đề nghị đối với những dự án tỉ lệ vốn bố trí quá thấp, không đủ khả năng hoàn thành thì cần đưa ra khỏi danh mục để tập trung cho các dự án chuyển tiếp hoàn thành trong giai đoạn 2016-2020. Khắc phục tình trạng phân bổ dàn trải, dở dang ở nhiều dự án” - Chủ nhiệm Ủy ban TCNS Nguyễn Đức Hải nói.

Về nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân lưu ý cần chấm dứt tình trạng đầu tư dàn trải. “500 công trình chuyển tiếp cùng vài trăm công trình dự kiến hoàn thành. Nhiều dự án quá nhỏ, lẽ ra phải xử lý dứt điểm, không để dây dưa, dẫn đến không có tiền để làm những công trình trọng điểm, tạo cơ sở cho phát triển đất nước trong năm năm tới” - Chủ tịch Quốc hội nói.

Theo đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ tiếp tục cố gắng, chỉ đạo, xử lý dứt điểm những tồn tại, nhất là tình trạng giải ngân chậm, sử dụng kém hiệu quả, dàn trải, manh mún.

Phải quy trách nhiệm việc đầu tư dàn trải ảnh 2
Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh

Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh nhận định việc đầu tư dàn trải chưa có giải pháp khắc phục triệt để. Nhiều dự án chưa bố trí đủ vốn, nhiều dự án nhóm B, C quá thời hạn tới ba năm mà chưa có vốn giải quyết, dẫn tới lãng phí lớn. Bên cạnh đó, còn tình trạng tăng vốn đầu tư lên rất nhiều sau khi trúng thầu, như vậy là đã vô hiệu hóa đấu thầu. Vẫn còn dự án đầu tư thu không đủ bù chi phí, nhất là đối với các công trình giao thông.

Theo đó, Phó Chủ tịch nước nhấn mạnh: “Cần phải tăng cường kỷ luật kỷ cương về đầu tư công, kỷ luật tài chính, quy trách nhiệm rõ ràng. Vì chúng ta đã có nhiều văn bản, quyết định về việc này. Có như vậy mới hy vọng khắc phục tình trạng vi phạm đầu tư công”.

Về tổng vốn ngân sách trung ương trung hạn, Chính phủ đã báo cáo Quốc hội phân bổ hơn 715.000 tỉ đồng. Trong đó, vốn bố trí cho các chương trình mục tiêu quốc gia hơn 68.000 tỉ đồng, phần vốn còn lại, đã thông qua hơn 559.000 tỉ đồng, chiếm 96% tổng kế hoạch trung hạn được rà soát.

Riêng số vốn bố trí cho các dự án khởi công mới chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư hơn 12.000 tỉ đồng, chiếm 2,1% tổng kế hoạch trung hạn được rà soát. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm