Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 49/2020 quy định chi tiết thi hành Luật Thi hành án hình sự về tái hòa nhập cộng đồng. Nghị định có hiệu lực từ ngày 15-6 tới.
Theo đó, trong khoảng thời gian hai tháng trước khi phạm nhân chấp hành xong án phạt tù hoặc sau khi có kết quả thẩm định nhất trí đặc xá, tha tù trước thời hạn có điều kiện, các cơ sở giam giữ phạm nhân tổ chức tư vấn tâm lý, hỗ trợ các thủ tục pháp lý cho phạm nhân.
Việc này nhằm cung cấp cho phạm nhân kiến thức, giúp họ định hướng và nâng cao khả năng tự giải quyết những khó khăn, vướng mắc gặp phải trong quá trình tái hòa nhập cộng đồng.
Ảnh minh họa
Nội dung tư vấn gồm tư vấn tình cảm, hôn nhân, gia đình, sức khỏe, phòng, chống ma túy, HIV/AIDS và các tệ nạn xã hội, xóa bỏ mặc cảm, tự ti, giải quyết các vấn đề phát sinh trong quá trình tái hòa nhập cộng đồng...
Nội dung quan trọng khác là tư vấn về lao động, việc làm, sử dụng các ngành nghề đã được học, bảo hiểm xã hội...
Các cơ sở giam giữ tổ chức cho phạm nhân đăng ký nhu cầu tư vấn từ đó phân công cán bộ có kinh nghiệm, hiểu biết về các lĩnh vực để tư vấn trực tiếp cho phạm nhân.
Cán bộ có thể tư vấn riêng cho từng phạm nhân hoặc tư vấn nhóm cho số phạm nhân có cùng nội dung tư vấn.
Việc tổ chức tư vấn riêng phải được thực hiện trong các phòng tư vấn, có trang thiết bị bàn ghế làm việc và các phương tiện cần thiết phục vụ cho việc tư vấn.
Cạnh đó, phạm nhân chuẩn bị chấp hành xong án phạt tù được hỗ trợ về các thủ tục pháp lý như đăng ký cư trú, đăng ký hộ tịch, cấp căn cước công dân, vay vốn...
Các cơ sở giam giữ có trách nhiệm kiểm tra, đánh giá năng lực, nhu cầu, điều kiện, hoàn cảnh của từng phạm nhân để hướng dẫn họ lập kế hoạch tái hòa nhập cộng đồng cho bản thân.
Đồng thời phối hợp với các trung tâm dịch vụ việc làm cung cấp thông tin thị trường lao động, tư vấn, định hướng nghề nghiệp, giới thiệu việc làm cho phạm nhân.
Căn cứ vào khả năng nhu cầu của phạm nhân, thị trường lao động và điều kiện cụ thể, ba tháng trước khi phạm nhân chấp hành xong án phạt tù, các cơ sở giam giữ lập kế hoạch, phối hợp với các cơ quan, đơn vị chức năng tổ chức đào tạo nghề, bồi dưỡng nâng cao tay nghề, cấp chứng chỉ nghề cho phạm nhân.
Đặc biệt phạm nhân là người dưới 18 tuổi được ưu tiên đào tạo nghề, nâng cao tay nghề để có điều kiện thuận lợi tái hòa nhập cộng đồng.