Nhóm các nhà khoa học Mỹ đã nghiên cứu để giải thích tại sao một số mô trong cơ thể lại dễ bị ung thư hơn những mô khác tới một triệu lần.
Kết quả nghiên cứu đã được công bố trên Tạp chí Khoa học cho thấy, 2/3 các loại ung thư là do đột biến, chứ không hoàn toàn là do lối sống, nhưng 1/3 còn lại vẫn là sự lựa chọn của chúng ta.
Gốc rễ của bệnh ung thư
Những tế bào già cỗi trong cơ thể liên tục được thay thế bằng những tế bào bằng phương thức phân chia các tế bào gốc.
Nhưng mỗi lần phân chia tế bào sẽ đi kèm với nguy cơ đột biến tế bào gốc và đây chính là một bước gần hơn nguy cơ mắc ung thư.
Các nhà nghiên cứu đã so sánh mức độ phân chia thường xuyên các tế bào gốc ở 31 mô của cơ thể trong suốt cuộc đời. Họ kết luận rằng, 2/3 trong số các loại ung thư là do “kém may mắn" từ phân chia tế bào gốc dẫn đến đột biến mà không thể ngăn chặn. Những loại ung thư có thể xảy ra do nguyên nhân này là ung thư não, ung thư ruột non và ung thư tụy.
Nhà nghiên cứu Cristian Tomasettithay cho biết: “Thay đổi lối sống và thói quen có thể là một sự hỗ trợ lớn trong việc ngăn ngừa một số bệnh ung thư nhất định, nhưng điều này có thể không hiệu quả với nhiều người khác. Chúng ta nên tập trung nhiều nguồn lực vào việc tìm cách phát hiện các bệnh ung thư ở giai đoạn đầu, giai đoạn có thể chữa được".
Lối sống không lành mạnh
Theo Tổ chức nghiên cứu Ung thư của Anh, một lối sống lành mạnh vẫn rất có lợi cho tất cả chúng ta. Nếu đang uống quá nhiều rượu, tiếp xúc nhiều với ánh nắng mặt trời hoặc thừa cân, béo phì có nghĩa là bạn đang chơi một trò may rủi mà tỷ lệ thắng cuộc chỉ là 1/3.
1/3 nguyên nhân mắc các loại ung thư chính là các yếu tố lối sống, vi-rút hay di truyền:
Ung thư biểu mô tế bào: Một loại ung thư da do tiếp xúc quá nhiều với tia cực tím.
Ung thư phổi: Nguyên nhân chính là do hút thuốc.
Ung thư đại tràng: Do chế độ ăn và gen di truyền.
Tiến sĩ Emma Smith, nói với BBC: "Chúng tôi ước tính rằng hơn bốn trong 10 loại ung thư có thể được ngăn ngừa bằng cách thay đổi lối sống, như không hút thuốc, giữ một trọng lượng khỏe mạnh, một chế độ ăn uống lành mạnh và giảm bớt rượu, bia. Những thay đổi về lối sống không thể đảm bảo việc chống lại bệnh ung thư, nhưng chắc chắn sẽ có lợi cho sức khỏe chúng ta.
Điều quan trọng là khoa học phải ngày càng tiến bộ hơn để phát hiện ung thư sớm hơn và cải thiện phương pháp điều trị. Nhưng giúp mọi người hiểu cách làm giảm nguy cơ phát triển ung thư sớm nhất có thể vẫn là yếu tố quan trọng trong việc giải quyết bệnh ung thư”.
Theo An Nhiên/dantri
nguồn BBC