Chiều 26-1, TAND huyện Bình Chánh, TP.HCM đã hoãn xử vụ án gây ô nhiễm môi trường do có một bị cáo chưa triệu tập được. Thời gian cụ thể ngày xử tiếp theo chưa được ấn định.
Đây là vụ gây ô nhiễm môi trường đầu tiên bị xử lý hình sự ở huyện Bình Chánh, TP.HCM.
Cơ quan chức năng đang khảo sát hiện trường khu đất được san lấp bằng chôn rác thải ở Bình Chánh, TP.HCM. Ảnh: ĐINH CƯỜNG
Theo cáo trạng, Vũ Anh Vũ nhận chuyển nhượng lại công việc san lấp hai thửa đất ở ấp 2, xã Phong Phú, huyện Bình Chánh.
Từ ngày 9-5-2018, Vũ thuê người chay xe tải đến khu vực đường Cao Lỗ, quận 8 chở xà bần, đất, cát từ các công trình xây dựng đem về đổ tại hai khu đất để san lấp.
Đến tháng 7-2018, một người tự xưng là quản lý bãi tập kết phương tiện Công ty TNHH kỹ thuật môi trường Bắc Nam thuê chở xà bần vào đổ tại khu đất của công ty với giá 1,1 triệu đồng/xe tải 10 tấn, và chở rác thải đang chứa trong bãi đem đi nơi khác đổ với giá 500.000 đồng/ xe tải 10 tấn.
Vũ thuê ba tài xế đến chở rác thải tại bãi của công ty này về đổ tại khu đất để làm đường vào chống lún xe. Nhận thấy rác thải này có thể dùng để san lấp nên Vũ tiếp tục yêu cầu các tài xế chở về khu đất. Vũ còn thuê người múc đất lấp lên rác thải để tránh bị phát hiện.
Vũ nhận được 750 triệu đồng từ việc nhận lại hợp đồng san lấp đất.
Ngày 23-11-2018, Phòng Cảnh sát môi trường Công an TP.HCM phát hiện vật liệu dùng để san lấp hai khu đất nêu trên là chất thải rắn gồm bao bì nhựa phế liệu thải, sợi nylon thải, vải vụn thải, bao bì sợi nylon, bao bì nhựa, vải giả da, bao bì giấy thải, cao su, mút xốp.
Ngày 8-4-2019, Công an TP.HCM khởi tố vụ án, khởi tố bị can gây ô nhiễm môi trường theo điểm d khoản 3 Điều 235 BLHS 2015 đối với Vũ, đồng thời chuyển hồ sơ về Bình Chánh xử lý theo thẩm quyền.
CQĐT Công an huyện Bình Chánh khởi tố thêm tài xế Bùi Chí Công về tội danh này. Tài xế Tống Viết Mười bị truy tìm để xử lý sau.
Hồ sơ truy tố chuyển sang tòa, sau khi nghiên cứu, tòa đã trả hồ sơ đề nghị truy cứu trách nhiệm hình sự thêm tài xế Mười.
Vũ được xác định là chủ mưu, hai tài xế là người trực tiếp thực hiện tội phạm. Cáo trạng xác định các bị can đã chôn, lấp, đổ, thải ra môi trường trái pháp luật chất thải rắn thông thường 500.000 kg trở lên. Với hành vi này, các bị can có thể bị phạt tiền từ 1 tỉ đến 3 tỉ đồng hoặc phạt tù 3-7 năm.
Đêm khuya đổ chất thải vượt ngưỡng nguy hại xuống sông Hồng Ngày 25-9-2020, TAND huyện Thanh Trì, TP Hà Nội đã xử phạt Phạm Văn Hùng chín tháng tù về tội gây ô nhiễm môi trường. Đêm 13-3-2020, Hùng chở 14 thùng phi chứa dung môi chất thải, bao gồm chất thải còn lại sau tái chế, không sử dụng được, dung môi kém chất lượng không thể tái chế được đến đường dốc bờ sông Hồng (khu vực đình Vạn Phúc), thuộc thôn 1, xã Vạn Phúc, huyện Thanh Trì, TP Hà Nội đổ xuống sông Hồng. Do thời điểm này, mực nước sông Hồng không cao nên chỉ có hai thùng phi rơi xuống nước; còn 12 thùng phi rơi xuống sát mép nước. Qua giám định, 14 thùng phi chứa 2.873kg chất thải nguy hại có chứa thành phần nguy hại đặc biệt vượt ngưỡng chất thải nguy hại xuống sông hồng. HĐXX nhận định hành vi phạm tội của bị cáo đã xâm hại sự bền vững và ổn định của những thành tố cơ bản của môi trường... làm biến đổi các thành phần môi trường, vi phạm các quy chuẩn kỹ thuật môi trường và tiêu chuẩn môi trường gây ảnh hưởng xấu đến môi trường sinh thái cũng như cho tính mạng, sức khỏe, tài sản của con người. Do tính chất nguy hiểm của hành vi, cần thiết phải xử lý bị cáo bằng pháp luật hình sự. Hành vi của bị cáo chưa gây hậu quả vì các chất thải vẫn để trong thùng phi chưa phát tán vào môi trường nên được xem xét giảm nhẹ một phần hình phạt. |
(PL)- Trả lời trước Quốc hội hôm 12-11, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết thực tế nước ta chưa từng xử lý hình sự pháp nhân vi phạm dù BLHS có quy định. “Đối với chúng ta, chắc là vài năm nữa mới có (việc xử lý hình sự pháp nhân)” - Bộ trưởng Tô Lâm nói.